Chiều ngày 2/12, hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 10 đã kết thúc sau hơn 1 ngày làm việc. Thanh niên đưa tin, phát biểu tại phiên bế mạc, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên xác nhận, hội nghị đã thảo luận kĩ càng và đồng tình với chủ đề năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Thanh Niên)
Một trong những vấn đề được người dân thành phố quan tâm nhất hiện nay là việc mở cửa lại trường học. Cũng trong phiên bế mạc, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị ngành giáo dục giữ vững chất lượng giảng dạy; trước tiên thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường trong điều kiện “bình thường mới”.
Được biết, quyết định này của hội nghị Thành ủy TP.HCM có sự thay đổi so với kế hoạch trước đó của UBND thành phố về việc tổ chức dạy học trực tiếp. Cụ thể, theo như kế hoạch của UBND TP.HCM, việc thí điểm cho học sinh đến trường được xác định như sau: Giai đoạn 1 (từ ngày 13-25/12) cho các em học lớp 1, 9 và 12 đến trường trong thời gian 2 tuần.
Giai đoạn 2 (tính từ ngày 27/12), Sở GD-ĐT sẽ tổng kết lại kết quả, rút kinh nghiệm từ 2 tuần dạy trực tiếp vừa rồi và tham mưu UBND thành phố, từ đó quyết định việc có mở rộng dần đối tượng đến trường trực tiếp từ ngày 3/1/2022 hay không.
Rất nhiều trẻ lớp 1 hiện nay chưa được đi học trực tiếp tại trường. (Ảnh: Zing News)
Thanh Niên cũng cho biết, khi trao đổi bên lề với báo chí, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên tiết lộ, từ kết quả lấy ý kiến gia đình cho thấy: Còn nhiều phụ huynh tỏ ra quan ngại, chưa biết mức độ lây nhiễm và tính chất nguy hiểm của biến thể mới ra sao nên họ không mấy yên tâm khi để con ra ngoài.
Chính vì vậy, với đối tượng là học sinh lớn tuổi hơn, lực lượng chức năng có thể quản lí được thì sẽ tiến hành thí điểm; đồng thời xem xét tình hình dịch bệnh diễn biến ra sao để đưa ra quyết định phù hợp. “Nếu mình làm sớm mà không kiểm soát được, hay chẳng may có gì đó xảy ra thì sẽ khiến hàng ngàn gia đình bất an”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Trước đó, khi hay tin TP.HCM cho phép học sinh lớp 1 đi học trực tiếp, khá nhiều phụ huynh trên địa bàn đã tỏ ra lo lắng. Thế nhưng, không ít người lại cảm thấy đây là quyết định khá đúng đắn.
Học sinh tiểu được hướng dẫn rửa tay khi đến lớp. (Ảnh: Công An Nhân Dân)
Chia sẻ với Zing News, chị T.K.T. (TP.Thủ Đức) tâm sự: “Cá nhân mình đã dành thời gian tìm hiểu và biết rằng, trẻ em vốn có sức đề kháng cao, nếu không may nhiễm bệnh cũng không bị nặng. Thời gian vừa rồi, con mình đã quen với những biện pháp phòng dịch như rửa tay và đeo khẩu trang, cộng thêm sự quản lí của nhà trường nên mình cũng không quá lo nếu kế hoạch được thực hiện”.
Trong khi đó, chị N.T. (Q.Bình Thạnh) lại bày tỏ sự ngần ngại, trăn trở nếu cho con gái 6 tuổi đi học trong thời điểm này: "Theo tôi biết thì thời gian sắp tới, trẻ trong độ tuổi từ 3-12 cũng được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nếu con tôi tiêm rồi mới đến trường thì sẽ yên tâm hơn”.
Hiện, mọi thông tin xoay quanh việc quyết định cho học sinh đi học trực tiếp trên các tỉnh/thành vẫn đang là mối quan tâm lớn. Cùng đón xem những tin tức mới nhất trên YAN nhé!
TP.HCM CHO KHỐI 9, 12 ĐẾN TRƯỜNG - CẦN LƯU Ý GÌ?
Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, kế hoạch đi học trở lại phải đảm bảo được các yêu cầu phòng dịch do Sở Y tế TP.HCM yêu cầu. Học sinh trên địa bàn khi quay trở lại trường học sẽ được kiểm tra sức khoẻ, thực hiện quy định 5K. Để an toàn hơn, các đơn vị trường học cũng cần chia lịch học lệch nhau, sao cho đảm bảo giãn cách trước và sau khi tiết học kết thúc...
Ngoài ra, những ai tham gia dạy và học tập đều phải được tiêm vaccine từ trước, hoặc là F0 khỏi bệnh trong thời gian không quá 6 tháng... Những nỗ lực này nhằm hướng đến một môi trường giảng dạy an toàn, thích ứng với dịch bệnh.