Những ngày vừa qua, TP.HCM đã dần mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, do những tác động của dịch bệnh trong suốt thời gian dài qua, một số cửa hàng trong lĩnh vực karaoke vẫn chưa thể hoạt động lại, thậm chí có nơi còn phải chuyển hướng kinh doanh.
Nhiều quán vẫn đang trong tình trạng đóng cửa nghỉ dịch. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông L.H.V - quản lý một chuỗi karaoke cho biết, quán vừa phải đóng cửa chi nhánh trọng điểm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM). Suốt 2 năm qua, quán đã phải liên tục đóng, mở cửa nhiều lần do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của toàn hệ thống.
TP.HCM dự kiến mở cửa toàn bộ hoạt động từ 15/1/2022.
Cụ thể, ông V bày tỏ: "Hiện nay chuỗi karaoke của tôi còn 7 chi nhánh, ước tính chi phí để chi trả cho tất cả tốn đến cả tỉ đồng/tháng." Ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ từ phía chủ mặt bằng thì cũng không thể nào bù đắp nổi khoản lỗ. Bởi lẽ, thời gian dài vừa qua, doanh thu của quán gần như bằng 0. Trong khi vẫn phải chi trả tiền duy trì, tiền trợ cấp nhân viên.
Vì vậy, ông V mong rằng thành phố sẽ sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp mở cửa trở lại, khôi phục nền kinh tế.
Một trong những chi nhánh thuộc chuỗi karaoke ông V làm quản lý. (Ảnh: Lao Động)
Giống như ông V, đại diện chuỗi karaoke nổi tiếng I cho biết, tính đến nay, ngành này đã phải đóng cửa hơn 9 tháng để phòng dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống. Vị đại diện cho biết: "Chúng tôi không có nguồn thu nhưng các chi phí vẫn phát sinh để duy trì cơ sở hàng tháng.
Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng đã không còn nữa. Chi phí hỗ trợ cho hơn 600 nhân viên và cộng tác viên cũng vượt ngoài khả năng. Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, chuỗi 20 chi nhánh sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ, I đành phải đóng cửa."
Cũng theo thông tin từ vị đại diện trên, hiện tại, chủ chuỗi hệ thống karaoke này đang phải vay mượn tiền ngân hàng để trả đủ trợ cấp cho nhân viên và duy trì 20 chi nhánh, cơ sở, máy móc. Thậm chí, nhiều nơi, quán còn phải chuyển sang bán thức ăn mang về. Tuy chỉ thu được từ 2,5-3 triệu đồng một ngày nhưng cũng đủ để bù một phần nào kinh phí khổng lồ mà chủ cửa hàng đang xoay sở.
Tương tự, chuỗi kinh doanh karaoke K với gần 10 chi nhánh trên địa bàn TP.HCM cũng chưa thể hoạt động trở lại trong thời gian này. Thay vào đó, họ tập trung đẩy mạnh hoạt động của hai nhà hàng trong chuỗi kinh doanh, đồng thời làm thêm mảng bất động sản và thực phẩm đông lạnh. Dù vậy, theo người đại diện khẳng định: "Những lĩnh vực này không thể giúp nuôi cả hệ thống".
Một chi nhánh của chuỗi karaoke I nổi tiếng chuyển sang bán đồ ăn nhanh. (Ảnh: Pháp Luật và Bạn Đọc)
Không thể chống đỡ nổi, hệ thống karaoke I đã đại diện cho nhiều doanh nghiệp cùng ngành gửi công văn đến Chủ tịch UBND TP.HCM với nội dung đề xuất được mở cửa hoạt động lại từ ngày 30/10. Doanh nghiệp này khẳng định, ngành karaoke không quá nguy hiểm. Bởi lẽ, nhóm khách hàng đến đây thường quen biết nhau và hát trong những phòng riêng biệt.
Đồng thời, chuỗi hệ thống trên cũng khẳng định nếu được phép mở cửa trở lại, doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Mỗi lượt khách, nhân viên sẽ thay bọc mic và xịt khử khuẩn phòng cẩn thận. Khách hàng cũng sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách và giới hạn số người trong một phòng.
Ủng hộ đề xuất trên, phía karaoke N cũng đã soạn đơn kiến nghị, chỉ chờ thời điểm thích hợp gửi đi. Ông V - quản lý chuỗi karaoke này cho biết: "Hiện nay chúng tôi vẫn đang quan sát và chờ xem hướng dẫn mới của UBND TP trước nghị quyết số 128 của Chính phủ. Chúng tôi vẫn luôn bảo trì máy móc, thiết bị và sẵn sàng nhân lực để hoạt động trở lại".
Nhiều quán bọc mic để đảm bảo an toàn mùa dịch. (Ảnh minh hoạ: Lao Động)
Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, để đưa ra quyết định, thành phố cần phải xem xét dựa theo nhiều yếu tố. Dù vậy, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke vẫn rất mong chờ được hoạt động trở lại.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ: TP.HCM ĐANG Ở VÙNG CAM, CHUẨN BỊ CHUYỂN VÀNG
Trong buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" 20h ngày 15/10, Giám đốc Sở Y tế UBND TP.HCM Tăng Chí Thượng đã trả lời những thắc mắc của bà con về vấn đề y tế và hỗ trợ an sinh xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Tại cuộc trao đổi này, vị giám đốc cũng đã nói về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM hiện nay. Theo đó, ông cho biết 2 tuần vừa qua, thành phố đã rất cố gắng chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, hiện tại, TP.HCM vẫn chưa ở giai đoạn bình thường mới. Thành phố mới chỉ kiểm soát được dịch và bước vào cấp độ dịch thấp hơn (từ cấp 4 sang cấp 3) mà thôi. Vì vậy, bà con tuyệt đối không được lơ là, chủ quan phòng dịch.