Hồi hộp cảnh phẫu thuật gắp đồng hồ trong cổ họng em bé

19:29 21/12/2015

Vụ việc cảnh tỉnh các bậc phụ huynh, cũng như các bảo mẫu ở trường mẫu giáo phải chú ý đề phòng trường hợp con em, nhất là các bé chỉ vài tháng đến vài tuổi chơi đùa và nuốt dị vật.


Cận cảnh quá trình móc dị vật từ họng em bé. (Ảnh: CEN)
Cận cảnh quá trình móc dị vật từ họng em bé. (Ảnh: CEN)

Mới đây, một bệnh viện tại Ả-rập Xê-út đã tiếp nhận em bé (xin được giấu tên tuổi) trong tình trạng tím tái vì khó thở. Theo gia đình, bé bị mắc kẹt chiếc đồng hồ đeo tay ở cổ trong lúc vui chơi.

Lập tức, bé được nhập viện và các bác sĩ tiến hành lấy chiếc đồng hồ này ra. Ban đầu, bé được vỗ nhẹ từ phía lưng – cách để làm dị vật thoát ra tự nhiên. Tuy vậy, cách này đã không hiệu quả và có vẻ như, sức khỏe của bé tiếp tục xấu đi.


Dị vật được tìm thấy là một chiếc đồng hồ. (Ảnh: Internet)
Dị vật được tìm thấy là một chiếc đồng hồ. (Ảnh: Internet)

Trong đoạn video mà một người quay lại, bé đã được đưa lên bàn mổ. Cách mà các bác sĩ sử dụng đó là cắt nhỏ chiếc đồng hồ này bằng kéo y tế. Trong quá trình cắt, có vẻ như bé đã bị sốc và không phản ứng gì.

Sau khi cắt nhỏ, các bác sĩ đã dùng tay lấy từng miếng dị vật ra rất nhanh nhằm khai thông đường thở cho bé. Vài phút sau, bé đã bắt đầu ho và cất tiếng khóc trong niềm vui mừng của những người chứng kiến.

Riêng đoạn video sau khi đăng tải cách đây ít ngày đã nhận được hơn 12.000 lượt xem, cùng hàng ngàn bình luận và chia sẻ. Hầu hết họ đều khiếp đảm và khuyên bạn bè, người thân của mình nên cẩn thận hơn trong việc trông coi con nhỏ.

Không sơ cứu tại nhà nếu chưa biết cách

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai, trẻ em từ vài tháng tuổi đến 2 tuổi rất dễ mắc phải dị vật nếu không được các bậc phụ huynh canh chừng. Ông Dũng nhấn mạnh rằng, khi trẻ bị hóc, tốt nhất là nên đưa đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ có phương pháp chữa trị. Tuyệt đối không được tự chữa bằng mẹo ở nhà, bởi điều đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không biết phương pháp.


Bé từ vài tháng đến 2 tuổi rất thích bỏ vào miệng bất cứ thứ gì. (Ảnh: Internet)
Bé từ vài tháng đến 2 tuổi rất thích bỏ vào miệng bất cứ thứ gì. (Ảnh: Internet)

Nếu bệnh viện quá xa, các bậc phụ huynh phải thật bình tĩnh, một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai nhằm tạo áp lực đẩy dị vật ra ngoài (nếu có thể).

Nếu dị vật vẫn không ra, cơ thể bé tím tái, các bậc phụ huynh cần đặt bé nằm ngửa dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.


Không tự ý sơ cứu nếu chưa biết cách. (Ảnh: Internet)
Không tự ý sơ cứu nếu chưa biết cách. (Ảnh: Internet)

Cũng có thể sử dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực, tức là lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Lưu ý: chỉ áp dụng cho bé từ 1 – 2 tuổi.

Nếu bé bị bất tỉnh, hôn mê... phụ huynh cần đặt bé nằm ngửa, sau đó quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ, liên tiếp tới khi nào bé tỉnh mới thôi (khống chế lực đạo để tránh làm vỡ xương của trẻ).

Tất nhiên, song song với những điều trên là gọi xe cấp cứu để chuyển bé đến bệnh viện.