Dạo quanh đường phố Hà Nội, không khó để bắt gặp các quán trà đá với đông đảo người ngồi. Giá thành rẻ, không gian thoáng đãng, thích hợp với nhiều khách hàng là điểm thu hút chính của những quán trà đá này. Đây là loại hình kinh doanh được nhiều người lựa chọn bởi chi phí rẻ nhưng đem lại thu nhập cao.
Không quá khó để bắt gặp các quán nước vỉa hè trên phố Hà Nội. (Ảnh minh họa: VTC)
Theo khảo sát từ Vietnamnet, giá một cốc trà đá hiện nay dao động khoảng 3.000 – 5.000 đồng. Thoạt nghe qua thì thấy rất rẻ, thế nhưng nếu hiểu được chi phí để cho ra đời một cốc trà đá, nhiều người có thể sẽ phải giật mình do lợi nhuận siêu “khủng” người bán có thể thu lại được.
Chia sẻ với Vietnamnet, anh V.T, chủ một quán trà đá trên đường Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Mỗi ấm trà với 2 nắm chè là anh có thể pha được thành phẩm là một bình chè nước cốt. Một cốc trà đá anh chỉ rót từ 1/3 hoặc 1/4 cốc là nước cốt, còn lại anh cho thêm nước lọc và bỏ thêm đá. Như vậy, chỉ cần một ấm chè là anh có thể bán được hàng chục tới trăm cốc trà đá.
Người uống trà đá thường gọi kèm đĩa hướng dương. (Ảnh minh họa: T.L)
Anh T. cũng chia sẻ thêm, chi phí “sản xuất” một cốc trà đá gồm 200ml nước chè cùng đá tốn khoảng 250 đồng, anh bán giá 3.000 đồng/cốc từ 7g – 18g hàng ngày. Trung bình mỗi ngày, anh tiếp rất nhiều khách, có cả khách lẻ và khách đi theo tốp 8 – 10 người, có người uống đến vài cốc.
Theo tính toán, mỗi ngày anh T. bán được khoảng 150 – 200 cốc, chỉ riêng tiền trà đá thu về khoảng trên dưới 500.000 đồng. Nếu tính thêm lợi nhuận từ việc bán hướng dương, kẹo và nhiều đồ lặt vặt khác, mỗi ngày anh kiếm được cũng xấp xỉ cả triệu đồng.
Quán nước của chị M.N đón nhiều khách hàng khác nhau. (Ảnh minh hoạ: VTC)
Tương tự anh T., chị M.N cũng sở hữu một quán trà đá trên đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) hào hứng chia sẻ, vào những ngày thời tiết nóng nực, chị còn lãi đến 8 triệu đồng/ngày chỉ nhờ việc bán trà đá và nước mía.
Chị M.N tiết lộ, mỗi một lít nước mía thêm đá, chị làm được 4 – 5 cốc với giá 10.000 đồng/cốc. Vào ngày hè thường, trung bình một ngày chị “xuất kho” được khoảng 40 lít – 50 lít nước mía. Còn vào đợt cao điểm nắng nóng, chị có thể bán được hơn 100 lít nước mía. Trừ đi các khoản chi phí như mía, điện, đá,…chị thu về khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Vào những ngày nắng nóng, nước mía là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, đem lại lợi nhuận lớn cho người bán. (Ảnh minh hoạ: VnExpress)
Vào thời điểm nhiệt độ lên tới 40 – 45 độ, có ngày chị lãi đến 8 triệu đồng. Tuy nhiên, bù vào những ngày mưa bão phải nghỉ bán nên thu nhập trong những tháng hè của chị thường rơi vào khoảng 30 – 50 triệu đồng/tháng, vào mùa đông thì chỉ từ 10 – 20 triệu đồng.
Biết được thông tin chủ nhân của những quán nước giá rẻ mình uống hàng ngày có thể sở hữu nguồn thu nhập lớn đến vậy, không ít dân mạng tỏ vẻ bất ngờ và sửng sốt. Một bộ phận netizen thì lại cho rằng việc những chủ quán vỉa hè kiếm được số tiền lớn đến thế cũng là xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.
- "Thỉnh thoảng mình có đi uống nước mía, trà đá với bạn bè còn tự nghĩ sao cốc nước bán rẻ thế. Không ngờ chủ quán lại bán được nhiều và lợi nhuận cao đến vậy".
- "Quá bất ngờ! Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại lãi rất nhiều. Có khi sau ra trường thất nghiệp mình cũng đi bán trà đá khởi nghiệp đây".
- "Đừng vội mừng mà rủ nhau đi bán trà đá bạn ơi, vì cũng vất vả đấy chứ chẳng đùa đâu".
- "Cũng là lao động kiếm tiền mà chứ có phải ngồi không rồi thu tiền vào túi đâu".
Có thể nói, nếu so sánh với một quán cà phê, trà sữa sang trọng với mức giá trên dưới 50.000 đồng, lại phải trả thêm nhiều chi phí như thuê mặt bằng, nhân viên, đầu tư máy móc pha chế,…thì bán trà đá, nước mía được cho là giải pháp thông minh đem lại thu nhập lớn. Đây cũng chính là lý do các quán trà đá vỉa hè mọc lên ngày càng nhiều trên các tuyến phố Hà Nội.
Bạn có suy nghĩ gì về thông tin trên, hay chia sẻ cũng YAN nhé!
VĂN HOÁ TRÀ ĐÁ ĐÃ GẮN BÓ VỚI NGƯỜI DÂN TỪ BAO GIỜ?
Nếu đã có thời gian sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chắc hẳn bạn đã từng trải nghiệm cảm giác uống vài cốc trà đá, cắn ít hạt hướng dương tại quán vỉa hè trên phố. Vừa nhâm nhi hương vị độc đáo mang tính “đặc sản” tại Việt Nam, vừa hàn huyên tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp là cảm giác rất thú vị, giúp đánh bay bao cảm giác quay cuồng, vội vã với cuộc sống.
Thời điểm hiện tại, mặc dù các quán cà phê, trà sữa “mọc lên như nấm”, thế nhưng không thể phủ nhận rằng chưa có loại hình kinh doanh đồ uống nào có thể “soán ngôi” các quán trà đá, nước mía vỉa hè. Những quán nước vỉa hè mọc lên khắp nơi, từ các đường phố lớn đến sâu trong ngõ hẻm, thậm chí tại gầm cầu và luôn thu hút đông đảo khách hàng.
Không biết từ bao giờ, việc uống trà đá đã trở thành một “nét văn hoá” đặc trưng cho nhịp sống nơi phố thị.
Đón xem TẠI ĐÂY!