Không thể về gặp bố lần cuối, con khóc nấc nói lời xin lỗi

17:30 25/11/2021

Mới đây, một đoạn clip ghi lại cuộc gọi cuối cùng giữa con gái và người cha già ở quê đã khiến nhiều người rơi nước mắt.

Cụ thể, tài khoản H.T.T. tâm sự: "Cả cuộc đời làm con gái rượu của bố, đến cuối cùng câu con có thể nói với bố chỉ là 'con xin lỗi' qua màn hình điện thoại. 48 ngày xa bố, con nhớ bố!".

 
Hẹn bố 2 năm sẽ về nhưng nào ngờ cuộc nói chuyện cuối cùng với bố lại là qua điện thoại. (Ảnh: Chụp màn hình)
Hẹn bố 2 năm sẽ về nhưng nào ngờ cuộc nói chuyện cuối cùng với bố lại là qua điện thoại. (Ảnh: Chụp màn hình)

Trong đoạn clip, có thể thấy, người cha sức khỏe suy yếu, không thể tự ngồi dậy mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình để nói chuyện với con gái qua màn hình điện thoại. Ở phía bên kia, người con khóc nghẹn vì liên tục nói: "Bố ơi bố, con xin lỗi bố". Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai cũng sụt sùi.


T. chỉ biết liên tục nói xin lỗi bố. (Clip: TikTok)

Chia sẻ ở phần bình luận dưới clip, T. tâm sự, cô đã sang Nhật được 2 năm. Do dịch bệnh nên cô không thể trở về, ở bên bố những ngày cuối. Đến khi ông ra đi, T. cũng chỉ có thể nhìn bố qua điện thoại.

"Buồn lắm bạn ạ. Mình nói lời xin lỗi với bố xong bố cũng dần lịm đi, giống như bố chờ mình vậy. Chẳng thể quên được ngày hôm đó... Mong rằng những ai còn bố mẹ thì hãy ở bên, quan tâm và chăm sóc bố mẹ thật nhiều khi còn có thể, để sau này không phải hối hận", T. viết.

 
Chủ nhân đoạn clip trải lòng. (Ảnh: Chụp màn hình)
Chủ nhân đoạn clip trải lòng. (Ảnh: Chụp màn hình)

Hay trong một đoạn clip khác trên trang cá nhân của mình, T. đã chia sẻ hình ảnh khi bố còn khỏe, gia đình sum vầy bên nhau, vậy nhưng tất cả giờ chỉ còn là kỉ niệm: "Nhật Bản được gì và mất gì, với con là mất bố".

Chỉ sau 1 ngày, đoạn clip đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận. Đa phần đều gửi lời động viên, mong T. sớm vượt qua nỗi buồn, bởi có lẽ đó cũng là điều bố cô mong muốn.

"Dịch bệnh đã khiến biết bao người con không thể về bên người thân trong giây phút cuối. Mong rằng nó sẽ sớm biến mất", bạn D.P.L. bày tỏ.

"Đừng hỏi giàu hay nghèo, còn đầy đủ thành viên gia đình là đã hạnh phúc lắm rồi. Hãy nói lời yêu thương khi còn có thể", bạn Q.N.P. gửi lời.

Cách đây ít ngày, một đoạn clip có nội dung tương tự, ghi lại cảnh người bố dặn dò con cháu trước khi ra đi cũng khiến nhiều người không kìm nổi nước mắt. Theo clip này, dù rất mệt nhưng người đàn ông vẫn gắng gượng đưa cháu gái cục tiền và nói: “Ông chỉ có thế này thôi, tặng con.” Sau đó, ông tiếp tục đưa vàng kêu vợ phát cho con cháu.

 
Người đàn ông gắng gượng tặng quà cho con cháu trước khi đi xa. (Ảnh: Chụp màn hình)
Người đàn ông gắng gượng tặng quà cho con cháu trước khi đi xa. (Ảnh: Chụp màn hình)

Anh T., người quay video và cũng là con trai trong gia đình chia sẻ với Thanh Niên: Cả đời bố lam lũ, dành dụm được một ít nên trước lúc mất gửi tặng cho con cháu. Ông thương đứa cháu gái mới tròn 2 tuổi là con gái tôi nên muốn dành tặng nhiều hơn. Con trai, con gái, con rể, cháu ngoại ai cũng đều có một chút quà từ bố. Tôi muốn lưu lại những hình ảnh đó để sau này con gái tôi lớn lên, đi lấy chồng sẽ cho bé xem lại để biết ngày xưa ông nội quý mến, thương cháu thế nào."

Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, ai rồi cũng phải trải qua những cuộc chia ly không hẹn ngày về. Vậy nên nếu còn có thể, đừng ngại ngần nói lời yêu thương.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

NGƯỜI CHA TỈ MỈ LÀM CƠM CHO CON MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO

Mới đây, tài khoản L.T.N.L. (25 tuổi, trú tại Bình Thuận) đã chia sẻ hình ảnh chụp lại bữa ăn trong lúc đang nằm trong bệnh viện cùng lời tâm sự: "Hộp cơm của ba luôn đầy ắp, nào là cơm, nào là thức ăn vì sợ con gái bị tụt huyết áp. Có thể, đôi khi ông trời hơi bất công vì để em lâm vào cảnh bệnh tật ở độ tuổi thanh xuân. Nhưng em hạnh phúc vì cuộc đời có cha mẹ thương em, bất kể em như thế nào..."

Được biết, L. bị bệnh nặng, liên tục phải đến bệnh viện. Và mỗi ngày đi điều trị, ba của L. đều cẩn thận nấu cơm, chuẩn bị quần áo cho cô. Dường như với L., cô mãi là đứa con gái bé bỏng, được nâng niu như báu vật.