Sáng nay (5/11), phố cổ Hội An, các vùng Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và vùng trũng Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) ngập sâu trong biển nước khiến người dân phải chèo thuyền đi lại.
Tính đến đêm 4/11, Đà Nẵng tuy không có thiệt hại về người, nhưng cảnh quan nội đô thành phố và đặc biệt là nhiều pano, áp phích chào mừng APEC đã bị gió đánh sập.
Tại âu thuyền Thọ Quang, nhiều thuyền bè bị sóng đánh chìm. Tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ bị ngập khoảng 70% diện tích vùng rau. Hàng dừa mới trồng phòng hộ ven biển khu vực Sơn Trà cũng bị sóng lớn dâng đánh dạt vào bờ, ngoài ra có 189 cây xanh bị gãy đổ.
Không chỉ cây xanh, mà nhiều công trình chào mừng APEC tại Đà Nẵng cũng hư hỏng sau trân mưa lớn. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)
Do gấp rút chuẩn bị cho APEC, người dân Đà Nẵng đã "đội mưa" xuống đường khắc phục hậu quả. Trước đó, trong đêm 4/11, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ đã viết thư ngỏ kêu gọi người dân địa phương góp sức khắc phục hậu quả mưa bão. Trong đó, chú trọng đến công tác chỉnh đốn cây xanh, biển hiệu, các tuyến đường trọng điểm diễn ra APEC.
Các lực lượng được điều động tối đa để khắc phục hậu quả mưa bão. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)
Sáng 5/11, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) trắng xóa một màu nước. Cầu An Hội bắt qua sông Hoài nằm chìm giữa mênh mông biển nước, nhiều tuyến đường trong khu phố cổ Hội An cũng đã bị nước nhấn chìm.
Chiều cùng ngày, mưa lớn vẫn liên tục trút xuống Hội An, nước đang dâng cao. Hiện tại, hơn một nửa khu vực phố cổ Hội An đã bị lũ chia cắt, tuyến đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ kè sông Hoài đã ngập sâu gần 2m.
Những tuyết đường ngập lụt nghiêm trọng, mực nước ngập sâu hơn 2 mét phải di chuyển rất vất vả. (Ảnh: Vnexpress)
Một số nơi bị cô lập, người dân phải di chuyển bằng ghe. (Ảnh: Vnexpress)
Các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Hoàng Diệu, Phan Bội Châu…cũng bị nước dâng cao và ngập sâu tới 1m. Nhiều quán xá, cửa hàng phải đóng cửa. Giao thông tại các tuyến đường bị tê liệt nghiêm trọng khi mực nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về. Toàn bộ người dân sinh sống trên các trục đường này đã dọn dẹp đồ đạc, di dời tránh lũ.
Tính đến thời điểm này, nước lũ cũng đã mấp mé chân Chùa Cầu. Hàng trăm hộ dân sống bên kia cầu Hội An đã bị cô lập. Người dân các khối Đồng Hiệp, An Hội (phường Minh An) phải di chuyển bằng ghe. Ngoài ra, người dân ở những vùng thấp trũng nhất của khu phố cổ đã phải thuê ghe vượt đoạn sông Hoài để sang bên chợ Hội An mua sắm lương thực.
Trong khi người dân hối hả dọn nhà tránh lũ thì ở một số khách sạn trong vùng trũng thấp, nhiều du khách nước ngoài cũng chủ động rời khách sạn.
Chợ Hội An bị ngập nên người dân nhóm họp chợ trên đường Hoàng Diệu. (Ảnh: VOV)
Du khách phải di chuyển ra khỏi khu vực ngập lụt. (Ảnh: VOV)
Lãnh đạo thành phố chỉ huy bảo đảm an toàn về người và tài sản cho khách du lịch trong thời điểm lũ lụt. Ảnh: Vietnamnet
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, từ hôm qua, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt thành phố Hội An đã tổ chức họp bàn đối phó với lũ. Đồng thời, chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam) yêu cầu công an, quân đội và các phường xã phải khẩn cấp di dời du khách, người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17h.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố Hội An đã giao Phòng Thương mại - Du lịch chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho du khách đang đăng kí tham quan phố cổ và thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài sản của du khách đến Hội An trong thời điểm lũ lụt hiện nay... Bên cạnh đó, du khách sẽ được di dời đến nơi ở mới nếu mực nước ở khách sạn dâng lên quá cao.
Nước tại khu vực phố cổ Hội An ngập sâu cả mét (Ảnh: VOV)
Theo báo cáo nhanh, hiện mực nước đang về các hồ chứa thủy điện thượng nguồn tỉnh Quảng Nam là từ 8.000 - 9.000m3/s. Kế hoạch các thủy điện sẽ xả lũ từ 14h chiều nay (5/11) với lưu lượng bình quân 2.000m3/s. Do đó có nhiều khả năng sẽ diễn ra lụt nghiêm trọng tương đương đợt lũ lịch sử tháng 12/1999.
Nước lũ đang lên nhanh ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) (Ảnh: Vnexpress)
Từ 17h ngày 5/11, nước lũ ở huyện Đại Lộc tiếp tục lên cao, tràn vào nhà dân. Trả lời báo chí ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 15h ngày 5/11, bốn thủy điện trên địa bàn đã tăng lưu lượng xả lũ. Trong đó, thủy điện Sông Bung 4 đang xả 3.500 m3/s; Sông Tranh 2 xả 1.700 m3/s; Đắk Mi 4 là 2.900 m3/s và thủy điện A Vương xả 76 m3/s.
Gia súc được người dân di chuyển đến nơi cao hơn (Ảnh: Vnexpress)
Nước lũ dâng cao đang khiến người dân rơi vào tình trạng khó khăn (Ảnh: Vnexpress)
Được biết, từ sáng 6/11, toàn bộ học sinh các cấp tại TP Hội An cũng sẽ được cho nghỉ học. Thông tin trên báo chí, bí thư Thành ủy Hội An - ông Kiều Cư cũng cho biết đã yêu cầu cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, ngăn cản không cho các tàu thuyền chở khách du lịch.
Nguồn: Tổng hợp