Những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, khắp các trang mạng xã hội đều ngập tràn hình ảnh tắc nghẽn đường tại các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước. Trong đó, đông đúc nhất phải kể đến Đà Lạt, từ sáng đến chiều ngày 30/4, những tuyến đường hướng về nơi đây đều chật kín phương tiện đi lại, mỗi giờ chỉ nhích được vài mét.
Chính vì lượng du khách đổ về "thành phố mộng mơ" lớn nên thời gian di chuyển cũng kéo dài hơn. Có người còn ngồi đến 17 tiếng trên xe mà vẫn chưa được nhìn thấy Đà Lạt. Trước tình trạng này, nhiều du khách đã không khỏi lo ngại cho chặng đường về. Bởi với số lượng khách đổ về ngày càng tăng như hiện tại, rất có thể khi về, mọi người cũng sẽ lại ngốn đến cả ngày trời.
Dòng xe đông đúc nối đuôi nhau di chuyển tại Đà Lạt. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Để đến được "thành phố mộng mơ" những ngày nghỉ lễ này quả thật không dễ dàng gì. Chỉ cần nhìn những hình ảnh mà Zing News, Tuổi trẻ ghi lại vào sáng, chiều ngày 30/4 là đã có thể thấy lượng người đổ về đây lớn đến nhường nào. Có những phương tiện dù đã xuất phát từ rất sớm, mất đến cả mấy tiếng đồng hồ ròng rã mà vẫn chưa đi được 1/2 quãng đường.
Chia sẻ với Zing News, bạn P.T.Đ cho biết: "Tôi và nhóm bạn có kế hoạch camping trên đồi vắng người nên không quá lo lắng việc du khách đổ về Đà Lạt đông đúc. Tôi xuất phát ở Bình Thuận, bình thường chỉ mất khoảng 5 giờ là đến Đà Lạt, vậy mà lần này đi từ 4 giờ 30 phút đến gần 10 giờ vẫn còn cách Đà Lạt 45 km nữa".
Nhiều người mất cả tiếng đồng hồ để đến được Đà Lạt. (Ảnh: H.V/Ghiền Đà Lạt)
Suốt 2 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, các tuyến đường hướng đến Đà Lạt luôn trong tình trạng "quá tải" xe cộ. Đến tận 20 giờ ngày 30/4, nhiều phương tiện vẫn phải nhích từng tí một ở cửa ngõ Đà Lạt, du khách chỉ biết mòn mỏi mong đến lúc được nghỉ ngơi.
Quãng đường đến Đà Lạt gian truân là thế, nhưng dù có vào được thành phố, mọi người vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng 1m vuông có hàng chục người. Khắp các điểm vui chơi nổi tiếng như chợ Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên... đâu đâu cũng xuất hiện cả một "biển người".
Ngay từ 17 giờ ngày 30/4, lượng khách đổ ra đi dạo đã rất đông. (Dân trí)
Quang cảnh phố đi bộ Đà Lạt chật kín người tối ngày 30/4. (Ảnh: H.V/Ghiền Đà Lạt)
Đến tận 20 giờ ngày 30/4, tình trạng ùn tắc vẫn chưa được cải thiện nhiều. (Ảnh: Zing News)
Ngay cả hiện tại (ngày 1/5), Đà Lạt vẫn rất đông du khách. Ở khu vực trung tâm, mật độ giao thông đông đúc, dòng người phải rất vất vả để di chuyển. Các hàng quán, nhà hàng, khách sạn... cũng tấp nập khách ra vào và chưa có dấu hiệu được cải thiện tình cảnh ùn tắc.
Đà Lạt sáng 1/5 vẫn chưa hết tắc đường. (Ảnh: K.N.N/ Ghiền Đà Lạt)
Dòng người di chuyển khó khăn. (Ảnh: K.N.N/ Ghiền Đà Lạt)
Một góc đông đúc bên cạnh chợ Đà Lạt. (Ảnh: H.N.T.D/Ghiền Đà Lạt)
Ngay sau khi những hình ảnh trên được đăng tải, đã thu hút rất nhiều bình luận sôi nổi. Nhiều người sau khi biết tình hình giao thông đã vô cùng lo ngại cho chặng đường về của mình. Nếu lượng xe vẫn liên tục đổ dồn đến Đà Lạt như hiện nay thì rất có thể tình trạng ùn tắc sẽ còn diễn ra kéo dài và nghiêm trọng hơn nữa.
"Má ơi, thế này chắc lại đi về mất 17 tiếng mất. Lúc đi chơi còn hào hứng, chứ về mà tắc như kia thì tâm hồn bay màu luôn mất".
"Nhìn mà hoảng luôn, thế này chơi bời gì nữa, quay xe về luôn khéo mới kịp thứ 2 đi làm."
"Có 4 ngày nghỉ thì 1 ngày ngồi xe đến Đà Lạt, 1 ngày ngồi xe từ Đà Lạt về. 2 ngày còn lại thì chen chúc nhau ở chợ đêm và quảng trường. Xong phim!"
Đà Lạt đã hoá "thành phố ngàn xe". (Ảnh: T.T/Ghiền Đà Lạt)
Bên cạnh đó, dư luận cũng rất tích cực kêu gọi mọi người nên thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, hãy luôn nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình nhé.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!
NGƯỜI DÂN KHÔNG ĐƯỢC LƠ LÀ, LUÔN CHỦ ĐỘNG PHÒNG DỊCH BỆNH
Không chỉ Đà Lạt mà còn nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác trên cả nước cũng xuất hiện tình trạng đông đúc như này, ví như Nha Trang, Vũng Tàu... Vì vậy, nếu đến những địa điểm đông người như này, mọi người cần phải lưu ý những điều sau.
Đầu tiên, du khách tuyệt đối không được lơ là phòng dịch. Hãy luôn đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, giữ khoảng cách với mọi người xung quanh... để tránh tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần hạn chế sử dụng đồ dùng công cộng trong thời gian này.
Đặc biệt, mỗi người cũng phải thực hiện khai báo Y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo kịp thời nhất.