Dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM đã kéo dài gần 4 tháng, rất nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận. Nhiều người đã chiến thắng, trở về với gia đình nhưng lại mang một số di chứng về tâm lý.
Nhân viên y tế hỗ trợ thăm khám cho F0. (Ảnh: Người Lao Động)
Thông tin từ trang Zing News, trong thời gian qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp đã đưa chuyên khoa Điều trị Covid-19 vào hoạt động. Mục đích là tiếp nhận những F0 cấp cứu, thể trạng nhẹ, trung bình tới nặng (tầng 2). Ngoài ra, bệnh viện còn đảm nhận hỗ trợ F0 hồi phục sức khỏe sau tổn thương do virus nCoV. Thế nhưng, chữ tổn thương ở đây không chỉ ám hiệu cho "nỗi đau" ở phổi, mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế.
Cụ thể, theo bác sĩ Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn, phụ trách khoa Điều trị Covid-19, ở giai đoạn hậu Covid-19, nhiều F0 dù đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn chịu di chứng về tinh thần lẫn thể chất. Điển hình tổn thương hô hấp, tuần hoàn, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu, rụng tóc,... Song song đó, virus còn tác động tới sức khỏe, kéo dài và trở thành gánh nặng của bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Các bệnh nhân đã điều trị thành công vui mừng trong ngày xuất viện. (Ảnh: Thanh Niên)
Đáng chú ý, nhiều F0 còn có tình trạng xuất huyết não ở vùng thái dương chẩm trái, một kiểu di chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người bệnh. Với kiểu tổn thương như thế này, các bệnh nhân mắc Covid-19 dù đã hồi phục cũng dễ rối loạn cảm xúc, vui buồn vô cớ, hay giận dữ, căng thẳng và áp lực.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh: "Một số người gặp tình trạng trầm cảm. Lý do của vấn đề tâm lý này là bởi bệnh nhân chứng kiến những cảnh mất mát lần lượt trong chính gia đình mình hoặc ngay bên trong phòng bệnh... Những tin tức tiêu cực đó khiến họ gặp tình trạng kích thích thần kinh, mất ngủ hoặc nhức đầu".
Tổn thương tâm lý không giống như cơn đau thể xác, nếu không được điều trị kịp thời với một phương pháp đặc biệt thì hậu quả rất khó lường. Tuy nhiên, việc điều trị lại không quá khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Theo đó, bác sĩ Thanh khuyến cáo bệnh nhân có thể đến gặp nhân viên y tế để có thể theo dõi cụ thể. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện thì nên đọc thêm các thông tin phục hồi chức năng hậu Covid-19 chính thống để tự điều chỉnh cho bản thân. Chỉ cần có niềm tin và lòng lạc quan, mọi người chắc chắn sẽ sớm hồi phục.
F0 tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. (Ảnh: Lao Động)
Liên quan đến vấn đề trên, trang Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, khuyến cáo về 6 nguyên tắc cần nhớ cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi phục hồi. Các nguyên tắc này bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Cần bổ sung khẩu phần ăn đa dạng, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có giá trị sinh học cao như sữa, trứng,...gia tăng tỉ lệ đạm. Đặc biệt, F0 vừa hồi phục vẫn còn yếu nên chú ý giảm tải tiêu hóa, chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ và nấu chín nhừ thức ăn.
- Tập thở: Bao gồm 2 trạng thái hít vào và thở ra nhưng cần nhẹ nhàng, sâu, chậm.
- Tăng khối cơ: Không cần tập nặng hay quá sức, nên chậm và chắc khi tập luyện. Người bệnh có thể sử dụng tạ nhỏ, chai nước suối để có thể cải thiện nhóm cơ.
- Phục hồi các vấn đề tâm lí và tinh thần: Đa phần hoang mang lo sợ vì nhiễu loạn thông tin nên mọi người nên chọn lọc. Ngoài ra, cần giữ tinh thần lạc quan, tham gia nhiều hoạt động tích cực của gia đình, xã hội và đặc biệt là cố gắng ngủ đủ giấc.
- Lưu ý khả năng tái nhiễm và miễn dịch với Covid-19.
- Chuẩn bị tinh thần về việc thời gian phục hồi sẽ kéo dài.
Trong thời gian hồi phục, sự động viên từ các bác sĩ và gia đình rất quan trọng với bệnh nhân. (Ảnh: Vietnamnet)
Hành trình tìm lại cuộc sống bình thường như trước của các bệnh nhân từng mắc Covid-19 chắc chắn sẽ có nhiều chông gai. Dẫu vậy, mong rằng mọi người vẫn luôn mạnh mẽ để vượt qua nó.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA CĂNG THẲNG?
Trong cuộc sống hiện tại, đôi khi những áp lực từ công việc, bệnh tật có thể khiến mọi người bị căng thẳng quá mức, dẫn đến trầm cảm. Vậy làm gì để khắc phục điều này, trước khi nó "'xâm lấn" cơ thể bạn? Hãy thử một số cách sau:
- Hồi tưởng về quá khứ bằng cách nhớ lại khoảng thời gian tốt đẹp về người mà bạn yêu mến. Cách này giúp bạn cảm nhận được rằng niềm vui vẫn luôn tồn tại xung quanh.
- Làm mới một mối quan hệ là cách khá tốt để vượt qua căng thẳng. Bạn không nên tự bó buộc bản thân vào 4 bức tường, hãy bước ra và rủ một người bạn đi chơi, ăn uống chẳng hạn. Việc gặp gỡ, uống cà phê hoặc ăn món mà bạn thích sẽ giúp bạn thoải mái tinh thần hơn.