Lời tâm sự của cô gái lâm vào cảnh vất vả chỉ vì mượn bạn hơn 10 triệu

13:20 08/12/2021

Mới đây, sự việc một nữ sinh mượn bạn 12 triệu đồng nhưng phải trả hơn 160 triệu đồng mà vẫn bị gây áp lực đòi thêm đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Sau khoảng thời gian dài mệt mỏi, nữ sinh đã có một số chia sẻ trên báo Người Lao Động.

 
Bảng thống kê cho thấy "lãi mẹ" đẻ "lãi con". (Ảnh: Người Lao Động)
Bảng thống kê cho thấy "lãi mẹ" đẻ "lãi con". (Ảnh: Người Lao Động)

Khổ sở vì tiền lãi

P.L.K.N. (20 tuổi; trú tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) khai báo tại cơ quan công an, N.H.A vốn là bạn học cũ thời cấp 2, sống gần nhà nữ sinh. Cả 2 cùng học đại học tại TP.HCM. Khoảng giữa tháng 3 vừa qua, việc làm thêm của N. gặp trục trặc do ảnh hưởng của dịch bệnh nên N. không có tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, N. mượn A. 12 triệu đồng nhưng thực chất chỉ nhận 9,6 triệu đồng (có viết giấy); 2,4 triệu còn lại A. tính là tiền lãi 10 ngày (240.000 đồng/ngày, tương đương lãi suất 720%/năm).

10 ngày đầu tiên N. không phải đóng lãi vì đã trừ trước đó. Từ ngày thứ 11 trở đi, N. phải trả 240.000 đồng/ngày, không những vậy, nếu nộp chậm sau 19h thì tiền lãi sẽ tăng gấp đôi (480.000 đồng/ngày), sau 24h gấp 4 (960.000 đồng/ngày). Để có tiền xoay xở trả lãi, N. phải mượn người quen, bạn bè, đến khi không được nữa, nữ sinh đành bán hết xe máy, laptop, đồ dùng cá nhân,... Cuối cùng cô rơi vào bế tắc.

Lúc này A. liền yêu cầu N. tiếp tục viết giấy nợ thêm số tiền lãi của khoản cũ. Dần dần, "lãi mẹ" đẻ "lãi con", từ 12 triệu ban đầu, sau 5 tháng N. đã gánh trên lưng khoản nợ hơn 300 triệu đồng. Đáng nói, khoảng tháng 7, tháng 8, N. đã thanh toán cho A. 168 triệu đồng qua 35 lần chuyển khoản, chưa tính tiền mặt. Thế nhưng A. vẫn chưa chấp nhận và đề nghị N. viết tiếp 6 giấy mượn tiền, với tổng số tiền lên đến 120 triệu đồng.

Đến tháng 9, N. không còn khả năng chi trả nên đã bị A. gây áp lực bằng nhiều cách khác nhau, bà con sống tại khu vực khá bức xúc.

 
Chi tiết các lần mượn tiền với số lãi đều được ghi lại. (Ảnh: Dân Trí)
Chi tiết các lần mượn tiền với số lãi đều được ghi lại. (Ảnh: Dân Trí)

Chia sẻ về câu chuyện, N. nói trên báo Người Lao Động, vì hành động của A. nên nữ sinh đã phải nghỉ học ở TP.HCM, không dám đến trường: "Thời gian qua, em đã nhiều lần van xin nhưng bạn A. vẫn không chịu buông tha... Đây là bài học của đời em. Mong các cơ quan chức năng hãy cứu lấy em để em có cơ hội được quay lại trường, làm lại cuộc đời".

Trong khi đó, mẹ của N. là bà L.T.P.T. (42 tuổi) cũng bày tỏ, thời gian qua, gia đình bà luôn sống trong cảnh bất an, an ninh trật tự địa phương bị ảnh hưởng. Vì thế, bà hi vọng sự việc sớm chấm dứt để gia đình yên ổn làm ăn, N. được trở lại trường học. 

Được biết đến thời điểm này, bà T. và N. đã gửi đơn tới Công an TP Quy Nhơn tố cáo A. cùng một số đối tượng. Cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh làm rõ. Về phía A., đến nay cô gái này vẫn chưa lên tiếng phản hồi.

 
Luật dân sự có quy định rõ ràng về việc lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: Gia Đình)
Luật dân sự có quy định rõ ràng về việc lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: Gia Đình)

>>Xem thêm: Cho bạn thân 15 năm mượn tiền và cái kết không khỏi bất ngờ

Hành vi lấy lãi cao có thể bị xử lý như thế nào?

Việc cho mượn tiền và lấy lãi đã được quy định rất rõ tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, lãi suất sẽ do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ một vài trường hợp nhất định. 

"Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn như trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực", pháp luật nêu rõ.

Đơn tố cáo của N. (Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)Đơn tố cáo của N. (Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)

>>Có thể bạn chưa biết: Nỗi khổ cho bạn mượn tiền: Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng mất đi tình bạn

Về mức phạt, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) cho biết:

''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho mượn tiền với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.''

Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc vướng phải khó khăn về tài chính, tuy nhiên thay vì vội vã mượn tiền với mức lãi quá cao hãy liên hệ đến cơ quan hợp pháp để được hướng dẫn thủ tục đúng quy định.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

CHI TIẾT 6 LẦN NỮ SINH PHẢI VIẾT THÊM GIẤY MƯỢN TIỀN VỚI TỔNG SỐ TIỀN LÊN ĐẾN 120 TRIỆU ĐỒNG

Nhiều người thắc mắc rằng tại sao số tiền N. trả cho A. lại tăng theo cấp số nhân như thế, thế nhưng nếu nhìn vào bảng thống kê ghi nợ chúng ta dễ dàng nhận thấy A. lấy lãi của N. đến 75%. Và 6 lần viết giấy với tổng số tiền 120 triệu đồng được ghi lại như sau:

- Ngày 10/7, mượn 25 triệu đồng (thực nhận 21,25 triệu đồng), lãi suất 625.000 đồng/ngày.

- Ngày 17/7, mượn 10 triệu (thực nhận 8,5 triệu), lãi suất 250.000 đồng/ngày.

- Ngày 22/7, mượn 15 triệu (thực nhận 11,25 triệu), lãi suất 325.000 đồng/ngày.

- Ngày 28/7, mượn 20 triệu (thực nhận 16,25 triệu), lãi suất 500.000 đồng/ngày.

- Ngày 7/8, mượn 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi suất 500.000 đồng/ngày.

- Ngày 11/8, mượn 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi suất 500.000 đồng/ngày.