Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 23/12, Công an quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ hơn 1.300 sản phẩm bao gồm các loại mỹ phẩm và quần áo ngoại nhập. Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ hợp quy định.
Các trinh sát Đội cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận Liên Chiểu trước đó đã phối hợp với Công an phường Hòa Minh bất ngờ kiểm tra kho hàng trên đường Lương Trúc Đàm. Sau khi bị phát hiện, số hàng tại kho đều không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chủ số hàng trên là V.T.Y. (27 tuổi) và P.T.P.D. (34 tuổi) đã thừa nhận đây là hàng hóa mua về để livestream bán trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.
Kho hàng của 2 cô gái bị lập biên bản chờ xử lí vì không có giấy tờ đi kèm hợp pháp. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Thời gian vừa qua, Công an Đà Nẵng đã liên tục ra quân bắt hàng hóa không hợp pháp. Vào giữa tháng 11, đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng cũng đã tạm giữ hơn 1,5 tấn quần áo từ kho hàng của N.T.H. (28 tuổi).
Đáng nói, H. được xem là một hot girl chuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội khá có tiếng ở Đà Nẵng. Trang fanpage mà cô dùng để “chốt đơn” có đến hơn 135.000 người theo dõi.
Nơi hot girl N.T.H. chuyên livestream bán hàng tập kết đơn chuẩn bị giao cho khách. (Ảnh: Người Lao Động)
1,5 tấn quần áo nói trên cũng được dùng để phục vụ cho các buổi livestream bán hàng của H., trong đó có nhiều gói hàng đã lên đơn, chuẩn bị giao đến tay khách hàng. Tại thời điểm kiểm tra, H. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng ước tính giá trị khoảng 700 triệu đồng này.
Thời điểm gần Tết Nguyên Đán 2022, cơ quan chức năng càng tăng cường rà soát các cơ sở kinh doanh để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cũng như tính hợp pháp của hàng hóa. Người tiêu dùng được khuyến cáo phải thật cẩn thận trong việc lựa chọn mua hàng để tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả.
Số hàng hóa tạm giữ lên đến 1,5 tấn. (Ảnh: Người Lao Động)
Liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, theo quy định của pháp luật tại Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP, người vi phạm có thể phải nhận các mức phạt sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
Livestream đang là hình thức bán hàng phổ biến nhưng người mua khó xác minh được nguồn gốc sản phẩm. (Ảnh minh họa: VietNamNet)
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
Việc kinh doanh những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ làm giảm uy tín của nhà sản xuất chính hãng mà ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng. Những trường hợp trên sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định buôn bán bất hợp pháp.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
CÁCH PHÂN BIỆT HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ
Hiện nay, công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Tuy nhiên vẫn có những cách để nhìn ra hàng kém chất lượng thông qua một số mẹo nhỏ.
- So với hàng thật, hàng giả thường có chất lượng nguyên vật liệu làm ra kém hơn.
- Đối với quần áo, túi xách, giày dép, hàng giả thường sẽ có đường chỉ kém tinh tế, lỗi vặt và không được chắc chắn, đứng dáng.
- Ngoài ra có thể check mã vạch, mã QR để xem nguồn gốc, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng.
- Hàng giả thường cũng không có chính sách bảo hành chính hãng, không có phiếu bảo hành đi kèm.
Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa việc mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua ở những nơi uy tín, đại lý chính thức.