Phát hiện mới gây sốc về vụ mất tích của "nữ hoàng trinh thám"

11:00 10/05/2017

Phải chăng sự thật là không hề có một vụ mất tích nào?

Agatha Mary Clarissa (15/09/1890 – 12/01/1976), thường được biết đến với tên Agatha Christie, là một nhà văn trinh thám nổi tiếng người Anh. Được mệnh danh là “Nữ hoàng trinh thám”, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của thể loại trinh thám (theo sách kỷ lục Guinness), và đứng thứ hai nếu tính cả các thể loại khác (chỉ xếp sau William Shakespeare).


Nữ văn sĩ Agatha Christie
Nữ văn sĩ Agatha Christie

Năm 1926, Agatha Christie đột nhiên mất tích 11 ngày. Hơn 1000 cảnh sát đã tham gia vào cuộc tìm kiếm này cho tới khi họ tìm thấy bà tại một khách sạn với những triệu chứng của căn bệnh mất trí nhớ.

Đây vẫn là một bí ẩn lớn mà Agatha Christie mang theo đến tận cuối đời.

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 3/12/1926, Christie, khi đó 36 tuổi, đã rời khỏi nhà mình ở Sunningdale, Berkshire và lái chiếc Morris Cowley tới Surrey.

Sáng hôm sau, chiếc xe đã được tìm thấy tại một mỏ đá cùng một chiếc áo choàng lông thú và một giấy phép lái xe bị bỏ lại bên trong. Hơn 1.000 cảnh sát, 15.000 tình nguyện viên và một số máy bay đã tham gia cuộc tìm kiếm nữ văn sĩ. Vụ mất tích của bà thậm chí đã lên trang nhất của tờ New York Post.


Christie tại thời điểm bị mất tích
Christie tại thời điểm bị mất tích

Nhân vật bị tình nghi tại thời điểm đó là chồng của Christie, đại tá Archibald Christie, người đã nói với vợ mình  về ý định li hôn sau khi có tình nhân mới là một người phụ nữ tên Nancy Neele.

Mười một ngày sau khi biến mất, Christie được phát hiện trong khách sạn Swan ở Harrogate, bắc Yorkshire, nơi bà đã đăng ký đặt phòng bằng tên của người yêu của chồng mình.


Christie đã kết hôn và có một người con gái tên Rosalind.
Christie đã kết hôn và có một người con gái tên Rosalind.

Andrew Wilson, người viết tiểu sử cho Agatha Christie mới đây đã tiết lộ một giả thuyết về sự mất tích bí ẩn không một lời giải thích năm xưa của nữ văn sĩ. Theo cuốn sách mới nhất của Wilson, bà có ý định tự tử sau khi rời khỏi nhà nhưng đã bị cảm giác tội lỗi ngăn cản, và cảm thấy xấu hổ khi đã vờ như bị mất trí nhớ.

Andrew Wilson đã kết hợp các bằng chứng từ các cuộc phỏng vấn của cảnh sát và báo cáo tại thời điểm đó. Ông cho biết: "Sau cái chết của mẹ, bà ấy bị trầm cảm nặng nề hơn khi bắt đầu một loạt những rắc rối về cuộc sống riêng tư. Christie bị mất ngủ, ăn ít hơn, và cảm thấy bối rối, cô đơn trong tuyệt vọng".

Phát hiện mới gây sốc về vụ mất tích của


Vụ việc tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Vụ việc tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1928, Christie trải lòng tâm trạng lúc rời khỏi nhà của bà vô cùng tồi tệ. Khi đi ngang qua mỏ đá, bà đã nghĩ đến chuyện lái xe vào đó với ý định làm điều dại dột. Tuy nhiên, không may trong lúc điều khiển xe, nữ văn sĩ đã gặp sự cố khiến bà bị lạc tay lái, và đập đầu với một vật gì đó.

Giả thuyết mà Andrew Wilson đưa ra là sau khi gặp tai nạn, lý trí và niềm tin vào tôn giáo của Christie (Christie là người theo Cơ Đốc giáo) đã ngăn cô khỏi ý định tự sát. Để che giấu sự xấu hổ về bản thân, bà đã giả vờ như mình bị mất trí nhớ.

Để kiểm chứng cho giả thuyết của mình, Wilson cũng đã phân tích các hành động của Celia, một nhân vật trong tiểu thuyết bán tự truyện ‘Unfinished Portrait’ của Christie, xuất bản năm 1934 dưới bút danh Mary Westmacott. Trong cuốn tiểu thuyết, Christie đã viết về nỗ lực tự tử của Celia như sau: "Cô ấy thừa nhận rằng mình thật xấu xa khi nghĩ đến điều đó”.


Ảnh chụp Agatha Christie năm 1950.
Ảnh chụp Agatha Christie năm 1950.

Nguyên nhân thực sự đằng sau vụ mất tích 11 ngày của Agatha Christie vẫn còn là một ẩn số. Thậm chí, vụ việc trên còn là cảm hứng của nhiều nhà làm phim với những lối suy diễn khác nhau, đến mức những người thừa kế của Christie đã phải đâm đơn kiện vì cảm thấy bị xúc phạm.

Nguồn ảnh: Mirror