Ngày 21/9, một cây đa cổ thụ 200 tuổi trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) bất ngờ bật gốc, nằm chắn ngang đường. Đến nay, đã hơn 3 ngày sau sự cố nhưng xe cẩu vẫn phải... "bó tay".
Hai xe cẩu lớn được điều đến hiện trường. (Ảnh: Dân Trí)
Cụ thể báo Dân Trí cho biết, cây đa này cao hơn 20m, riêng phần gốc cũng có đường kính khoảng 4m. Do vậy khi đổ xuống, nó đã chặn ngang đoạn đường Nguyễn Văn Linh, khiến giao thông đi vào trung tâm thành phố Quảng Ngãi bị ngưng trệ. Thậm chí phần ngọn cây còn quật trúng 3 ngôi nhà bên đường dẫn đến hư hỏng. Đến sáng 24/9, hiện trường sự việc vẫn chưa thể xử lý xong do cây đa này quá "khủng".
Một phần ngôi nhà bên đường bị ngọn cây quật trúng. (Ảnh: VTC News)
Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng, ông Trương Thanh Thảo cho biết, để công tác di dời diễn ra thuận lợi, lực lượng chức năng đã phải cắt tỉa hết phần ngọn cây, tán lá, tuy nhiên trọng lượng còn lại của cây đa vẫn rất lớn, lên đến 70 tấn.
Theo kế hoạch, cây đa này sẽ được chuyển đến núi Thiên Bút (cách đó khoảng 4km) trồng lại, vì vậy trong quá trình làm việc, lực lượng chức năng phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến phần rễ cây.
Phần rễ cây khủng của cây đa. (Ảnh: Dân Trí)
Vị Chủ tịch phường cho biết, việc di dời diễn ra khá khó khăn bởi vừa phải đảm bảo an toàn cho bà con sinh sống gần hiện trường lại vừa phải bảo vệ phần rễ cây. Hai chiếc xe cẩu cỡ lớn và hàng chục công nhân dù làm việc hết công suất suốt 3 tiếng liên tục nhưng vẫn chưa thể thông lại tuyến đường. Đến trưa cùng ngày, cơ quan chức năng quyết định tạm dựng công việc để bàn bạc, tính toán phương án thích hợp hơn. Dự kiến trong ngày 24/9 việc di chuyển cây đa ra khỏi tuyến đường vào trung tâm thành phố sẽ hoàn thành.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho biết, thời điểm cây đa bật gốc nó đã ngã đè lên một người phụ nữ 54 tuổi là bà P.T.D., sống tại huyện Sơn Tịnh, huyện Quảng Ngãi. Hậu quả khiến bà D. không qua khỏi.
Ông N.T., nhân chứng sự việc kể lại: "Khi nghe tiếng động mạnh kèm nhiều tiếng la hét, mọi người chạy ra đến nơi thì đã thấy một phụ nữ bị cành cây lớn đè lên người. Ngọn cây đập vào dãy nhà phía bên kia đường làm sập tường nhà này."
Tuyến đường phải tạm thời hạn chế đi lại để xử lý sự cố. (Ảnh: Báo Giao Thông)
Được biết, tại Quảng Ngãi, cây đa cổ thụ này rất nổi tiếng, thường được bà con gọi là cây đa Sơn Tịnh, cây đa Chợ Hàng Rượu, cây đa Mũi Tàu… Đây cũng là một trong ba cây đa cổ thụ quý ở địa phương được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh Quảng Ngãi công nhận.
Về nguyên nhân dẫn đến sự cố, ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, nhiều ngày qua, tại khu vực liên tục xảy ra mưa lớn, có ngày lượng mưa lên đến 600mm. "Mưa lớn kèm theo gió mạnh có thể là nguyên nhân tác động trực tiếp khiến cây đa cổ thụ ngã đổ", ông Sỹ nói trên Tuổi Trẻ.
Lực lượng chức năng làm việc tại hiện trường. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tuyến đường vào trung tâm thành phố bị bịt kín bưng. (Ảnh: Vietnamnet)
Qua sự việc trên, hi vọng mọi người sẽ rút kinh nghiệm, chú ý hơn khi di chuyển dưới cây lớn trước, trong và sau trời mưa lớn.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH SỰ CỐ CÂY BẬT GỐC
Đa phần các cây bị bật gốc ngã đổ đều là những cây có tuổi đời khá lâu năm, vì thế nếu chịu khó quan sát chúng ta có thể nhận ra một số dấu hiệu đề phòng. Cụ thể, bà con hãy theo dõi những thay đổi bất thường trên thân cây như xuất hiện mối mọt hoặc có vết nứt, lỗ hổng,... Thỉnh thoảng xuất hiện cành cây bị tét nhánh rơi xuống.
Ngoài ra, nếu thấy lá cây chuyển màu úa vàng, thiếu sức sống thì cũng nên chú ý bởi nó có thể là lời nhắc rằng cây đang dần yếu đi.
Để đề phòng cây bật gốc, nhất là vào mùa mưa bão, mọi người nên chú ý cắt tỉa cành cây, tán lá để giảm thiểu sức nặng; chằng chống cọc để cây vững chãi hơn.