Lễ Quốc Khánh 2/9 nhớ đến Người qua những khúc hát

10:00 02/09/2014

Việt Nam vào thu, người Việt Nam lại tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc Khánh, ngày đánh dấu sự khai sinh của một đất nước non trẻ, ngày hồi sinh của một dân tộc sau bao nhiêu năm đau thương kiếp nô lệ.
 
Nhưng cũng trong niềm hân hoan đó, người Việt Nam cũng nhớ rằng 2/9 cũng là ngày cả dân tộc khóc thương người Cha già vĩ đại, người lãnh tụ mà ý chí đã trở thành hệ tư tưởng để nhiều thế hệ noi theo. Nhớ về Bác, các nhạc sĩ đã cống hiến cho đời, cho nghệ thuật rất nhiều ca khúc hay, sống mãi với thời gian. Hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài trong số đó.
 
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người
 
"Hò ơ ơ ơ… Trên cánh đồng miền Nam
Đau thương mây phủ chân trời
Khi ca lên Hồ Chí Minh
Nghe lòng phơi phới niềm vui…"
 
Ca khúc được bắt đầu bằng một điệu hò đặc trưng của miền Đồng Tháp như một ngụ ý của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Suốt bao nhiêu năm bôn ba xứ người tìm đường cứu nước cho đến khi cả dải đất hình chữ S được thống nhất dưới tên gọi Việt Nam, Bác vẫn luôn canh cánh trong lòng hình ảnh miền Nam thân thương, vẫn hằng mong mỏi một ngày vào thăm đồng bào ở đây. Và bài hát đã như thay lời người miền Nam thổ lộ tấm tình với người lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc.
 
 
Ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người được giới nhạc và cả công chúng yêu nhạc xem đây như là một tuyệt tác trong số hàng trăm tác phẩm viết về Bác. Thế nhưng, buổi ban đầu, theo nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: “Có một nhạc sĩ nổi tiếng cho rằng bài hát ấy 'mềm yếu không thích hợp khi nói về Người'”. Những tưởng với lời nhận xét ấy, công chúng và giới văn nghệ sĩ sẽ bị tác động tiêu cực khi đón nhận ca khúc này. 
 
Cũng chính nhạc sĩ Trương Quang Lục đã chia sẻ: “Một số nhạc sĩ miền Nam chúng tôi thấy lo cho nhạc sĩ Trần Kiết Tường, thế nhưng, anh vẫn bình tĩnh lạ thường”. Qua giọng hát say mê, nhiệt tình của ca sĩ Quốc Hương, bài hát được đông đảo các tầng lớp nhân dân đặc biệt yêu thích và đã bay xa khắp hai miền Nam - Bắc, bằng những giai điệu hiền hòa, dạt dào tha thiết, rất đỗi thiêng liêng.
Ca sĩ Quốc Hương đã hát ca khúc này cho Bác nghe lần đầu tiên tại Phủ Chủ tịch. Khi Bác qua đời, và mãi sau, chuông đồng hồ Bưu điện thành phố Hà Nội hàng ngày vẫn vang vang lên giai điệu Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người chào đón buổi bình minh trên đất Thủ đô. 
 
Bác Hồ một tình yêu bao la
 
Trong các nhạc sĩ đương đại, Thuận Yến là người có nhiều ca khúc hay về Bác Hồ (Miền Trung nhớ Bác, Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình). Tuy nhiên, theo nhạc sĩ kể lại thì những ca khúc đầu tiên do ông sáng tác về Bác không gây được ấn tượng gì đáng kể với khán thính giả. Chỉ khi trong ông nảy ra mấy câu thơ của Tố Hữu: "Người là cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ", thì cái tứ của ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la mới hình thành. Những câu hát "Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương" khiến người nghe nhớ tới nhiều câu thơ hay viết về Bác trong những bài thơ nổi tiếng.
 
 
Nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: “Tôi được gặp Bác, tôi viết về Bác khá sớm nhưng phải 11 năm sau, sau khi Bác mất 10 năm - năm 1979 mới viết tiếp thành công bài Bác Hồ một tình yêu bao la. Bác Hồ - một lãnh tụ lớn nên khi viết về Người ai cũng sử dụng giai điệu trang trọng, cung kính. Nhưng tôi vẫn muốn viết Bác với một cách diễn đạt gần gũi, tình cảm hơn , đời thường hơn, nên tôi đã mạnh dạn sử dụng nhịp 6/8…”. Và có lẽ chính nhờ suy nghĩ đó, lối vận dụng sáng tạo đó, ca khúc đã nhẹ nhàng đi vào lòng quần chúng một cách tự nhiên và cũng rất hồn nhiên như những bài dân ca quen thuộc bao đời. Để rồi hơn 30 năm sau ngày sáng tác, ca khúc vẫn được hát, vẫn được nghe và vẫn được yêu thích bởi công chúng.
 
Bài ca Hồ Chí Minh (The ballad of Ho Chi Minh)
 
Có thể nói trong tất cả các sáng tác về Bác, đây là ca khúc đặc biệt nhất vì nguyên bản không được viết bằng tiếng Việt cũng như không được viết bởi một người Việt. Tác giả ca khúc, Ewan MacColl là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà soạn kịch người Anh gốc Scotland đã viết ra The ballad of Ho Chi Minh bằng chính những cảm tác của mình sau khi đọc được một quyển sách quý của nước ngoài viết về Người. Và ông cũng đã lý giải về nhịp điệu bài hát chính là làn điệu dân ca cổ Saxon được sử dụng để nói lên tình cảm của người Anh dành cho Người.
 
Bài hát sau này đã nhanh chóng được lưu truyền khắp nước Việt Nam, ở Pháp và các tầng lớp phản chiến khác. Bên cạnh đó ca khúc cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến khắp thế giới. Trong đêm khai mạc Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh tại La Habana, Cuba năm 1967, Ewan MacColl đã biểu diễn bài hát này cùng nữ nghệ sỹ Peggy Seeger, người bạn đời của ông và đã nhận được rất nhiều tràng vỗ tay đề nghị biểu diễn lần nữa.
 
 
Ca sỹ Quang Hưng là người đầu tiên dịch và giới thiệu Bài ca Hồ Chí Minh với điệp khúc "Hồ... Hồ... Hồ Chí Minh" nổi tiếng tại Việt Nam sau khi được chính Ewan MacColl dạy hát tiếng Anh. Ông từng tâm sự: “Tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe bài hát ca ngợi Bác Hồ của một nhạc sỹ nước ngoài sống cách xa ta nửa vòng trái đất. Hàng ngàn thính giả đã lặng đi khi nghe MacColl hát đến đoạn..."Hồ Chí Minh- mùa xuân, chứa chan muôn niềm tin, người từ chân lý sinh ra, vì thế giới hòa bình, người hiến dâng đời mình. Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh". 
 
Hồ Chí Minh là một cái tên Việt Nam khắc sâu trong lòng bạn bè thế giới. Những người yêu hòa bình trên khắp các vùng đất tôi đi qua đều dành cho Việt Nam một tình cảm nồng hậu, một trái tim cảm thông và sự sẻ chia tận cùng. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ về Tổ quốc, về Bác Hồ kính yêu, về đồng bào mình đang ngày đêm chiến đấu giành lấy độc lập, tự do. MacColl hát Tiến về Sài Gòn, tôi hát bài hát ca ngợi Bác Hồ do anh sáng tác, chúng tôi như hòa làm một.”