Có lẽ, chúng ta đã quá nhạy cảm khi gặp bất cứ chuyện gì liên quan đến "người nước ngoài". Cảm giác sợ mất hình ảnh trước bạn bè quốc tế đã vô tình tạo ra cho những vị khách nước ngoài có hành xử chưa đúng đắn, một thứ quyền lợi ảo không đáng.
Khi clip ghi cảnh nhân viên của một hãng xe khách hành xử thô bạo, quát mắng và đuổi hai nữ du khách nước ngoài khỏi xe trước sự chứng kiến của nhiều người được đăng tải, gần như ngay lập tức, clip đã được share đi với tốc độ chóng mặt cùng với nhiều lời lẽ chỉ trích phụ xe mất lịch sự, không kiểm soát hành động dù làm ngành dịch vụ.
Nặng nề hơn, nhiều ý kiến cho rằng lối hành xử "giang hồ" với khách nước ngoài của nam phụ xe đã làm xấu đi hình ảnh đất nước con người Việt Nam, ảnh hưởng đến nền du lịch của nước nhà.
Khách du lịch bị đuổi khỏi xe ở Nha Trang (Ảnh chụp từ clip)
Tuy nhiên, sau khi sự thật được làm rõ, lộ ra rằng nữ du khách là người sai trước, với các hành động như hút thuốc trong xe khách máy lạnh, say xỉn. Khi lái xe nhắc nhở, cô phớt lờ và vẩy tàn thuốc lá xuống sàn xe... thì sự việc này cần được xem xét lại, nhìn nhận từ 2 phía, bởi không phải người nước ngoài nào cũng hành xử lịch sự, có văn hóa. Phải thừa nhận một điều rằng, rất nhiều du khách Tây tỏ thái độ, thiếu ý thức, cư xử không đúng mực khi đi du lịch...
Không phải cứ là người nước ngoài, là "nghiễm nhiên" không có lỗi và phải được cảm thông
Việc hút thuốc trên xe giường nằm, máy lạnh kín mít làm ảnh hưởng rất nhiều người trên xe. Thêm vào đó, đây còn là quy định khi đi xe khách. Nếu đúng như những gì nhà xe phản ánh, thì ý thức nữ du khách quá kém, không tôn trọng những hành khách khác. Chính hành vi hành đã dẫn đến hành động giận dữ của phụ xe khách.
Một cư dân mạng chia sẻ: "Tôi sống ở Châu Âu 12 năm, tôi biết không phải cứ hễ Tây là đúng. Nhiều người rất mất lịch sự,dốt nhưng cứ cho mình là thầy, cứ muốn nói sao cũng được. Có lần ở chung khách sạn với mấy người nước ngoài ở Sài Gòn. Nội quy khách sạn là cấm hút thuốc. Thế mà có ông đang hút thuốc lá điện tử. Bảo ngừng hút ông ta còn trơ trẽn nói "đây không phải là "cigarette"- thuốc lá. Vâng, nó không phải là cigarette, nó là electric cigarette, cũng có thành phần làm từ nicotine."
Một ý kiến khác cũng đồng quan điểm về những "trải nghiệm" không lấy gì làm hay ho với các du khách nước ngoài: "Có lần đi chung chuyến xe từ Đà Lạt đi Nha Trang, mà tài xế phải lên khách sạn đón lần thứ 3 mới được,do họ đi nhậu chưa về. Lên xe thì 7,8 người cầm mấy chai vodka vừa nhậu vừa hát hò như chốn không người."
Đây không phải là vụ việc đầu tiên về thái độ, ý thức của du khách nước ngoài khi tới Việt Nam.
Tháng 7/2016, dân mạng từng bức xúc khi chứng kiến hình ảnh nhóm khách du lịch Trung Quốc vây quanh bắt bẻ một phụ nữ bán hàng rong. Sau một hồi tranh cãi, nhóm người này rời đi để lại người bán hàng với cơn giận dữ.
Vụ việc nhóm du khách Trung Quốc hành xử thiếu văn hóa tại TP Đà Nẵng từng khiến dân mạng phẫn nộ.
Trước đó, tháng 6/2016, một nhóm du khách Trung Quốc đi du lịch tại TP Đà Nẵng có hành động đốt tiền khi đưa cho nhân viên trong quán bar. Không chỉ thế, họ còn lớn tiếng, đòi ngoại tệ thay vì tiền Việt, dù nhân viên không đồng ý. Sự việc cũng chỉ dừng lại khi hai bên đều nóng giận.
Có lẽ, chúng ta đã quá nhạy cảm khi gặp bất cứ chuyện gì liên quan đến "người nước ngoài". Cảm giác sợ mất hình ảnh trước bạn bè quốc tế đã vô tình tạo ra cho những vị khách có hành xử chưa đúng đắn, một thứ quyền lợi ảo không đáng.
Không phủ nhận nhiều người làm dịch vụ còn nóng nảy, có thái độ chưa đúng với khách hàng, song trước những câu chuyện về cách hành xử thiếu ý thức của du khách nước ngoài, thì chúng ta cần có cách nhìn nhận đúng đắn, không nên chỉ phê phán nam nhân viên nhà xe, khi chưa biết chính xác thái độ và cách cư xử của khách trước khi xảy ra sự cố.
Là chủ nhà, vẫn nên giữ bình tĩnh khi chuyện không mong muốn xảy ra
Thiết nghĩ bất luận câu chuyện có đầu đuôi thế nào, nhưng với "vị thế" của người chủ nhà và người làm dịch vụ du lịch, cách xử sự của người phụ xe nêu trên đúng là không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, đặc biệt là đối với khách du lịch nước ngoài.
Dẫu biết là có thể trong trường hợp này khách sai, nhưng giá như nam phụ xe giữ được sự bình tĩnh, nếu nhắc nhở nhẹ nhàng không được thì có thể yêu cầu quản lí hay người có trách nhiệm giải quyết, chứ không nổi nóng mà đùng đùng chửi rủa mắng nhiếc và vứt đồ du khách như vậy, thì sự việc đã không bị đẩy quá xa.
Clip ghi lại sự việc cùng dòng trạng thái phẫn nộ của nữ du khách lan truyền rất mạnh trên MXH.
Bởi dù ai đúng ai sai, hành vi nóng nảy và có phần bạo lực của nam phụ xe đã được ghi lại, lan truyền và để lại những ấn tượng không tốt cho du khách nước ngoài khi họ xem được clip. Điều đó sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt Nam, và có thể tác động lên quyết định của người nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch.
Người phụ xe đuổi khách trong sự việc trên đã bị đình chỉ công việc. Câu chuyện "đụng độ Tây- Ta" này, một lần nữa là một bài học cho chúng ta. Thứ nhất, không nên vội vã nhận định điều gì, kết tội ai khi chúng ta chưa tường tận rõ nguyên nhân vụ việc. Những gì được chia sẻ "ầm ầm" trên MXH chưa chắc là đã thông tin chính xác, và nó mãi mãi là chia sẻ 1 chiều, trước khi được thẩm định và xác thực từ phía các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, luôn là một bài học lớn về cách hành xử, và trong trường hợp nào, cũng cần giữ cho mình sự bình tĩnh. Bình tĩnh để nhận định sự việc, bình tĩnh để xem mình nên làm gì và không nên làm gì, để không dung túng cho sự bê tha, buông thả, nhưng cũng không hành xử bốc đồng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của tập thể, và tổn hại đến quyền lợi của chính bản thân mình.