Luật sư giải đáp: Muốn kêu gọi đóng góp tiền từ thiện nên làm thế nào?

16:35 08/09/2021

Thời gian gần đây, việc "quyên góp tiền từ thiện cho các nghệ sĩ" là câu chuyện gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Từ đó, một vấn đề đang được đặt ra khiến nhiều người thắc mắc đó là dưới góc nhìn pháp luật, việc quyên tiền vào tài khoản cá nhân có phải chịu sự ràng buộc nào hay không?

 
Hiện nay pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc giao dịch tiền mặt và chuyển khoản. (Ảnh: Thư Viện Pháp Luật)
Hiện nay pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc giao dịch tiền mặt và chuyển khoản. (Ảnh: Thư Viện Pháp Luật)

Liên quan đề câu chuyện này, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ quan điểm với báo Tuổi Trẻ cho biết, khi một người huy động tiền từ thiện bằng tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng thì đây vẫn chỉ được coi là một tài khoản gửi tiền cá nhân thông thường. Vì vậy, chỉ chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền mới có quyền quyết định về việc công khai số dư, phát sinh giao dịch, tiền chuyển vào - chuyển đi,...

Luật sư Hải nhấn mạnh, cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản cá nhân đó trong một số trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định. 

Nói về việc bà con lựa chọn gửi tiền quyên góp cho người nổi tiếng, luật sư Hải cho rằng nguyên nhân lớn đến từ sức hút quảng bá của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý rằng, nếu nghệ sĩ đã chấp nhận lấy sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi quyên góp tiền thì vẫn phải chấp nhận cơ chế quản lý công khai minh bạch. Do đó, khi phát sinh nghi vấn về sự minh bạch thu chi trong hoạt động từ thiện, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, xác minh sự việc. 

Việc làm này vừa là để ngăn chặn, xử lý hiện tượng lừa dối, chiếm đoạt tiền từ thiện của cộng đồng (nếu có), vừa là để minh oan, trả lại sự công bằng cho cá nhân kêu gọi từ thiện.

 
Người lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương. (Ảnh: TTXVN)
Người lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng việc người nào đó dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi tiền từ thiện là hoàn toàn trái pháp luật. Ông Hưng giải thích trên Tuổi Trẻ: "Theo pháp luật hiện hành, cá nhân muốn vận động, tiếp nhận tiền từ thiện thì phải lập quỹ hợp pháp, thủ tục lập quỹ được quy định tại 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ."

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhận định rằng đó là về lý, còn về tình, khi phát sinh hậu quả do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh,... việc các nghệ sĩ kêu gọi ủng hộ cho thấy sự tương thân tương ái như một truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Dưới góc nhìn pháp luật, ông Hưng nêu quan điểm: "Với cách dùng tài khoản cá nhân để huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay lộ ra sự khó kiểm soát về tính minh bạch, khách quan. Có người huy động được số tiền rất lớn đến hàng trăm tỉ đồng, số tiền này nếu không được công khai, minh bạch và kiểm soát thì nguy cơ bị lợi dụng không phải là không có. 

Một tài khoản vừa thu chi cho mục đích cá nhân, vừa làm từ thiện trong một thời gian dài thì rất khó chứng minh tính minh bạch".

 
Hiện nay có nhiều người chọn giao dịch chuyển khoản thay vì tiền mặt vì sự tiện lợi. (Ảnh minh họa: Printest)
Hiện nay có nhiều người chọn giao dịch chuyển khoản thay vì tiền mặt vì sự tiện lợi. (Ảnh minh họa: Printest)

Một trong những cách nhanh nhất để chứng minh sự minh bạch trong thu chi tiền từ thiện đó là in sao kê để các mạnh thường quân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin chuyển khoản của mình. Về việc làm này, báo Lao Động có dẫn ý kiến của luật sư Hoàng Hà - văn phòng luật sư ở Quận 1 như sau: sao kê ngân hàng là cần thiết, mặc dù số tiền lớn thì sẽ mất nhiều thời gian nhưng không có nghĩa là không thể làm được.

Còn Tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu cho rằng để hạn chế xảy ra những tranh cãi không mong muốn, các nghệ sĩ không nên làm theo diện cá nhân: "Hãy tìm sự giúp đỡ ở một số cơ quan đoàn thể như Hội Nghệ sĩ, Hội Doanh nhân...để có nhiều người chung tay cho việc làm của mình minh bạch hơn".

Thực tế pháp luật không hề cấm các hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích mọi người nhân rộng nó, phát huy tinh thần "lá lành đùm lá rách" của người Việt. Trong câu chuyện này, bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy chia sẻ quan điểm với chúng tôi nhé!

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

TRUNG TƯỚNG TÔ ÂN XÔ: NẾU CÓ TỐ GIÁC LỪA ĐẢO TỪ THIỆN, CƠ QUAN CHỨC NĂNG SẼ VÀO CUỘC

Mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cũng đã đưa ra lời phát biểu về các sự việc liên quan đến hoạt động từ thiện. Theo Trung tướng, các hoạt động từ thiện phải thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, công khai rõ ràng, nghiêm cấm lợi dụng để vụ lợi, gian lận, báo cáo sai sự thật nhằm chiếm đoạt tiền, hàng hóa do cộng đồng quyên góp.

Vì thế, nếu có dấu hiệu bất thường cho thấy phát sinh chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng sẽ lập tức vào cuộc xử lý với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: "Khi cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an nhận được các chứng cứ, tài liệu như tôi nói ở trên thì chắc chắn sẽ vào cuộc." 

Xem thêm tại đây!