Lăng Tự Đức: Di sản văn hóa Việt Nam đầu tiên được Google số hóa 3D

17:00 25/09/2020

Trong lịch sử Việt Nam, có không ít những địa điểm ghi lại dấu ấn của thời gian và trở thành những di tích lịch sử thiêng liêng. Những địa điểm đó đến ngày nay vẫn khiến hậu thế trầm trồ và tự hào, trong đó có Lăng Tự Đức.

Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh non xanh nước biếc và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất, hoành tráng nhất của hoàng gia nhà Nguyễn.

Kiến trúc cầu kỳ của Lăng Tự Đức. (Ảnh: @datsnapper)Kiến trúc cầu kỳ của Lăng Tự Đức. (Ảnh: @datsnapper)

Điểm du lịch hấp dẫn

Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc rộng lớn, trong đó bao gồm nơi chôn cất Vua Tự Đức, nằm trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, Thành phố Huế.

Vua Tự Đức được mệnh danh là ông vua thi sĩ, chính vì vậy, ông cũng lựa chọn nơi yên nghỉ phù hợp với một tâm hồn thi sĩ lãng mạn, mộng mơ, lãng tử nhưng không kém phần uyên bác, thâm thúy. Chẳng vậy mà người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này đều nghĩ đến một câu thơ đề tặng “Ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:

“Tứ bề núi phủ mây phong

Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”.

Với vẻ đẹp nên thơ đó, ngày nay, Lăng Tự Đức đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất với bất cứ du khách nào khi đặt chân tới xứ Huế mộng mơ.

Vẻ đẹp thơ mộng của Lăng Tự Đức. (Ảnh: @hungxuan)Vẻ đẹp thơ mộng của Lăng Tự Đức. (Ảnh: @hungxuan)

>>> Đọc thêm: Cùng thành viên Việt Nam Ơi "sống ảo ngàn like" tại Lăng Tự Đức

Giá trị to lớn về lịch sử

Theo sử sách ghi lại, vua Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây mộ cho mình ngay từ khi còn sống. Với 36 năm trị vì, Tự Đức là ông vua tại vị lâu nhất trong số 13 vị vua nhà Nguyễn.

Lăng Tự Đức được xây dựng thể hiện rõ nét con người vị vua thời Nguyễn: uy nghiêm, uy quyền nhưng không kém phần nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy chất thơ. Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đó, Lăng Tự Đức đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Giá trị lịch sử to lớn của Lăng Tự Đức. (Ảnh: @nonomadiprofessione)Giá trị lịch sử to lớn của Lăng Tự Đức. (Ảnh: @nonomadiprofessione)

>>> Đọc ngay: Ghé thăm lăng Tự Đức - một kiến trúc cổ kính giữa lòng xứ Huế

Lăng Tự Đức là di sản đầu tiên được Google số hóa 3D trên Google Arts & Culture

Tháng 09 này, Google Arts & Culture sẽ ra mắt bộ sưu tập hàng nghìn bảo tàng và điểm đến văn hóa trên thế giới để kỷ niệm ngày Du lịch thế giới 27/09. Lăng Tự Đức tại Huế cùng 37 di sản văn hóa nổi tiếng khắp thế giới sẽ được xuất hiện trên Google Tìm kiếm bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) với sự giúp đỡ của đối tác CyArk.

Đây được coi là hành động thúc đẩy du lịch ảo trên toàn thế giới của Google. Với ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 cùng tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người không có khả năng để đi du lịch và trải nghiệm những nền văn hóa thú vị.

Lăng Tự Đức - niềm tự hào của Việt Nam. (Ảnh: @datsnapper)Lăng Tự Đức - niềm tự hào của Việt Nam. (Ảnh: @datsnapper)

>>> Đừng bỏ lỡ: Sắc màu làng hương Thủy Xuân - địa điểm lên hình đẹp như bìa tạp chí của mảnh đất cố đô Huế

Đối với người Việt Nam, việc Lăng Tự Đức được Google số hóa 3D là một niềm tự hào to lớn. Đây không chỉ là cơ hội để mọi người dân được ngắm nhìn công trình di sản văn hóa của nước mình sinh động và chân thực hơn mà cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh nước Việt đến bạn bè trên toàn thế giới.

Bên cạnh Lăng Tự Đức thì đến nay Việt Nam đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Trong đó có 8 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, quần thể danh thắng Tràng An, Thành Nhà Hồ, Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn); 12 di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Lễ hội Gióng, Ca Trù, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co, Đờn ca Tài tử Nam Bộ; Bài Chòi Trung Bộ); và 4 di sản tư liệu (Bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang).