Được xây dựng cách đây hơn 200 năm và còn lưu giữ những nét đẹp nguyên sơ, Nhà cổ Tấn Ký là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng của Phố cổ Hội An.
Ngôi nhà cổ này được xây dựng vào năm 1741 và đã có 7 thế hệ dòng họ Lê sinh sống. Sang đời thứ 2, ngôi nhà được đổi tên thành Tấn Ký và trở thành nơi buôn bán nông sản. Toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà được xây theo hình ống mang nét đặc trưng của đô thị cổ, không có cửa sổ, chỉ có mỗi khoảng sân giữa nhà đón ánh sáng được gọi là “giếng trời”.
Nhiều người cho rằng, căn nhà này được xây theo kiến trúc “chông rường giã thủ”, tức gồm có 2 thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân, 5 thanh dọc giống như 5 ngón tay, tượng trưng cho ngũ hành. Cả căn nhà được chia thành nhiều gian khác nhau, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt trước của ngôi nhà thông ra phố Nguyễn Thái Học dùng để kinh doanh, buôn bán, mặt sau thông ra cửa sông, trên phố Bạch Đằng để thuận tiện cho việc nhập hàng hóa.
Nhà cổ Tấn Ký nhìn từ bên ngoài
Vật liệu xây dựng ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được chạm khắc tinh xảo với những nét rồng, hoa quả, thể hiện sự sung túc của gia chủ. Ngoài gỗ, ngôi nhà còn được bày trí thêm các loại gạch lát, đá… từ Thanh Hóa, Bát Tràng, Non Nước. Đặc biệt, gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng, rất bền, mùa đông ấm, mùa hè mát. Nhà cổ Tấn Ký được làm nên từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Quảng Nam. Tham quan ngôi nhà, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi những họa tiết, hoa văn không chỉ tinh xảo mà còn mang triết lý, thông điệp ý nghĩa của tư tưởng phương Đông. Nhìn tổng thể, ngôi nhà là một sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Không gian bên trong ngôi nhà cổ
Đến tham quan Nhà cổ Tấn Ký, du khách còn được tận mắt nhìn thấy những bức hoành phi, liễn đối tuyệt đẹp như: “Tích đức lưu tôn” (dạy bảo con cháu giữ đức tốt cho các thế hệ sau), “Tâm thường thái” (giữ tâm luôn yên tĩnh)… Ngoài ra còn phải kể đến bộ liễn đối “Bách Liễu” được giới khảo cổ đánh giá là độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Liễn đối “Bách Liễu” được vẽ bằng 100 nét, mỗi nét là hình ảnh một con chim cất cánh.
Bên cạnh đó, ngôi nhà còn trưng bày khá nhiều hiện vật và đồ cổ mang biểu tượng của Phố cổ Hội An. Trong đó, quý giá hơn cả là chiếc “Chén Khổng Tử”, chiếc chén vô giá này gắn với tích xưa về Khổng Tử, khuyên con người phải biết kiềm chế hành vi, giữ mình ở trạng thái ôn hòa.
Một điều đặc biệt không kém chính là nhà cổ Tấn ký là ngôi nhà duy nhất ở Phố cổ Hội An được vinh dự đón tiếp các vị khách quý, nguyên thủ quốc gia trong và ngoài nước đến thăm. Đây cũng là nơi các đoàn làm phim dùng bối cảnh ngôi nhà cho những thước phim của mình. Vào năm 1985, nhà cổ Tấn Ký đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ngoài việc chiêm ngưỡng những những món đồ cổ, hiện vật vô giá, du khách còn có thể mua những món hàng lưu niệm được bày bán tại không gian phía sau của ngôi nhà, nơi đối diện với những cột mốc ghi lại các sự kiện lụt lội tại ngôi nhà. Mặt khác, ngôi nhà còn có khoảng không gian nhỏ để du khách ghi lại dấu chân của mình tại nơi đây, và nhân tiện nhìn ngắm các món quà thật dễ thương mà du khách tặng cho chủ nhân của ngôi nhà.
Với giá vé khoảng 80.000 đồng/người/1 lượt, du khách có thể tham quan cảnh quan chung khu Phố cổ và 1 trong 21 địa điểm như: nhà cổ Tấn Ký, Chùa Cầu, Đình Cẩm Phô, Hội quán Phúc Kiến hay bảo tàng Hội An…