"Hết giờ làm là về", thế hệ nào cũng vậy, tại sao lại chỉ trích Gen Z?

19:18 11/10/2023

Nhiều người lao động khi làm việc đến hết giờ vẫn không dám đi về. Nhìn mọi người xung quanh chưa ai đứng dậy, bản thân dù xong việc vẫn phải cố nán lại thêm. Tới lượt Gen Z, nhiều nhân sự trẻ với quan điểm “hết giờ là hết việc” lại vô tình khiến họ bị chỉ trích là thiếu chuyên nghiệp, chưa kết lòng vì công ty. 

 
Là nhân viên ai cũng mong muốn có thể về đúng giờ. (Ảnh minh họa: freepik)
Là nhân viên ai cũng mong muốn có thể về đúng giờ. (Ảnh minh họa: freepik)

"Gen Z cứ hết giờ là đứng dậy đi về" có phải thiếu chuyên nghiệp?

Để đánh giá một nhân viên có làm việc nhiệt tình, chuyên nghiệp hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Người thì đánh giá dựa vào chất lượng công việc, doanh số, người lại đánh giá cao về mặt ý thức, tổ chức kỷ luật. Nhưng cũng có người lại đánh giá nhân viên ở sự cần mẫn, chăm chỉ làm việc, sẵn sàng tăng ca bất cứ lúc nào.

 
Nhiều người dù muốn nhưng không dám về đúng giờ vì sợ sếp đánh giá. (Ảnh minh họa: Enmasys)
Nhiều người dù muốn nhưng không dám về đúng giờ vì sợ sếp đánh giá. (Ảnh minh họa: Enmasys)

Nhiều người cảm thấy bất bình khi bị chê trách là thiếu chuyên nghiệp vì cứ hết giờ là đứng dậy đi về. Tài khoản T.K bày tỏ: “Công ty mình 17h30 là hết giờ làm nhưng hầu như ai cũng phải 18h mới đứng dậy đi về. Thứ 6 tuần trước vì gia đình có việc quan trọng phải về quê nên đúng 17h30 mình xách túi đi về. 

Bản thân cũng không để ý gì nhiều vì vốn dĩ mình chỉ về đúng giờ chứ không về sớm. Thế nhưng ngay buổi tối hôm đó mình đã bị réo tên trong group của phòng hỏi tại sao không có mặt tham gia họp phòng. Lúc 17h35 chị quản lý ra gọi mọi người vào họp đã không thấy mình đâu. Đi làm mà chỉ chăm chăm đúng giờ về là thiếu chuyên nghiệp. Mình thực sự không biết mình đã sai ở đâu, đi làm về đúng giờ cũng bị phê bình?”

 
Để giữ chân một nhân viên giỏi cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt phải có chế độ hợp lý. (Ảnh: faceworks)
Để giữ chân một nhân viên giỏi cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt phải có chế độ hợp lý. (Ảnh: faceworks)

Thực tế, người làm việc chuyên nghiệp là người biết tổ chức, sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành công việc đúng giờ. Thay vì trong giờ ì ạch ngồi lướt mạng xã hội rồi hết giờ cố nán lại làm cho xong việc thì tập trung 100% vào công việc, có thể xong càng sớm càng tốt mới là điều đúng đắn. Việc đó cũng giúp hiệu suất công việc được đảm bảo. 

 
Một nhân viên chuyên nghiệp là người có thể hoàn thành hết công việc trong thời gian quy định. (Ảnh minh họa: pngtree)
Một nhân viên chuyên nghiệp là người có thể hoàn thành hết công việc trong thời gian quy định. (Ảnh minh họa: pngtree)

Thay vì phải ở lại làm thêm giờ hay mang việc về nhà làm buổi tối, cuối tuần, thì việc có thể hoàn thành trọn vẹn công việc ngay tại công ty mới chứng minh được năng lực nhân viên. Nếu là sếp, ai cũng muốn trong đội ngũ của mình có nhân viên mang lại hiệu suất cao, đúng giờ về hay cần một người sẵn sàng tăng ca, làm mất nhiều thời gian nhưng công việc vẫn dậm chân tại chỗ?

 
Hãy đánh giá nhân viên bằng hiệu quả công việc thay vì thời gian làm việc. (Ảnh minh họa: Hosco)
Hãy đánh giá nhân viên bằng hiệu quả công việc thay vì thời gian làm việc. (Ảnh minh họa: Hosco)

Thế hệ nào cũng vậy sao lại chỉ trích Gen Z?

Nếu đặt mình vào vị trí người lao động, có lẽ chẳng có ai muốn ở lại làm thêm giờ. Nhất là với những công ty coi việc nhân viên ở lại là điều hiển nhiên, không có chế độ tăng ca. Thậm chí ngay cả những thế hệ đi trước, không ít người từ 15h, 16h chiều đã nhìn đồng hồ đếm từng phút từng giây đến giờ tan sở. 

Đó vốn dĩ là tâm lý chung của nhiều người, tại sao lại chỉ trích mình thế hệ Gen Z thiếu chuyên nghiệp?

 
Tại sao lại chỉ trích Gen Z khi đi làm được về đúng giờ là nhu cầu chính đáng. (Ảnh minh họa: freepik)
Tại sao lại chỉ trích Gen Z khi đi làm được về đúng giờ là nhu cầu chính đáng. (Ảnh minh họa: freepik)

Tôi có người chị họ năm nay 33 tuổi, làm việc ở một văn phòng tại TP.HCM. Chị kể, đôi khi chị và mọi người phải cảm ơn các bạn trẻ thế hệ Gen Z mới vào làm. Họ sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình. Những điều đó chị và nhiều người làm lâu năm mặc dù muốn nhưng không dám lên tiếng. 

Anh Huy Hoàng (35 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và mọi người trong công ty đều khó chịu với những cuộc họp hay yêu cầu bất chợt của sếp. Nhiều khi buổi tối hay cuối tuần cũng bị réo tên. Có những hôm đã hết giờ làm, tắt máy tính chuẩn bị về sếp vẫn gọi lại giao việc rồi bảo gửi luôn em nhé. 

Việc hết giờ làm được đi về ngay là một điều xa xỉ ở công ty tôi. Để mà nói hết giờ có muốn về luôn không tôi khẳng định phải đến 99% câu trả lời là có dù thế hệ nào đi chăng nữa”. 

 
Nhiều người muốn được về đúng giờ nhưng không dám lên tiếng. (Ảnh minh họa: TopDev)
Nhiều người muốn được về đúng giờ nhưng không dám lên tiếng. (Ảnh minh họa: TopDev)

Thực tế, việc hết giờ đứng dậy ra về không phải thước đo đánh giá sự chuyên nghiệp của nhân viên. Để người lao động có thể thoải mái sáng tạo, hết mình cống hiến cho doanh nghiệp thì không nên quá quan trọng tiểu tiết. 

Thay vì soi mói nhân viên nào cứ hết giờ đứng dậy đi về thì hãy căn cứ vào doanh số, hiệu suất làm việc để đánh giá. Như vậy mới có cái nhìn khách quan về các thế hệ nhân viên dù là Gen Z hay không. 

 
Dù là thế hệ nào cũng đừng ngại lên tiếng với quyền lợi chính đáng của mình. (Ảnh minh họa: freepik)
Dù là thế hệ nào cũng đừng ngại lên tiếng với quyền lợi chính đáng của mình. (Ảnh minh họa: freepik)

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới nhé. 

"Bật sếp" vì làm cuối tuần: Chả riêng Gen Z, ai cũng có quyền từ chối

Trước đó, mạng xã hội rần rần chia sẻ những đoạn chat ghi lại cuộc trò chuyện của một nhân viên Gen Z với HR của công ty. Câu chuyện khiến nhiều người tranh cãi về thái độ làm việc của thế hệ trẻ hiện nay. Tuy nhiên cũng có không ít người bênh vực cô nhân viên sinh năm 2001 bởi sự quyết đoán, dám đấu tranh vì lợi ích của bản thân. 

Thực tế, không chỉ Gen Z mà bất cứ ai cũng có quyền từ chối những yêu cầu vô lý. Một người lãnh đạo tốt là người sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý của nhân viên để tập thể cùng phát triển. Ngược lại nếu lãnh đạo chỉ chăm chăm vào suy nghĩ cá nhân rồi áp đặt nhân viên phải thực hiện thì công việc cũng không có hiệu quả.