Đến hẹn lại lên, cứ đến đầu tháng 7 là hàng trăm ngàn sĩ tử cả nước cũng như các bậc phụ huynh lại cùng nhau hồi hộp chuẩn bị cho kì thi quan trọng.
Khác với mọi năm thi làm hai đợt, năm nay kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và Xét tuyển Đại học - Cao Đẳng đã được gộp lại thành một. Vì tính chất quan trọng như vậy nên áp lực của các sĩ tử càng lớn, càng nặng nề.
Vào hôm nay, ngày 1/7/2015 - đồng thời cũng là ngày thi đầu tiên, sĩ tử trên cả nước đã cùng nhau vượt qua hai môn Toán và Anh Văn. Bên cạnh những niềm vui thì cũng không ít câu chuyện đã diễn ra trong ngày hôm nay được chia sẻ khiến chúng ta phải suy nghĩ ít nhiều.
Câu chuyện 1: Cha con ôm nhau khóc vì điện thoại kêu ngay sát giờ nộp bài
Vào chiều nay, một trang fanpage cộng đồng lớn đã chia sẻ bức ảnh với tựa đề: "Một câu chuyện thi cử tại Đà Nẵng". Nguyên văn câu chuyện như sau:


"Chứng kiến cảnh hai cha con này trong sân trường mà ứa nước mắt. Sĩ tử đi thi môn anh văn, em làm bài tốt, còn vài phút nữa hết giờ làm bài thì điện thoại trong túi reo lên, em bị vi phạm quy chế thi. Dù khóc van xin thế nào thì Hội đồng cũng không thể xem xét vì đó là quy định. Em khóc từ trường ra cổng, hai cha con ôm nhau gục dưới sân, Ba ơi con xin lỗi ba nhiều lắm, tiền ba dồn hết vô cho con mà con đổ sông... Tiếc thay, cuộc gọi đó là do chính Ba của em gọi vì đứng ngoài cổng thấy con mình chưa ra nên lo lắng buồn tay bấm số. Một năm đèn sách giờ đánh đổi bằng phút hờ hững của thí sinh, thầy cô giáo ai cũng tiếc vì đây là kỳ thi quan trọng có cả Tốt nghiệp phổ thông nữa, thương đó nhưng cũng trách vì giám thị đã phổ biến quá nhiều lần rồi. Chúc em vượt qua nỗi buồn, rút kinh nghiệm và thi thật tốt vào năm sau".
Ngay sau khi được đăng tải, bức ảnh này đã đạt gần 30 ngàn lượt thích cùng gần 1,5 ngàn lượt chia sẻ. Bên cạnh nhiều bình luận động viên, thông cảm thì cũng không ít người cho rằng không thể trách được vì rõ ràng ngay từ ban đầu, giám thị lúc nào cũng nhắc nhở thí sinh không được mang điện thoại di động vào phòng thi. Hi vọng chàng trai trong câu chuyện nói riêng cũng như các sĩ tử nói chung sẽ rút kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm chỉnh mọi nội quy khi bước vào phòng thi để không gặp lại tình huống đáng tiếc tương tự.
Câu chuyện 2: Chuyện những người đưa con em đi thi Đại học
Trong ngày này, không chỉ có các sĩ tử bước vào phòng thi mới "ngồi trên đống lửa" mà các vị phụ huynh, các bậc làm cha, làm mẹ cũng nồn nao, bồn chồn và hồi hộp không kém. Chỉ cần bước ra đường hôm nay thôi là ai cũng đều có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn ánh mắt lo lắng hiện rõ lên từng khuôn mặt của các bậc phụ huynh khi đứng chờ ngoài cổng trường trong lúc chờ con mình hoàn thành bài thi ở bên trong. Dù bận rộn với miếng cơm manh áo, với cuộc sống mưu sinh nhưng không vì thế mà những bậc làm cha làm mẹ này vắng mặt trong ngày quan trọng của đời học sinh con mình.


Hình ảnh của một vị phụ huynh mệt mỏi nằm chợp mắt ngay giữa đường với chiếc nón bảo hiểm làm gối tựa cùng miếng lót là bao bì xi-măng mỏng manh đã khiến không ít người đã phải bồi hồi xúc động. Một facebooker tên Hải Ngọc - đồng thời cũng là người chụp bức hình này chia sẻ: "Hôm nay đưa đứa em đi thi ở trường cấp hai Ba Đình gặp bác này đỗ xe chờ con cạnh xe mình. Ngồi nói chuyện một lúc biết bác nhà có 6 người con. Đứa này bác đưa đi thi là đứa thứ 5. Ngồi hỏi chuyện thêm lúc nữa thì thấy bác ngồi trầm ngâm tay cầm điếu cày (bác bảo là tự chế mang đi hút cho đỡ thèm) bắn một bi rồi ngẩng cổ thở hơi khói lên, đoạn mắt nhìn đăm đăm về phía dòng người đang đi trên đường... "Vất vả cháu ạ!" - Nói rồi bác ngả người xuống chiếc bao xi-măng xin của thợ hồ đang thi công trên đường làm một giấc. Có lẽ là do quá mệt mỏi với công việc ở nhà và cuộc sống mưu sinh. Bác chỉ mong cho đứa con mình thành đạt. Nhìn bác ngủ có cảm giác thật bình yên...".
Bên dưới bức ảnh này nhận được rất nhiều bình luận đồng cảm, trong số đó có không ít bạn trẻ cũng bày tỏ sự tôn trọng dành cho người đàn ông trong bức ảnh. "Năm nào cũng được bố chở đi thi, ra phòng thi cái hai bố con tung tăng về nhà. Giờ đã tốt nghiệp nhưng bố mất rồi. Tấm bằng cũng không khoe được với bố nữa. Còn thằng em trai. Nhất định phải đưa nó đi thi ĐH", bạn Duy Anh chia sẻ.
"5 năm trước giữa trưa mẹ không dám ở lại vì sợ tốn thêm tiền! Vậy là mẹ bê cả bì hàng đi bán chờ con đi thi! Thấy cảnh đó mình bật khóc giữa đường! Công ơn cha mẹ không bao giờ trả hết", Trần Thu kể về kỉ niệm của mình.
Còn bạn Hà Nhým thì bồi hồi nhớ lại: "2 năm trước mình cũng đi thi, bố cũng đưa đi rồi chờ. Ra hỏi và biết con làm được bài, bố reo hò lên vì sướng. Bây giờ thì bố mất rồi. Nghĩ lại thèm cái cảm giác bố chở đi thi quá...".
Câu chuyện 3: Lão nông 60 tuổi thi THPT và ước mơ trở thành nhà báo
Nghe thì hy hữu nhưng lại hoàn toàn có thật. Đó chính là câu chuyện của "thí sinh đặc biệt" Lê Tuấn Anh, 60 tuổi, ngụ tại ấp Liên Đức, xã Xà Bang, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy đã lớn tuổi nhưng với niềm đam mê học hỏi, bác Lê Tuấn Anh vẫn nhất quyết có mặt tại cụm thi trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật, TP.HCM để làm thủ tục dự thi - kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.


Bác Tuấn Anh cho biết mình đăng kí dự 3 môn Văn - Sử - Địa để xét tuyển vào khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bác ước mơ thi đậu đại học và trở thành một phóng viên để viết báo giúp đỡ người nghèo và phản ảnh những vấn đề của xã hội.
Khi được hỏi kiến thức mà bác chuẩn bị cho kỳ thi này, bác chia sẻ: “Lịch sử và địa lý tôi yên tâm còn về văn học có thể phần nghị luận văn học tôi không bằng những thí sinh trẻ nhưng về nghị luận tôi chưa chắc đã thua…”. Bác Tuấn Anh cho biết thêm, trong kỳ thi lần này con gái của bác là thí sinh Lê Thu Nguyệt cũng thi cùng cụm thi với bác vào trường Đại học Y Dược TP.HCM.


Tinh thần ham học hỏi, quyết tâm cao và bản lĩnh hơn người của bác Tuấn Anh đã thực sự khiến không ít người trẻ phải nể phục và học hỏi. Không ngừng phấn đấu, luôn tin vào bản thân và tự tin hết mình cũng chính là thông điệp mà bác Tuấn Anh muốn gửi đến tất cả những bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào ngày thi thứ hai. Chúc tất cả các bạn làm bài thật tốt, luôn vững tin vào chính mình và đạt được thành công trên con đường trước mắt.