Từng là một trong những cuộc thi nhan sắc danh giá nhất hành tinh nhưng đến nay Miss Earth đã bị quy vào chuẩn “ao làng”.
Sau 3 năm trở lại Hoa hậu Trái đất, với những tín hiệu ban đầu, khán giả đang vô cùng kì vọng vào đại diện Việt Nam năm nay - Hoa khôi Nam Em sẽ đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên, chất lượng của cuộc thi này đang bị công chúng hoài nghi khi liên tục xuất hiện những hình ảnh cho thấy sự lôi thôi, bôi bác của ban tổ chức. Nhưng 2016 không phải là năm đầu tiên Hoa hậu Trái đất bị dư luận mang ra mổ xẻ như thế, mà từ sau năm 2010.
Trước khi quy tụ đầy đủ các thí sinh, ban tổ chức Hoa hậu Trái đất 2016 đã mời 9 đại diện, trong đó có Việt Nam và chủ nhà Philippines cùng tham gia một hoạt động với nhà tài trợ. Tại buổi chào mừng, chiếc băng rôn nhăn nhúm như giẻ rách cùng khung cảnh hoang sơ bên bờ biển khiến người xem không khỏi ngán ngẫm với khâu chuẩn bị của Hoa hậu Trái đất 2016.
Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây, Nam Em lại cho rằng do gió quá mạnh tại bờ biển nên khiến tấm băng rôn trở nên nhăn nhúm như thế.
Quay lại với thời điểm sau năm 2010, Hoa hậu Trái đất trở nên tuột dốc không phanh khi hàng loạt bê bối về việc mua bán giải, thí sinh không được chăm sóc chu đáo bị phanh phui.
Cụ thể, từ năm 2007 trở đi, danh hiệu Hoa hậu Trái đất và các ngôi vị Á hậu phần lớn đều được trao cho đại diện Philippines hay những cô gái mang trong người dòng máu Philippines mặc dù có nhiều đại diện được đánh giá cao hơn.
Dù có khâu tổ chức, chất lượng ngày càng tệ hại nhưng giá để mua ngôi vị Hoa hậu Trái đất lên đến 4 triệu đô-la (tươn đương gần 90 tỉ đồng). Chính vì thế, những năm gần đây, Philippines luôn giữ được chiếc vương miện vì không ai buồn mua danh hiệu cao nhất.
Trong một chia sẻ mới đây của ông trùm nhan sắc Venezuela Osmel thì Hoa hậu Trái đất đã không còn xứng đáng xếp ở loại 2 hay loại 3 mà là thấp nhất trong các cuộc thi nhan sắc vì những bê bối, scandal liên tiếp. Bấy nhiêu đủ để thấy, chất lượng của Miss Earth đang nằm ở đâu.
Năm 2012, phần ăn của thí sinh được đại diện Bỉ chia sẻ trên trang cá nhân khiến công chúng “dậy sóng” bởi không đầy đủ chất dinh dưỡng tối thiểu.
Năm 2013, đại diện của New Zealand phải rời khỏi cuộc thi sớm vì ngộ độc thức ăn. Năm 2015, Hoa hậu Đài Loan (Trung Quốc) cùng quản lý đã tung ra những bằng chứng ban tổ chức không thể cung cấp những bữa ăn tối thiểu cho thí sinh, chỉ có mì với sốt cà chua. Một vài người đẹp phải tự bỏ tiền túi để gọi đồ ăn ở ngoài. Do tổ chức tại Áo nên thay vì 2 thí sinh ở 1 phòng như các cuộc thi khác, ban tổ chức rút giảm chi phí bằng cách xếp 4 người/phòng với điều kiệu sinh hoạt bình dân đến khó thể chấp nhận.
Dù có mục tiêu là người chiến thắng sẽ tham gia vào các dự án nhằm cải thiện môi trường nhưng trong vài năm trở lại đây rất khó thấy được hình ảnh Hoa hậu Trái đất thực hiện vai trò và sứ mệnh.
Cũng chính những tai tiếng trong suốt nhiều năm qua khiến giới truyền thông không còn chú ý đến Hoa hậu Trái đất mà chỉ có 2 trang tin của Philippines cập nhật tình hình về đấu trường nhan sắc này.
Với năm 2016, dù được nhận xét có phần chuẩn bị khá hơn nhưng chất lượng thí sinh của Hoa hậu Trái đất lại khiến khán giả vô cùng quan ngại.