Thông thường, chúng ta không được tự do bày tỏ cảm xúc cũng như hay được bảo rằng, khóc chính là dấu hiệu của sự yếu đuối, lý do cho sự xấu hổ. Tuy nhiên, khóc thật ra chỉ là một cách tự nhiên mà cơ thể của chúng ta phản ứng lại với nỗi đau, nỗi buồn vô tận hay niềm vui sướng tột cùng.
Một số người dường như không thể cầm được nước mắt khi ở rạp chiếu phim hoặc trong nhà hát, và điều ấy khiến họ bị coi thường vì quá yếu đuối về mặt cảm xúc. Song, liệu điều này có thực sự đúng?
Không phải cứ khóc là yếu đuối
Trái ngược với những gì chúng ta nghĩ, họ rõ ràng là những người mạnh mẽ hơn hết. Cụ thể, họ rất dễ thấu hiểu và có xu hướng đồng cảm với người khác, luôn cố gắng hiểu cảm xúc và động lực của người khác. Đồng cảm vốn là một khía cạnh quan trọng của trí tuệ và cảm xúc, đây là khả năng nổi bật nhất giữa các nhà lãnh đạo vĩ đại cũng như những doanh nhân thành đạt.
Những người này thường gặp khó khăn về tinh thần, nhưng họ không để nó nhấn chìm mình sâu vào trong nỗi thất vọng và u buồn, họ biết cách liên hệ với người khác để chia sẻ nỗi đau, sự chán nản hoặc hạnh phúc của họ. Hơn nữa, điều này cũng giúp họ dễ dàng trở nên hào phóng và hòa đồng hơn.
Khi chúng ta bắt đầu hóa thân và hòa nhập vào các nhân vật trong bộ phim và hình dung ra một thực tế khác, não bộ sẽ tự phát triển để chúng ta trở thành những cá nhân cởi mở và hiểu biết hơn, và chúng ta ngày càng trở nên đồng cảm tốt hơn trong việc tương tác với người khác.
Vậy nên, lần tới khi bạn cảm thấy muốn khóc hoặc thấy ai đó khóc khi xem phim, hãy ghi nhớ những điều này và ngừng phán xét. Ngoài ra, YAN cho rằng nếu bạn cũng cảm thấy xúc động, đừng kìm nén nước mắt làm gì, thay vào đó hãy thoải mái để chúng rơi và chìm vào những dòng cảm xúc đẹp đẽ của bản thân nhé.