Sau nhiều tháng chống dịch, TP.HCM đã cơ bản trở lại cuộc sống bình thường mới, cho phép nhiều lĩnh vực kinh doanh hoạt động. Tuy nhiên, một số tỉnh phía Tây Nam Bộ hoặc Tây Nguyên lại có nguy cơ bùng phát dịch mạnh với số lượng F0 khá lớn được phát hiện mỗi ngày.
Đáp lại nghĩa tình của các tỉnh, thành phố đã trợ giúp trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã cắt cử nhiều y bác sĩ công tác trên địa bàn, hỗ trợ chi viện.
Đoàn bác sĩ vận chuyển thiết bị y tế, khẩu trang,... từ TP.HCM xuống vùng dịch. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Cụ thể, báo VnExpress đăng tải, sáng ngày 2/11, 12 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (bao gồm cả Giám đốc bệnh viện) đã lên đường chi viện cho Bạc Liêu. Bên cạnh các loại thuốc đặc trị, các bác sĩ còn mang theo 14 loại trang thiết bị y tế,... phục vụ tốt nhất cho công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng.
Trước đó, đội ngũ y bác sĩ thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã có mặt tại Bạc Liêu, hỗ trợ điều trị cho ngành y tế tại đây. Được biết, trong những ngày gần đây, Bạc Liêu ghi nhận khoảng 400 trường hợp F0 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca lên 3.500 người (tính từ ngày 27/4 đến nay). Theo đó, bác sĩ Nguyên Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: "Tình hình dịch tại Bạc Liêu đang rất phức tạp, nguy cơ đối diện đợt dịch lớn".
Đoàn bác sĩ lên đường chống dịch tại Bạc Liêu. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Song song đó, ngành Y tế tỉnh Bạc Liêu còn được nhận 30.000 liều vaccine AstraZeneca và 12.000 liều vaccine Pfizer từ Bệnh viện Chợ Rẫy; 5.000 liều AstraZeneca từ Bệnh viện Thống Nhất. Đặc biệt là hàng trăm thiết bị y tế, xe chủng lưu động, máy xét nghiệm PCR,... từ các doanh nghiệp tại TP.HCM.
Ngoài Bạc Liêu, trước đó, đoàn y tế thuộc các bệnh viện ở TP.HCM còn lên đường hỗ trợ chống dịch tại Đắk Lắk, Cà Mau, Sóc Trăng, Ninh Thuận,... Cụ thể như đoàn bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ Ninh Thuận; đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đến Sóc Trăng; đoàn Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương chi viện An Giang; 3 đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Cà Mau, Sóc Trăng và Đắk Lắk.
Ước tính khoảng 100 y bác sĩ công tác ở TP.HCM đến các điểm nóng bùng dịch chi viện, tính từ giữa tháng 10 đến nay. Trước hoạt động này, một bạn trẻ tên A.L xúc động chia sẻ: "Thật tuyệt vời! Trước đó, các tỉnh cũng đã hỗ trợ cho thành phố, giờ thì ngược lại, giống như đáp lại ân tình vậy".
Bà con miền Tây mắc kẹt nhiều tháng ở TP.HCM về quê trong ngày 30/9.
Báo Zing News đăng tải, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đang gặp khó khăn lớn khi liên tiếp phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới. Theo đó, trong ngày 1/11, Bạc Liêu ghi nhận 316 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 và có tới 66 ca cộng đồng. Đáng chú ý, số ca ngoài khu cách ly, phong tỏa này liên quan tới 2 chuỗi lây nhiễm thuộc một công ty thủy sản.
Cùng ngày, tỉnh An Giang ghi nhận 315 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 67 ca cộng đồng. TP. Long Xuyên là khu vực có nhiều F0 nhất, sau đó tới huyện Chợ Mới. Tỉ lệ tiêm chủng ở địa phương này đang đạt mức 92,29% mũi 1 và 13,32% mũi 2.
Tại Cần Thơ, trong 24 giờ qua ghi nhận 434 ca nhiễm Covid-19 mới và có tới 102 trường hợp ngoài cộng đồng. Kon Tum ghi nhận 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, trong đó 9 trường hợp liên quan tới TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Chốt kiểm soát ra vào tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Theo các chuyên gia tại TP.HCM, việc huy động nhân lực chi viện chống dịch cho các tỉnh lân cận không chỉ là hành động đáp lại nghĩa tình mà còn giúp bảo vệ thành phố. Cụ thể, TP.HCM đang trở lại hoạt động, đồng nghĩa với việc công nhân, người lao động sẽ tiếp tục làm việc. Trong khi đó, nguồn lao động tại thành phố chủ yếu là từ các tỉnh lân cận. Như vậy, chỉ khi kiểm soát dịch tốt tại các địa phương thì thành quả của TP.HCM mới được bảo vệ toàn diện, tránh đợt bùng phát dịch mới.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến mới, vì thế mọi người vẫn nên bình tĩnh, tự chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
BÁC SĨ MIỀN BẮC CHI VIỆN CHO TP.HCM: "ĐÂY SẼ LÀ MỘT TRẢI NGHIỆM KHÓ QUÊN"
Trong thời điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp nhất, nhiều đơn vị y tế tại các tỉnh, thành phố khác đã nhiệt tình chi viện nhân lực, lương thực và thuốc men. Trong đó có khoảng 200 cán bộ y tế (y, bác sĩ, kỹ thuật viên) của 6 viện gồm: E, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Da liễu Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị; 8 bác sĩ, 3 kỹ thuật viên và 17 điều dưỡng của Bệnh viện K đã lên đường.
Chia sẻ về cảm xúc trước cuộc hành trình rất dài, một bác sĩ thổ lộ: "Thực tế nơi tuyến đầu chống dịch sẽ giúp chúng tôi thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, điều trị Covid-19. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên".