Làng Trinh Tiết Hà Nội: Con gái muốn lấy chồng góp gạch lát đường

19:50 08/09/2020

Ngôi làng Trinh Tiết ở Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội bao lâu nay đã khiến người ta phải ấn tượng với cái tên độc lạ. Càng ấn tượng hơn khi ngôi làng này có nhiều tục lệ đặc biệt, ví dụ như tục lệ cô gái nào muốn lấy chồng phải tặng cho làng 200 viên gạch đỏ để lát đường.

Ngoài ra, ngôi làng còn có tục lệ không tái giá sau khi vợ hoặc chồng mất.

Ngôi làng ở Hà Nội, con gái xưa đi lấy chồng phải mua gạch lát đường
Cổng làng Trinh Tiết (Mỹ Đức, Hà Nội). (Ảnh: Vietnamnet)

>>> Đọc thêm: Làng ở Hà Nội: Con gái xinh đẹp, giỏi giang, toàn trai giàu hỏi cưới

Con gái muốn lấy chồng, phải mua 200 viên gạch lát đường

Theo trưởng thôn Trinh Tiết - ông Bùi Văn Thái cho hay, ngôi làng này ban đầu có tên là làng Bối Lang, sau được đổi là làng Sêu và cuối cùng được đổi thành làng Trinh Tiết. Người dân ở làng Trinh Tiết sống chủ yếu bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Nói về tục góp gạch trước khi lấy chồng của các thiếu nữ, ông Thái kể xưa kia, làng vốn nằm trong vùng chiêm trũng, mùa mưa đường lầy, đi lại khó khăn. Dù dân làng đã dùng nhiều cách để khắc phục tình trạng đường lầy nhưng vẫn không hiệu quả. Cho đến một lần họp làng, có người đưa ra ý kiến: "Cô gái nào lấy chồng xa phải đóng 2 mâm đồng để làng làm cỗ. Ai lấy chồng gần thì nộp 200 gạch lát đường".

Cả làng thấy ý kiến hay nên ai cũng đồng ý. Người dân còn góp ý thêm rằng, nếu nhà gái không lo đủ gạch thì nhà trai sẽ giúp, bao giờ đủ gạch thì lễ cưới mới tiến hành. 

Ngôi làng ở Hà Nội, con gái xưa đi lấy chồng phải mua gạch lát đường
Ông Bùi Văn Thái - trưởng thôn Trinh Tiết. (Ảnh: Vietnamnet)

Kể từ đó, tục góp gạch trước khi xuất giá của con gái trong làng được truyền qua nhiều thế hệ. Ông Thái còn cho hay, trước đây nhiều cô gái từ trẻ đã bắt đầu dệt vải bán để gom tiền mua gạch, nhưng gia đình nào khó khăn cũng phải "cày cuốc" cả năm để dành tiền mua đủ 200 viên gạch theo yêu cầu. 

Mặc dù khá thú vị nhưng tục lệ này giờ chỉ còn là hoài niệm trong ký ức vì chúng đã biến mất từ năm 1954. Cách đây 5 năm, con đường được xây bằng gạch đỏ nhưng sau này khi đường được bê tông hóa, đường gạch đỏ cũng bị phá bỏ. 

 
Con đường lát gạch đỏ của làng Trinh Tiết. (Ảnh: VNExpress)
Con đường lát gạch đỏ của làng Trinh Tiết. (Ảnh: VNExpress)

>>> Có thể đọc thêm: Ngôi làng Giáng sinh: Thiên đường sống ảo mới của các đôi bạn thân

Không tái giá sau khi chồng/vợ mất

Không chỉ có tục góp gạch trước khi lấy chồng, làng Trinh Tiết còn có truyền thống là phụ nữ góa chồng, đàn ông góa vợ sẽ ở vậy nuôi con mà không đi bước nữa. Trưởng thôn làng cho hay, đây thực chất không phải là quy định bắt buộc mà xuất phát từ sự tự nguyện của mọi người.

Chia sẻ với Vietnamnet, vị trưởng thôn này cho hay, truyền thống này bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu của cha mẹ Thành hoàng làng Bảo Công - một vị tướng tài thời vua Triệu Việt Vương, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. 

Mẹ Thành hoàng làng là cô gái tài sắc và nên duyên với thầy địa lý ở miền trong. Cả 2 lấy nhau và sinh được ngài Bảo Công. Tuy nhiên, người cha sau đó không may qua đời, mẹ Thành hoàng làng dù mới tuổi đôi mươi nhưng quyết không tái giá mà ở vậy nuôi con khôn lớn thành tài. 

Về sau, người dân trong làng Trinh Tiết cũng học theo tấm gương đó. Đặc biệt từ thời chiến tranh, nhiều liệt sĩ của làng nằm xuống ở mặt trận phía Nam, vợ của những liệt sĩ đó cũng ở vậy suốt nhiều năm.

Ngôi làng ở Hà Nội, con gái xưa đi lấy chồng phải mua gạch lát đường
Con đường gạch đỏ được thay bằng đường bê tông. (Ảnh: Vietnamnet)

Trong số những người vợ của liệt sĩ đã nằm xuống, có bà Lê Thị Vấn (75 tuổi). Chồng bà Vấn lên đường nhập ngũ khi con mới 5 tháng tuổi và hi sinh tại Quảng Trị. Dù mới tuổi đôi mươi nhưng bà Vấn không chịu đi bước nữa mà xin phép gia đình nhà chồng ra dựng căn nhà nhỏ ở riêng với con trai. 

20 năm trước, bà Vấn có từng vào Quảng Trị tìm mộ chồng và may mắn tìm được nên đưa ông về quê an táng. 

Ngoài bà Vấn, trong làng còn có nhiều người phụ nữ cũng ở một mình như vậy đến già. Ví dụ như bà Bùi Thị Tít (sinh năm 1948), bà Tít góa chồng chỉ sau 3 tháng kết hôn và dù không có con nhưng bà quyết định sống một mình như vậy cho đến khi mất.

Ngôi làng ở Hà Nội, con gái xưa đi lấy chồng phải mua gạch lát đường
Bà Lê Thị Vấn chờ đợi chồng hàng chục năm, dẫu biết ông đi mãi không về. (Ảnh: Vietnamnet)

Dù truyền thống không tái giá của dân làng Trinh Tiết đã dần mai một nhưng người dân làng vẫn đề cao đạo lý thủy chung, bền chặt trong hôn nhân cho con cháu đời sau. Và mỗi khi trong làng có người muốn tái giá cũng nhận được sự ủng hộ của dân làng vì họ cho rằng đó là điều đáng mừng.

>>> Đừng bỏ lỡ: Những ngôi làng nước ngoài thu nhỏ trong lòng Việt Nam

Với cái tên độc đáo và những phong tục cũng vô cùng thú vị, ngôi làng Trinh Tiết ở Hà Nội để lại ấn tượng cho những ai biết đến.

Ngôi làng lạ kỳ có truyền thống "nuôi tóc mây" hơn 3.000 năm, mái tóc dài nhất tới 2 mét!

Làng Huangluo, hay còn được biết đến với tên gọi “Làng Tóc Mây”, là nơi sinh sống của tộc người Dao. Đặc biệt, phụ nữ của dân tộc này để tóc dài tới tận... mắt cá chân.

Những bó tóc được cắt trong nghi lễ trưởng thành sẽ được giữ lại. Sau khi kết hôn và sinh con, phụ nữ Dao sẽ đội chúng lên đầu như một cách để phân biệt với những cô gái chưa có chồng.

Phong tục này nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử hơn 3.000 năm của làng Huangluo. Với người Dao, tóc dài rất thiêng liêng. Họ coi nó như một phần văn hóa của đất nước và luôn tự hào vì mái tóc suôn mượt của mình. 

Xem chi tiết TẠI ĐÂY