Bạn có thắc mắc về cân nặng của mình khi bước lên Mặt trời?

16:37 06/01/2016

Như chúng ta đã biết, nhiệt độ bề mặt Mặt trời vào khoảng 5505 độ C và nếu lên đó, chắc chắn cơ thể người sẽ “biến thành cát bụi” ngay lập tức. Nhưng nếu bỏ qua yếu tố bị thiêu cháy, bạn có từng nghĩ đến cân nặng của mình sẽ là bao nhiêu trên Mặt trời?


Chúng ta sẽ rất nặng nếu đứng trên Mặt trời. (Ảnh: NASA)
Chúng ta sẽ rất nặng nếu đứng trên Mặt trời. (Ảnh: NASA)

Trong thời gian qua, các nhà khoa học cũng đau đầu khi xác định trọng lượng chính xác của con người trên Mặt trời. Nhưng mới đây, một nhóm nghiên cứu do Đại học Vienna (Áo) dẫn đầu bởi Thomas Kallinger kết hợp với Đại học Jaymie Matthews British Colombia đã tìm ra cách đo trọng lực Mặt trời với độ chính xác 4% - tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Theo tiết lộ của Tiến sĩ Kallinger, nhóm đã áp dụng một phương pháp mang tên “kĩ thuật tự tương quan khoảng thời gian” (autocorrelation function timescale technique), dùng tương tác ánh sáng với các ngôi sao xa, kết hợp giữa vệ tinh cùng sứ mệnh Kepler của NASA để đo trọng lực Mặt trời.


Cân nặng chúng ta nếu đứng trên Mặt trời sẽ gấp 20 lần so với đứng trên Trái đất. (Ảnh: NASA)
Cân nặng chúng ta nếu đứng trên Mặt trời sẽ gấp 20 lần so với đứng trên Trái đất. (Ảnh: NASA)

Với phương pháp này, các nhà khoa học nhận thấy rằng, trọng lực trên Mặt trời cao gấp 20 lần Trái đất. Ví dụ như nếu bạn nặng 75kg thì khi đứng trên “quả cầu lửa” này, trọng lượng của bạn là... 1,5 tấn (1500kg). Trước đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng Mặt Trời có lực hấp dẫn gấp 28 lần so với lực hấp dẫn trên hành tinh của chúng ta, nhưng tỉ lệ chính xác thấp hơn.

Không chỉ đo trọng lực Mặt trời, phương pháp mới đang được kì vọng sẽ đo lực hấp dẫn của các hành tinh khác ngoài hệ Mặt trời, cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng, thậm chí là những hành tinh chúng ta chỉ nhìn thấy mờ, hoặc không xác định được quỹ đạo.


Cách mới có thể sử dụng để xác định trọng lực các ngôi sao cách Trái đất hàng tỉ năm ánh sáng. (Ảnh: NASA)
Cách mới có thể sử dụng để xác định trọng lực các ngôi sao cách Trái đất hàng tỉ năm ánh sáng. (Ảnh: NASA)

“Vì trọng lực phụ thuộc vào khối lượng và bán kính của ngôi sao - cũng giống như trọng lượng của một người trên Trái đất phụ thuộc vào khối lượng và bán kính của nó – nên kĩ thuật này sẽ cho phép các nhà thiên văn đánh giá tốt hơn bề mặt và kích cỡ của các ngôi sao xa xôi”, Giáo sư Matthews - đồng tác giả của nghiên cứu - nói.


Ví dụ cho trường hợp cân nặng trên Trái đất (75kg), đứng trên Mặt trời hiện tại (1,5 tấn) và vài tỉ năm tới, khi nó biến thành sao khổng lồ đỏ (1,5kg). (Ảnh: Jaymie Matthews/Thomas Kallinger)
Ví dụ cho trường hợp cân nặng trên Trái đất (75kg), đứng trên Mặt trời hiện tại (1,5 tấn) và vài tỉ năm tới, khi nó biến thành sao khổng lồ đỏ (1,5kg). (Ảnh: Jaymie Matthews/Thomas Kallinger)

Ngoài ra, Giáo sư Matthews cũng nói thêm rằng trong tương lai, khi Mặt trời biến thành sao khổng lồ đỏ (sao khổng lồ toả sáng với khối lượng thấp hay trung bình đang ở giai đoạn cuối hành trình tiến hoá) thì trọng lực sẽ giảm tới 50 lần. Ví dụ như một người 75kg trên Trái đất, khi lên Mặt trời chỉ còn 1,5kg. Tuy nhiên, điều đó phải hàng tỉ năm nữa mới diễn ra.