Hình ảnh về những con tôm chứa nhiều sán lãi bên trong đã khiến nhiều cư dân mạng hoang mang và lo sợ. Tuy nhiên, chuyện kí sinh trùng được tìm thấy trong các loại hải sản không phải là hiếm, chuyên gia y tế từng đưa ra lời khuyên tuyệt đối không ăn tái, để đảm bảo an toàn cho cơ thể.
Hình ảnh những con tôm chứa nhiều sinh vật giống sán. (Ảnh: FBNV)
Mới đây, cư dân mạng rất hoang mang và lo sợ khi xem hình ảnh về những con tôm chứa đầy giun sán bên trong. Nội dung được chia sẻ như sau: “Chiều ngày 15/12/2015, khi mua tôm... về, bẻ đầu tôm ra, trong đó thấy có vật lạ hình hài giống như sán lãi, giun trùng, tôi liền quay lại shop... và yêu cầu được gặp người quản lí ngày hôm đó. Tôi có hỏi người quản lí tôm này từ đâu đến thì họ không trả lời được, tôi yêu cầu họ không nên bỏ ra bán vì có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tôi kêu họ bẻ đầu tôm khác để so sánh với tôm tôi đã mua về thì phát hiện đa số đều có sán lãi, trong khi đó hai loại tôm khác thì lại... không có, theo như giác quan của tôi thì hiện tượng sự việc này quá lạ...”.
Ngay sau khi đăng tải, những hình ảnh cùng dòng trạng thái đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng khi có đến hơn 11 ngàn lượt thích và hơn 29 ngàn lượt chia sẻ. (Ảnh chụp màn hình)
Ngay sau đó, sự việc đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, đa phần đều hoang mang và lo sợ loại thực phẩm quen thuộc này có nguy cơ giống trường hợp trên. Cũng có người đưa ra ý kiến cho rằng, đó là do cấu tạo trong cơ thể của con tôm chứ không phải giun sán.
Theo tìm hiểu, nội dung được chia sẻ này xảy ra ở Úc, chứ không phải tại Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện các loại hải sản, đặc biệt là ốc, cua, tôm bị phát hiện có kí sinh trùng bên trong không phải là chuyện hiếm.
Theo các chuyên gia, hải sản thường là vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá phổi. Nếu người nào có thói quen sử dụng các loại hải sản được chế biến tái, chưa chín, ăn sống... thì có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao.
Tuyệt đối không ăn các loại hải sản nấu chưa chín, tái... (Ảnh: Internet)
Cụ thể, người dân có tập quán ăn cua, tôm nước ngọt chưa được nấu chín dễ nhiễm ấu trùng sán lá phổi (Paragonimus westermani), ăn ốc dễ nhiễm sán máng. Các loại kí sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương ở ruột, gan, phổi, tim, não, thận, bàng quang… có khi gây tử vong.
Biểu hiện của người nhiễm các loại kí sinh trùng này là mệt mỏi, sốt nhẹ, mẩn ngứa. Một số người có thể thấy đau bụng hay đau thượng vị, thậm chí có thể có tiêu chảy.
Khi để các kí sinh trùng vào khoang màng phổi, có thể có đau ngực kiểu màng phổi (thường là hai bên). Sau đó là ho khan, khạc đờm lẫn máu.
Nếu không may nhiễm các loại kí sinh trùng này, mọi người có thể đến các bệnh viện để được xét nghiệm máu và có phương án điều trị thích hợp.