Lạ kỳ những người muốn... cưa bỏ chân

12:00 23/01/2015

Một phụ nữ trẻ sinh ra với một chân bị dị tật đau đớn đã đưa ra một quyết định táo bạo là cưa bỏ chân mình, để cô có thể mang giày cao gót lần đầu tiên trong đời...

Cưa chân để mang giày cao gót

Mariah Serrano, 21 tuổi, một cư dân ở thành phố New York, sinh ra với chân trái bị vẹo. Các bác sĩ nói rằng, với tình trạng đó, cô sẽ không bao giờ mang được giày cao gót hay có thể theo đuổi công việc mơ ước của mình trong lĩnh vực thời trang.

Vì vậy, cô ấy đã đưa ra một quyết định, đó là phẫu thuật cắt bỏ nửa phần dưới của chân và thay thế bằng một chiếc chân giả. Bây giờ, cô ấy đã có thể mang bất kỳ loại giày nào, kể cả giày cao gót.

Hầu hết các trường hợp bàn chân bị vẹo đều có thể chỉnh sửa lại khi còn thơ ấu bằng cách nắn lại hoặc phẫu thuật nếu bị nặng hơn. Trường hợp cô Serrano thì lại khác, đến năm 16 tuổi tình trạng của cô vẫn không cải thiện dù đã trải qua đến 5 cuộc phẫu thuật.  Và vào tháng 4/2009, cô gặp một chuyên gia tư vấn cho cô về việc cắt chân.

Không lâu sau cuộc phẫu thuật vào mùa hè năm 2009, Serrano tiếp nhận một công việc tại hãng thời trang hàng đầu Betsey Johnson. Hiện tại, cô đang là quản lý truyền thông xã hội trong lĩnh vực thời trang và sỡ hữu khoảng 10 đôi giày cao gót.

Cưa bỏ chân vì nỗi ám ảnh giãn tĩnh mạch

Nhiều phụ nữ rất lo lắng đôi chân của họ sẽ bị giãn tĩnh mạch khi về già. Tuy nhiên, rất hiếm người chấp nhận hy sinh đôi chân của mình thay vì nhìn vào tĩnh mạch bị giãn. Nhưng đó chính xác là những gì người phụ nữ 39 tuổi – Claire Jones đã làm. Nỗi ám ảnh của cô tệ đến mức cô đã cầu xin các bác sĩ cưa bỏ đôi chân lành lặn của chính mình.

Jones đã nài nỉ bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho cô vì nỗi sợ bị giãn tĩnh mạch khiến cô bị hoảng loạn vài lần mỗi ngày. Cô nói rằng lo lắng khiến cho cuộc sống của cô rất khó khăn và việc ngồi gắn mình với chiếc xe lăn sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Tuy nhiên, các bác sĩ đã từ chối yêu cầu của cô. Thay vào đó, cô được điều trị để giúp cô kiểm soát được nỗi sợ hãi của mình.

Cắt chân để tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic)

Một nữ sinh người Anh đã quyết định cắt bỏ một bên chân sau khi bị một rối loạn bẩm sinh hiếm gặp mà di chứng để lại là cô phải ngồi xe lăn. Giờ đây, cô muốn cắt bỏ bàn bên chân còn lại để cô có thể tham gia thi đấu tại Thế vận hội Paralympic 2016.

Danielle đã cưa bỏ chân phải vào năm 2010. Cô được lắp 1 chiếc chân giả và cô có thể chơi thể thao lần đầu tiên trong đời. Cô bé 15 tuổi đã tham gia chạy nước rút, nhưng cô nói rằng áp lực lên chân trái khiến cô liên tục bị đau và chạy chậm. Vì thế, bây giờ, cô muốn cắt bỏ luôn chân trái với ngón cái bị biến dạng và tổn thương dây chằng nghiêm trọng, để cô có thể chạy với cả hai chiếc chân giả, như thế cô sẽ chạy nhanh hơn.

Phẫu thuật để cắt dây thần kinh

Một nhà khoa học nghiên cứu giáo dục tại trường Đại học Cambridge rất liều lĩnh muốn sống cuộc đời của một người ngồi trên xe lăn và bà sẵn sàng chi trả để bác sĩ giúp bà trở thành người khuyết tật.

Từ nhỏ, bà Chloe Jennings White đã liên tục cố làm mình bị thương để cuối cùng bà ấy có thể ngồi lên chiếc xe lăn. Năm 2010, thậm chí bà còn tìm một bác sĩ ở nước ngoài sẵn sàng giúp bà trở thành người tàn tật bằng cách cắt dây thần kinh hông và đùi, nhưng bà không đủ khả năng chi trả khoản phí lên đến 16.000 bảng Anh (tương đương là hơn 500 triệu đồng tiền Việt).

Chloe, 58 tuổi, đến từ thành phố Salt Lake, bang Utah, mắc một căn bệnh hiếm gặp đó là triệu chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể (BIID). Người  mắc chứng bệnh này có xu hướng muốn loại bỏ một phần cơ thể của mình, họ coi sự toàn vẹn cơ thể là "không hoàn hảo" và luôn tìm cách để "được hoàn hảo", họ muốn bị tàn phế. Bà ấy luôn tin rằng cả hai chân không thuộc về mình và luôn ước mơ bị liệt từ hông trở xuống.

Hiện bà đang sống giống hệt như một người tàn tật. Bà đi lại bằng xe lăn và đeo nịt chân giống hệt như chân bà bị tàn tật vậy. Nhưng khi phải đi lên cầu thang là bà lại đứng dậy, tháo dây buộc chân và đi lại như người bình thường.

Cưa bỏ cả hai chân vì cảm thấy chúng... không phù hợp

Karl là một người cụt cả 2 chân nhưng không phải vì tai nạn, bẩm sinh, hay bị bệnh, mà là tự bản thân muốn thế.

Vào năm 2010, Karl ngồi một mình trong ôtô với gần 50kg đá khô và nỗi ám ảnh muốn phá hỏng chân của mình. Karl nói: “Đầu tiên, tôi dùng muỗng gỗ để xúc đá khô vào xô, chiếc xô chứa đầy CO2 với nhiệt độ -79 °C”. Trong 45 phút tiếp theo, Karl đưa chân vào xô và liên tục cho thêm đá khô vào cho đến khi đầy xô.

Karl nói tiếp: “Tôi ngâm chân trong xô đá khô suốt 6 tiếng đồng hồ, và sau đó, tôi cho thêm đá khô vào để giữ xô đá luôn đầy”.

Sau 6 tiếng đồng hồ đó, Karl bình tĩnh lái xe đến phòng cấp cứu. Sau vài ngày, chân anh tay bắt đầu thâm đen vì các mô bị chết do quá lạnh và trong vòng 1 tháng, các bác sĩ phẫu thuật không còn lựa chọn nào khác hơn là cắt bỏ cả 2 chân của Karl.

Trường hợp của Karl không phải là điều bí ẩn trong y học, cũng có nhiều người khác như anh ta, họ luôn tin rằng cơ thể họ hay một bộ phận nào đó của cơ thể không phù hợp với hình ảnh của bản thân trong tâm trí họ và họ luôn tìm cách phá bỏ nó.

Cậu bé 11 tuổi có mong ước bị cắt bỏ chân

Một cậu bé 11 tuổi ở California đã đưa ra một quyết định khó khăn để được cắt bỏ chân.  

Cậu bé Amit Vigoda bị một rối loạn hiếm gặp khiến cho xương chân dễ bị gãy dù là va chạm nhẹ. Nếu phải sống với tình trạng cái chân như vậy suốt đời, cậu bé sẽ bị hạn chế rất nhiều trong hoạt động, vì cậu không được gây áp lực quá nhiều lên chân trái. Để di chuyển, cậu phải dùng nạng hoặc xe lăn. Cậu còn phải dùng rất nhiều thuốc giảm đau và thỉnh thoảng gặp ác mộng vào ban đêm.

Cha mẹ Amit đã ủng hộ hết mình và sau một quá trình đưa ra quyết định khá lâu, họ đã đồng ý để biến điều ước của cậu bé trở thành hiện thực. Amit đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ chi vào tháng 4/2014. Và giờ, sau khi phẫu thuật, cậu đã có thể di chuyển trên đôi chân của mình, thậm chí là thực hiện được khao khát được chạy bộ từ lâu.

Nữ ca sĩ quyết định cưa bỏ chân, sống rất tốt với chân giả hiện tại

Cô ca sĩ kiêm người mẫu người Latvia – Viktoria Modesta vừa phát hành video ca nhạc đầu tiên của mình và được biết đến như là ca sĩ nhạc pop cụt chân đầu tiên trên thế giới. Xem video của cô và những bức ảnh quảng cáo mà cô mang những chiếc chân giả "cực ngầu" và hiện đại mới thấy, cô đưa ra một tuyên bố chắc nịch rằng bị tàn tật không phải là một hạn chế mà là một điều có lợi.

Modesta sinh ra với khớp hông và chân bị trật, nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng di chuyển và cuộc sống của cô. Cô đã trải qua 15 cuộc phẫu thuật ở quê nhà trước khi chuyển đến Luân Đôn với hy vọng là sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn.

Cô ấy đã phải chịu đựng thêm nhiều lần phẫu thuật nữa ở Luân Đôn trước khi đưa ra lựa chọn phải cưa chân, một quyết định mà cô nói là đã thay đổi cuộc sống của mình, khiến nó trở nên tốt đẹp hơn. Giờ đây, Modesta trở thành người truyền cảm hứng cho những người bị khiếm khuyết về thể chất khác.

Quyết định cắt bỏ chân và làm những việc rất “khác người”

Khi Joseph Pleban, 23 tuổi, biết mình phải cắt bỏ bàn chân trái của mình, anh ấy đã quyết định nói lời tạm biệt với nó  bằng một cách không giống ai. Đầu tiên, Joe tạo một trang Facebook và tạo một album ảnh với tên gọi “Cuộc phiêu lưu cuối cùng của bàn chân trái của Joe”.

Năm 2008, Joe biết rằng mình bị PSVN ở mắt cá chân trái. PVSN là một rối loạn hiếm gặp làm xuất hiện những khối u và viêm khớp thoái hóa ở mô liên kết. Sau 6 năm và 2 lượt phẫu thuật không thành công, Joe đã quyết định cắt bỏ mắt cá chân của mình.

Như là một cách đối diện với việc mất bàn chân trái và mắt cá, Joe đã lưu giữ lại hình ảnh những ngày cuối cùng của bàn chân mình và những chuyến phiêu lưu hài hước. Anh ấy thậm chí còn xăm hình trên mắt cá chân trái, đánh dấu chỗ sẽ bị cắt.

Cuối cùng, anh ấy đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ nó vào tháng 6/2014.