Người Lao Động đưa tin, theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến tối ngày 19/9, trên cả nước có 25 địa phương cho học sinh trở lại trường học. Trong khi đó, 24 tỉnh/thành duy trì hình thức học online; 14 tỉnh còn lại kết hợp giữa việc giảng dạy trực tiếp, qua truyền hình và trực tuyến.
Học sinh học tập trực tiếp tại lớp học năm học 2020 - 2021. (Ảnh: Báo Tin Tức)
Tình hình đi học của các địa phương
Theo đó, khu vực được đi học trực tiếp là những nơi đã khống chế được dịch Covid-19 hoặc ít chịu ảnh hưởng từ dịch, gồm: Hải Dương, Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Bình Định, Hà Giang, Hà Nam, Hoà Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Nam Định, Kon Tum, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Yên Bái.
Tình hình tổ chức giảng dạy của 63 địa phương. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
24 tỉnh/thành áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắk Nông, Kiên Giang, Hậu Giang, Hưng Yên, Phú Yên, Long An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Còn 14 khu vực kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua sóng truyền hình, gồm: Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Quảng Nam, Cà Mau, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Trị và Ninh Thuận.
Bộ GD-ĐT hướng dẫn nhà trường điều chỉnh chương trình giảng dạy
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành “Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022” để các trường trên cả nước áp dụng.
Theo đó, Bộ hướng dẫn các trường tiểu học nghiên cứu chương trình giảng dạy, phần kiến thức, mạch nội dung trong sách giáo khoa và chủ đề học tập cho học sinh lớp 1 và lớp 2; từ đó đáp ứng một số yêu cầu.
Cụ thể, với bộ môn Tiếng Việt 1, giáo viên có thể căn cứ vào trình độ của các em để chủ động tính toán thời lượng học, phân phối nội dung bài giảng sao cho phù hợp. Điều này hướng đến mục tiêu giúp các em đạt được những yêu cầu cần đạt của bộ môn; tránh để tình trạng học sinh lên lớp 2 vẫn chưa biết đọc, viết. Trong một số chủ đề học tập ở các môn còn lại, giáo viên kết hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh hoàn thành yêu cầu cần đạt.
Do ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều học sinh phải học trực tuyến. (Ảnh: Kinh Tế Đô Thị)
Với khối 3 - 4 - 5, Bộ hướng dẫn các đơn vị nhà trường rà soát lại sách giáo khoa, nội dung chương trình và mức độ cần đạt đối với môn học bắt buộc, qua đó điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, đặc biệt là những nơi bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.
Ở bậc THCS, THPT, Bộ yêu cầu nhà trường xây dựng chương trình giảng dạy sao cho học sinh đáp ứng yêu cầu tối thiểu với mỗi bộ môn; đồng thời không yêu cầu các em tiếp thu kiến thức nâng cao, kiến thức đã cũ so với nội dung sách giáo khoa hiện đại, đã trùng lặp giữa các môn học. Bên cạnh đó, điều chỉnh một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề, sao cho vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đảm bảo yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
Phương án cho học sinh quay trở lại trường học hoặc tiếp tục hình thức giảng dạy trực tuyến được đưa ra dựa theo những đánh giá về tình hình dịch bệnh. Việc có 25 tỉnh/thành cho các em đến trường 100% đã phần nào cho thấy tín hiệu khả quan trong công tác phòng dịch tại nước ta.
Đón xem tin tức học đường mới nhất trên YAN!
NỖ LỰC THỰC HIỆN GIẢI PHÁP HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO HỌC TRỰC TUYẾN
Trong hoàn cảnh một số nơi vẫn duy trì giảng dạy online, nhiều gia đình không có điều kiện gặp khó khăn trong việc chuẩn bị thiết bị học tập (máy tính, điện thoại thông minh) cho các con. Thực tế này được bộc lộ rõ nhất tại những khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi kinh tế của các gia đình không ổn định, mạng internet còn yếu kém…
Tính đến 16h ngày 12/9, Bộ GD-ĐT cho biết, có khoảng 1,5 triệu học sinh các cấp trên cả nước không có đủ thiết bị học tập. Con số này tương ứng với khoảng 20% học sinh cần học trực tuyến nhưng không đủ điều kiện và cần hỗ trợ.
Trước tình hình này, chính quyền nhiều nơi đã lên phương án tặng quà, ủng hộ và hỗ trợ các em, hướng đến mục tiêu tạo bình đẳng cho học sinh trong việc học tập từ xa.