Từ tiết lộ của những học sinh giấu tên, ngoài lịch học dày đặc, trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) còn có những luật lệ quản lý học sinh rất nghiêm khắc. Dù mục đích chính vẫn là để rèn luyện kỷ cương, phong thái nghiêm túc cho học sinh nhưng điều này cũng gây ra nhiều mệt mỏi với các em.
Vốn nổi tiếng là ngôi trường có "kỷ luật thép" và thành tích học tập cũng cao nhất nhì Sài Gòn, trường THPT Nguyễn Khuyến là nơi được nhiều phụ huynh muốn gửi gắm con em mình, cũng là mục tiêu phấn đấu của các bạn học sinh chuẩn bị lên cấp 3.
Tuy nhiên, liên quan đến sự việc mới đây, nam sinh lớp 10 tự tử tại trường để lại thư tuyệt mệnh nói về áp lực học tập, nhiều người đã phải tự đặt câu hỏi về những luật lệ trong ngôi trường có tỷ lệ đỗ đại học cao nhất nhì Sài Gòn, liệu có quá hà khắc hay không?
Liên hệ với một số học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến, chúng tôi đã được lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của các em học sinh đang học tập tại ngôi trường này:
Học ngày rồi lại học đêm
Theo chia sẻ của nam sinh giấu tên, học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến bắt đầu một ngày học chính khóa từ 6h30 sáng đến 17h30 chiều. Trong suốt thời gian đó thì các em chỉ có 20 phút nghỉ ra chơi mỗi buổi và hơn 1 tiếng để nghỉ trưa. Đối với nhiều học sinh, lịch học dày đặc khiến các em không còn thời gian để thư giãn, suốt ngày ở lớp học, rồi đêm về nhà thì lo làm bài để ngày mai lên lớp.
Với học sinh lớp 10, lớp 11 thì như vậy, nhưng với nhũng học sinh lớp 12 cuối cấp, quỹ thời gian dường như còn eo hẹp hơn gấp mấy lần và áp lực cũng tăng lên chừng ấy.
Lịch học kín mít khiến các em học sinh "không có thời gian để thở"
Nam sinh này chia sẻ: "Lớp 12 còn khắc nghiệt hơn bọn em trăm lần. Không được tham gia bất cứ hoạt động gì, chỉ có học suốt ngày đêm thôi. Từ thứ 2 đến thứ 6 học ở trên trường, lại còn đi học thêm, nhưng đến cuối tuần mà vẫn phải học từ sáng đến chiều ở trường nữa".
Tình yêu học trò là điều tuyệt đối cấm kỵ
Đã từng chứng kiến các bạn khác trong trường bị phạt, bị chuyển trường do có mối quan hệ thân thiết trên mức bạn bè với bạn khác giới, nam sinh giấu tên cho biết yêu đương là một trong những điều cấm kỵ nhất ở ngôi trường này. Và nếu ai có lỡ "cảm nắng" nhau thì ngay lập tức sẽ bị chuyển tới các cơ sở khác của trường.
Những chuyện nghe có vẻ bất bình thường như lục soát cặp sách, áo quần hay đọc... nhật ký của học trò lại là việc đương nhiên phải làm của những người quản nhiệm để phát hiện ra các em có đang yêu đương hay không.
"Nam nữ không được thân nhau quá mức bạn bè, nếu hơn và khi bị phát hiện sẽ buộc thôi học. Lớp em có một bạn mới chuyển đến từ cơ sở khác của trường cũng vì lý do này. Ngoài ra, thầy cô cũng dùng nhiều cách như lục cặp, tìm thấy thư từ,... rồi gây áp lực bắt các bạn thú nhận", nam sinh kể.
Nam sinh cũng cho biết, thỉnh thoảng các thầy cô có thăm dò tình trạng yêu đương qua các thành viên trong lớp. Nếu ai bị phát hiện đang có mối quan hệ thân thiết với bạn khác giới thì sẽ bị mắng và gây áp lực rất nhiều.
Nhà nội trú trở thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh
Chia sẻ về nhà nội trú của trường, nam sinh giấu tên cho hay mình đã từng ở đây một thời gian ngắn nhưng không chịu nổi nữa nên phải dọn về nhà.
Cậu bạn kể: "Hồi hè em có ở nội trú nhưng giờ thì nghỉ rồi, vì em không chịu nổi. Có một lần em không thuộc bài nên bị viết bản tự kiểm điểm, hình phạt cho lúc ấy chính là bị cấm túc, không cho ra ngoài vào cuối tuần và cả bị đánh đòn. Một số bạn bè em ở nội trú cũng kể nếu không học bài thì bị đánh ghê lắm".
Nhiều phụ huynh ở các tỉnh, thậm chí tại TP.HCM đổ xô cho con vào học tại các trường nội trú với mong muốn con cải thiện kết quả học tập, rèn luyện được tác phong, nề nếp kỷ cương nhưng đôi khi, chính điều này đã kìm hãm sự tự chủ của các em quá nhiều, thậm chí, có những em cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, dễ rơi vào trạng thái tiêu cực.
"Ngay lớp em cũng có một bạn suýt tự tử vì quá áp lực, nhưng may mà được mọi người ngăn cản kịp thời. Bạn ấy bị sốc rất mạnh, trong nội trú bạn ấy tự cắt tóc, rồi đang học thì bỗng dưng quăng hêt tập vở", nam sinh nói.
Không ai dám lên tiếng vì tất cả đều sợ
Mặc dù những quy định của trường đưa ra với mong muốn học sinh nghiêm túc và trưởng thành hơn nhưng đôi khi, một số luật lệ và hình phạt có phần nghiêm khắc thái quá đã gây tâm lý không thoải mái, bị ép buộc và sợ hãi đối với các em.
Những điều sợ nhất với các em học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến là sợ bị phạt đứng cả ngày, bị mắng mỗi lần không thuộc bài, sợ bị chuyển trường bất cứ lúc nào nếu lỡ có trót phạm phải một lỗi trong quy định nhà trường.
Nhắc lại lần chứng kiến chuyện của bạn mình, nam sinh này chia sẻ: "Gần đây có một bạn bị chuyển sang cơ sở khác của trường vì "dính" tới chuyện yêu đương. Bố mẹ bạn ấy cũng xin mãi mà nhà trường vẫn chuyển. Trước đó, bạn ấy cũng từng bị chuyển một lần do cắt tóc không đúng quy định vào dịp hè. Ngoài ra, có một bạn nam khác bị nấm da đầu, phải cắt đầu đinh để bôi thuốc nhưng vẫn bị phạt đứng 1 tuần".
Tuy hiểu rằng các thầy cô cũng chỉ muốn học trò chuyên tâm học hành, đạt kết quả cao, nhưng đôi khi điều các em học sinh mong muốn lại là các thầy cô có thể nhẹ nhàng và tâm lý hơn trong ứng xử với mình.
"Nhiều lúc thầy cô hỏi lý do tại sao em lại làm thế này, thế kia nhưng rồi khi học sinh trình bày lại không nghe và cho đó là ngụy biện. Em cảm thấy điều này rất vô lý. Mong thầy cô sẽ lắng nghe và thấu hiểu cho chúng em nhiều hơn", nam sinh tâm sự.
Đúng là sự nghiêm khắc sẽ rèn luyện ý thức tốt hơn, và thực tế đã chứng minh là nó có tác dụng trong việc giáo dục và đào tạo các em học sinh. Tuy nhiên, để đưa ra nội quy, tốt nhất là nhà trường phải giáo dục học sinh dựa trên khả năng các em và các em tình nguyện thực hiện nội quy đó thì mới có hiệu quả. Còn các nội quy đưa ra mang tính chất hà khắc, cái này cấm, cái kia cấm và triết lí đằng sau đó là đang muốn giáo dục học sinh bằng nỗi sợ, sợ hình phạt hoặc như giáo dục học sinh để cho các em thấy xấu hổ, sợ hãi thì không hề tốt chút nào, thậm chí còn phản tác dụng.
Theo nhiều cuộc khảo sát, một trong những lý do khiến học sinh có thêm hứng thú học tập chính là thái độ, tính cách của thầy cô. Với học sinh, giáo viên nghiêm khắc sẽ rèn luyện các em có ý thức hơn, nhưng không phải lúc nào thầy cô cũng đều nên nghiêm khắc. Sự "cương - nhu" cần thiết trong từng trường hợp sẽ khiến các em biết tự giác, có ý thức, đồng thời mối quan hệ thầy trò cũng được gần gũi, cởi mở hơn.
Bởi vậy, từ câu chuyện của trường THPT Nguyễn Khuyến, chúng ta đều hiểu rằng, môi trường học đường là nơi ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và hành động của các em học sinh. Làm thế nào để đưa các em vào đúng kỷ cương một cách tự giác, có trách nhiệm, nhưng vẫn làm sao để các em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui là một bài toán đang cần lời giải thích hợp.
Design: ToroShyn