Những ngày vừa qua, nhiều khu vực tại miền Trung đã phải chịu trận mưa bão lớn đầu mùa. Đặc biệt, tại TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam), trên tuyến đường Bạch Đằng - sát sông Hoài còn xuất hiện một hố sụt lún lớn, đe doạ đến dãy nhà cổ xung quanh.
Điểm sụt lớn tại đường Bạch Đằng đang có dấu hiệu lan rộng hơn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nhiều điểm sụt lún trên tuyến đường hàng trăm tỉ tại Hội An
Tuổi Trẻ ghi nhận, vào sáng ngày 23/9, hố sụt tại đường Bạch Đằng (thuộc khu vực bảo vệ di sản số 1 của phố cổ Hội An) đã rộng khoảng 2 mét, dài 7 mét và chiều sâu 1 mét. Địa điểm này nằm cách chợ Hội An chỉ vài chục mét, cách nhà dân 2 mét và từng là nơi được quy hoạch làm phố đi bộ.
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP.Hội An đã có những báo cáo về tình trạng sụt lún, sạt lở trên đường Bạch Đằng lên UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, điểm sạt lở này đã bắt đầu có dấu hiệu rạn vỡ từ hai tuần trước. Ban đầu, nền đường chỉ xuất hiện vài vết nứt, tuy nhiên, sau cơn bão đầu mùa, đất bị sụt xuống, tạo ra hố sâu khiến giao thông không thể hoạt động được.
Vừa qua, miền Trung cũng đã phải chịu ảnh hưởng của cơn bão Conson.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, do mùa mưa bão chưa đi qua nên địa phương không thể tiến hành khắc phục lâu dài ngay được. Ông nói: "Hội An sẽ bỏ kinh phí khắc phục tạm thời với tổng số tiền 1 tỉ đồng để giữ kè ổn định qua mùa mưa bão. Về lâu dài thì UBND tỉnh sẽ hỗ trợ địa phương khắc phục". Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã căng dây vị trí sạt lở và một số điểm có nguy cơ sụt lún khác để cảnh báo bà con.
Chỉ khoảng 2 mét nữa là đến nhà dân. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nhiều mảng bê tông bị bung rời, lượng lớn gạch nằm lổm nhổm. (Ảnh: Người Lao Động)
Người Lao Động đăng tải, điểm sụt lún này nằm trong dự án kè bảo vệ khu phố cổ Hội An được bàn giao giữa năm 2016, với tổng kinh phí lên đến 135 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Kể từ tháng 3/2017, công trình này đã được đưa vào sử dụng, trở thành tuyến phố đi bộ của du khách. Vì vậy, trước khi có dịch bệnh, mỗi ngày nơi đây lại có hàng ngàn du khách tản bộ qua.
Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam vẫn đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gây nên vụ sụt lún này.
Nhiều địa điểm khác trên tuyến kè cũng xuất hiện tình trạng sụt lún. (Ảnh: Người Lao Động)
>>Xem thêm: Tình làng nghĩa xóm trong ngày mưa lũ tại miền Trung
Sắp tới, miền Trung có khả năng sẽ đón bão
Tuổi Trẻ đưa tin, vào tối ngày 22/9 vừa qua, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dự kiến, đến 18 giờ chiều ngày 23/9, nó sẽ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 270km và cách bờ biển Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão được dự báo mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Ông Năng nhận định thêm: "Với mức độ nguy hại, nguy hiểm khi áp thấp nhiệt đới ở gần bờ, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng nên có thể ảnh hưởng vùng biển và đến đất liền Việt Nam (dự báo bão đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định) trong chiều tối 23-9". Toàn bộ vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, thậm chí Khánh Hòa cần đề phòng gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng trũng, thấp, ven sông có khả năng ngập úng cục bộ, còn khu vực vùng núi sẽ đối mặt với nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Vì vậy, mọi tỉnh trong khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đều phải chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc.
Hội An mưa lớn những ngày vừa qua. (Ảnh: Người Hội An)
>>Có thể bạn chưa biết: Chiến sĩ trẻ liều mình nhảy vào dòng lũ để tiếp tế lương thực
Trong những ngày tới, rất có thể Hội An sẽ phải chịu ảnh hưởng của nhiều cơn mưa lớn nữa. Vì vậy bà con nên thật cẩn trọng, nếu không có việc gì cần thiết hãy ở yên trong nhà để đảm bảo an toàn sức khoẻ của bản thân và gia đình.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
VÌ SAO MIỀN TRUNG THÂN THƯƠNG CỦA CHÚNG TA LUÔN PHẢI GÁNH CHỊU NHỮNG CƠN BÃO LỚN?
Có thể nói, miền Trung là khu vực phải gánh chịu nhiều cơn bão nhất của nước ta. Thậm chí, nơi đây còn xuất hiện nhiều cơn bão lớn chưa từng thấy trong lịch sử, gây nhiều hệ luỵ đáng buồn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng đã được tìm hiểu và phân tích kĩ càng thông qua nhiều khảo cứu chuyên biệt về bão miền Trung.
Yếu tố đầu tiên khiến miền Trung luôn phải chịu ảnh hưởng của bão đó là do vị trí địa lý. Mỗi năm, miền Trung phải chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam. Trước khi đổ vào đất liền, gió này đã đi qua biển Ấn Độ Dương, thế nên mang một lượng hơi ẩm lớn theo. Khi nó gây ảnh hưởng, bão hình thành trên biển Đông sẽ bị gió đẩy lên trên phía bắc, sau đó, dần dịch chuyển về miền Trung.