Trong thời gian gần đây, tin tức về việc Việt Nam sẽ thành lập Đội cảnh sát cơ động kỵ binh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Hiện nay chủ đề về kỵ binh đang được bàn tán rất sôi nổi.
Có thể thấy mọi người đều rất hào hứng khi được nhìn thấy những hình ảnh của lực lượng này. Nhiều người đã bắt đầu tìm hiểu về kỵ binh Việt Nam cũng như lịch sử và các lực lượng kỵ binh trên thế giới.
Kỵ binh Hà Lan đi tuần tại Amsterdam. (Ảnh: Pinterest)
>> Xem nhanh: Chàng ngựa đẹp trai nhất thế giới, sở hữu "mái tóc" bồng bềnh lãng tử
Đoàn cảnh sát kỵ binh Việt Nam
Vào ngày 8/6 vừa qua, người dân Hà Nội đã được chứng kiến cảnh diễu hành của Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động. Đây là lần ra mắt chính thức của lực lượng tại Việt Nam. Được biết, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng là huấn luyện, sử dụng ngựa để đảm bảo an ninh, trật tự cũng như phòng chống tội phạm.
Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ là lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là ở vùng sâu vùng xa, những khu vực mà phương tiện cơ giới không thể tới được, bên cạnh đó là tuần tra, xử lý các tình huống bất ngờ. Khi quốc gia có các sự kiện lớn cần diễu binh, diễu hành cấp nhà nước, lực lượng kỵ binh cũng sẽ tham gia. Giống ngựa mà lực lượng sử dụng là ngựa Mông Cổ được đánh giá "nhỏ nhưng có võ".
Kỵ binh Việt Nam sử dụng ngựa Mông Cổ, một loài ngựa nhỏ nhưng linh hoạt và dai sức. (Ảnh: Pháp Luật Online)
>> Xem thêm: Trầm trồ với những chú ngựa có bộ lông không đụng hàng
Lý do các quốc gia vẫn duy trì lực lượng cảnh sát kỵ binh binh
Sau khi lực lượng cơ động kỵ binh Việt Nam ra mắt, đã có không ít người bắt đầu tìm hiểu lý do về việc tại sao cho tới nay, nhiều quốc gia vẫn duy trì lực lượng này. Ngày nay, mặc dù lực lượng cảnh sát của các quốc gia đều được trang bị những thiết bị hiện đại và tối tân nhất để trấn áp tội phạm hoặc duy trì trật tự, thế nhưng có không ít lý do chứng minh rằng việc những chú ngựa tiếp tục song hành cùng các sĩ quan cảnh sát là hợp lý.
Từ năm 2016, kỵ binh Ấn Độ bắt đầu làm việc tuần tra những nơi xe cảnh sát không thể tới được. (Ảnh: The National)
Ngựa có lợi thế rất lớn trong việc di chuyển giữa các đám đông cũng như giúp cảnh sát quan sát ở tầm cao hơn so với các phương tiện như ô tô hay mô tô, việc này khiến cho họ dễ phát hiện ra những bất thường và nhanh chóng tới hiện trường để giải quyết. Không những thế, ngựa là loài động vật hữu dụng trong việc giải tán các đám đông, chỉ cần vài chú ngựa là những đám đông sẽ tự động tan rã, bởi không một ai muốn mình bị loài động vật cao lớn này va phải cả.
Kỵ binh Nga trấn áp tội phạm. (Ảnh: Pinterest)
Ở những địa hình hiểm trở, nơi các phương tiện không thể đến được, ngựa trở thành phương tiện cực kì linh hoạt và hữu ích để luồn lách, đặc biệt là trong công tác cứu hộ ở các vùng hiểm trở. Không những có tác dụng trong chuyên môn, thậm chí lực lượng cảnh sát kỵ binh đôi khi còn là điều thu hút du lịch ở nhiều thành phố trên thế giới, bởi hình tượng kỵ binh tạo ra không khí khá hoài cổ nhưng cũng rất thú vị với các khách du lịch.
>> Đừng bỏ lỡ: Vì sao chúng ta không cưỡi ngựa vằn?
Một số đội cảnh sát kỵ binh trên thế giới
Theo trang Emerald, cảnh sát kỵ binh là một lực lượng xuất hiện ở Anh từ những năm 1600. Mô hình này cực kì phát triển vào thế kỉ 19 ở Anh và các vùng thuộc địa Anh. Trên thế giới, có không ít các lực lượng kỵ binh đã tồn tại tới hàng trăm năm.
Cảnh sát kỵ binh Anh quốc tại khu vực gần điện Buckingham. (Ảnh: Rand.org)
Tại Mỹ, có hơn 40 bang sở hữu lực lượng cảnh sát kỵ binh. Lực lượng này được thành lập vào năm 1934, tới năm 1995, trên khắp nước Mỹ đã có tới khoảng 120 đơn vị kỵ binh. Mỗi chú ngựa ở đây sẽ phục vụ trong thời gian từ 9-13 năm rồi nghỉ hưu.
Sĩ quan kỵ binh của Chicago, Mỹ. (Ảnh: Chicago Cop)
Theo trang Blogto, Canada là một quốc gia có lực lượng kỵ binh lâu đời và có lịch sử tới gần 150 năm. Đơn vị kỵ binh đầu tiên thành lập ở Canada vào năm 1837, thuộc lực lượng cảnh sát hoàng gia. Kỵ binh Canada chủ yếu tham gia vào các hoạt động kỉ niệm lớn, lễ tang các chính trị gia và đảm bảo trật tự đường phố.
Cảnh sát kỵ binh Canada đi tuần tại Toronto. (Ảnh: Ben Roffelsen)
Tại châu Á, lực lượng kỵ binh nổi tiếng và lâu đời nhất có lẽ thuộc về Nhật Bản. Bắt đầu thành lập vào năm 1903, tới nay, kỵ binh Nhật Bản đã có lịch sử 117 năm. Khác với các đơn vị kỵ binh trên thế giới, ở Nhật Bản, lực lượng này hiện nay chủ yếu có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em trên đường đi học và về nhà. Do đó, đa phần các thành viên kỵ binh Nhật Bản đều là phụ nữ.
Cảnh sát kỵ binh Nhật Bản có nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trên đường đi học. (Ảnh: Asahi)
Hiện nay các quốc gia vẫn tiếp tục duy trì lực lượng này như một phương pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh, trật tự. Theo thời gian, kỵ binh đã dần trở thành những nét đặc sắc trong văn hóa và du lịch của các quốc gia. Với những lợi ích mà lực lượng này đem lại, chắc hẳn cảnh sát kỵ binh sẽ còn được duy trì và phát triển ở nhiều nơi trên khắp thế giới.
"PROFILE" CỦA NHỮNG CHÚ NGỰA THUỘC ĐỘI KỴ BINH VIỆT NAM
Thông tin về việc đội cảnh sát kỵ binh Việt Nam được chính thức thành lập đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Và tất nhiên, người ta không thể bỏ qua được "profile" của những thành viên mới - những chú ngựa của đội kỵ binh.
Trong những hình ảnh đầu tiên về đội kỵ binh, nhiều người cho rằng ngựa của lực lượng cảnh sát kỵ binh Việt Nam quá nhỏ bé, không đủ oai phong trong việc trấn áp tội phạm. Thế nhưng, thông tin về những "đồng chí" này đã được đưa ra và khiến mọi người không khỏi bất ngờ.
Được biết, ngựa của đội kỵ binh Việt Nam là giống Mông Cổ, loại ngựa đã từng theo bước Thành Cát Tư Hãn chinh phục cả châu Á, độ tuổi của các chú ngựa trong đội hiện này là 2-4 tuổi.
Ngựa Mông Cổ có vóc dáng nhỏ bé hơn rất nhiều so với ngựa phương Tây. Tuy nhiên, điểm mạnh của chúng là sức bền, gan dạ và có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa chúng còn được đánh giá là giống loài thông minh, nhanh nhẹn và có khả năng luồn lách trong những địa thế nơi các loại phương tiện cơ giới không thể tới được.