Kế hoạch giảng dạy năm học mới của TP.HCM

15:55 03/09/2021

Hiện nay, tình hình dịch tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, chính vì vậy không ít người thắc mắc liệu rằng năm học mới sẽ được triển khai như thế nào. Tuổi Trẻ đã đưa tin về khẳng định của giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - ông Nguyễn Văn Hiếu trước vấn đề này.

 
Học sinh tại TP.HCM trong lễ khai giảng sáng ngày 5/9/2020. (Ảnh: Dân Trí)
Học sinh tại TP.HCM trong lễ khai giảng sáng ngày 5/9/2020. (Ảnh: Dân Trí)

Theo đó, ông Hiếu chia sẻ: “Hiện TP.HCM có hơn 1.000 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nơi lưu trú cho bộ đội tham gia phòng chống dịch Covid-19. Nếu có lùi thời gian bắt đầu năm học 2021-2022 thêm 1-2 tháng nữa thì với tình hình thực tế như đã thấy, học sinh vẫn phải học trên Internet chứ không thể học trực tiếp được.”

Trước đó, để việc học Internet diễn ra thuận lợi, sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn cụ thể gửi về các trường phổ thông. Cụ thể, với những học sinh thiếu công cụ hỗ trợ học online thì xã, phường có nhiệm vụ đến tận nhà giao tài liệu bằng giấy. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp khác đang được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai để hỗ trợ quá trình dạy trực tuyến sắp tới.

 
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Cũng liên quan tới vấn đề này, cuộc làm việc giữa Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã diễn ra vào chiều ngày 2/9. Ngoài nội dung về phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, cuộc họp còn đề cập tới kế hoạch giảng dạy khi học sinh sắp bước vào năm học mới.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, dù phải dồn lực chống dịch cũng phải đảm bảo quan tâm việc học của các em. TP.HCM cần lên kế hoạch cụ thể, chi tiết và tính toán kỹ lưỡng để sắp xếp ổn thỏa cho dạy học trực tuyến sắp tới.

Trong vấn đề dạy học, ông Vũ Đức Đam quan tâm nhất việc học sinh đã được cấp đầy đủ sách vở, tài liệu hay chưa. Thành phố phải tìm cách giải được bài toán, dù dạy online học sinh cũng tiếp thu được bài giảng hiệu quả. Ngoài ra, với trường hợp gia đình khó khăn, con em không thể tiếp cận với máy tính cũng cần tìm phương án xử lý phù hợp, hiệu quả.

 
Thành phố cần tìm giải pháp để việc học online hiệu quả. (Ảnh: VnExpress)
Thành phố cần tìm giải pháp để việc học online hiệu quả. (Ảnh: VnExpress)

Song song với đó, thành phố phải có kế hoạch tổ chức sửa sang, vệ sinh lại toàn bộ trường để sẵn sàng cho các em bước vào năm học mới sau khi đẩy lùi dịch. Đây là vấn đề quan trọng không kém.

Phó thủ tướng nhấn mạnh thêm: “Đây là một năm học đặc biệt đáng nhớ và rất khó khăn, nhưng cũng không vì khó mà chúng ta làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đặc biệt đối với những học sinh mới bước vào năm đầu tiểu học, nếu không được dạy tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập lâu dài của các cháu.”

Như vậy, trước mắt TP.HCM sẽ không dời lịch học mà tiếp tục dạy theo hình thức trực tuyến. Mong rằng, thành phố sẽ có kế hoạch và giải pháp cụ thể, hiệu quả để việc dạy học được diễn ra ngay cả trong tình hình dịch căng thẳng. Còn bạn có suy nghĩ gì về những nhận định trên, hãy chia sẻ ý kiến ngay nhé.

Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.

MỘT SỐ NƠI ĐỘT NGỘT CHO HỌC SINH TẠM DỪNG ĐI HỌC TRƯỚC NGÀY KHAI GIẢNG

Bình Thuận

Ngày 2/9, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tỉnh Bình Thuận ra quyết định thay đổi lịch học trên địa bàn. Riêng học sinh khối 9 và 12, từ ngày 6/9 đến 18/9, các em bắt đầu học trực tuyến. Ngoài ra, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận sẽ lên sóng các tiết học để hỗ trợ học sinh.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Sở GD-ĐT Bà Rịa- Vũng Tàu đã đề xuất về việc thay đổi kế hoạch giảng dạy trong năm 2021-2022. Tỉnh ủy đã quyết định, từ ngày 6/9 cho toàn tỉnh học theo hình thức trực tuyến.

Bình Định

Vào ngày 5/9 lúc 7h30, lễ khai giảng không tổ chức trực tiếp mà phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định.

Dự kiến, các em bắt đầu đến trường từ ngày 6/9, tùy thuộc vào kế hoạch chi tiết từng huyện. Riêng trẻ em mầm non sẽ tới trường muộn hơn.

Xem chi tiết tại đây.