Khả năng bắn xa gấp đôi súng trường hiện đại của “siêu nỏ” có thể là yếu tố đã giúp vua Tần bách chiến bách thắng, khiến kẻ thù khiếp sợ.
Trong một lần khai quật khu vực đội quân đất nung bên trong lăng mộ vua Tần Thủy Hoàng mới đây, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện ra một chiếc nỏ kích thước lên tới 1,5 mét chiều dài và 1,2 mét chiều rộng. Niên đại của “siêu nỏ” này vào khoảng 2200 năm.
Mặc dù trước đó đã tìm ra được tới 10 chiếc nỏ tương tự nhưng hầu hết chúng đều hư hại rất nặng và không thể phục hồi. Riêng với chiếc nỏ vừa tìm thấy thấy tuần trước lại khá nguyên vẹn về hình dạng.
Dựa vào các số đo về kích cỡ, các nhà khoa học nhận định rằng đây có thể là vũ khí tân tiến nhất thời bấy giờ, mang một sức mạnh rất lớn với sức bắn xa gấp đôi so với súng trường hiện nay, tức khoảng 792 mét, tương đương với chiều dài của 9 sân bóng đá nối tiếp nhau. Đặc biệt, chiếc “nỏ thần” này có thể kết liễu mục tiêu với một mũi tên duy nhất.
Với sức mạnh “khủng” này, “nỏ thần” có thể đã được Tần Thủy Hoàng sử dụng đại trà trên chiến trường và có thể là vũ khí đã làm kẻ thù khiếp sợ, giúp vua bình định thiên hạ và phát triển nhà Tần thành một đế chế hùng mạnh.
“Theo phân tích của chúng tôi, chiếc nỏ này không chỉ nhà Tần sử dụng mà có thể nó đã tồn tại suốt thời Chiến quốc. Thời đó, các nước chư hầu đều cố gắng hoàn thiện các loại binh khí của mình nên việc sở hữu loại vũ khí này sẽ tăng sức mạnh quân đội lên rất nhiều”, giáo sư Shen Maosheng, người đứng đầu nhóm khảo cổ cho biết.
Bên cạnh “siêu nỏ”, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều vũ khí khác như giáo, mác, mũi tên,... được cho là có cùng niên đại.
Khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Theo sử sách, lăng được xây dựng vào năm 246 trước Công nguyên bởi 700.000 nhân công cùng nhiều thợ thủ công lành nghề, làm việc liên tục 38 năm. Nơi đây có địa thế hiểm trở và đặc biệt là xung quanh có các con hào đổ đầy thủy ngân nhằm tránh sự xâm nhập lăng mộ cũng như sát khuẩn.
Di chỉ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu được các nhà khảo cổ khai quật từ 1974. Tuy nhiên, do kĩ thuật còn hạn chế nên họ chưa dám tiến hành khai quật sâu, sợ bị hư hại sẽ không thể cứu vãn. Thống kê cho thấy, chỉ trong 3 địa điểm khảo cổ, đã có khoảng 8000 bức tượng binh sĩ đất nung và rất nhiều hiện vật khác được tìm thấy.