Hành trình trở thành "hoàng tử Lo-Fi" của chàng trai gốc Việt Keshi
Nàng Thơ - Theo yan.thethaovanhoa.vn | 26/03/2020
Nàng Thơ - Theo yan.thethaovanhoa.vn | 26/03/2020
Nghệ thuật chưa bao giờ là con đường dễ dàng, nhất là với những người không có hậu thuẫn từ gia đình. Thế nhưng anh chàng gốc Việt Keshi (Casey Luong) đã dám theo đuổi đam mê đến cùng trên mảnh đất Mỹ. Vượt qua mọi khó khăn, Keshi chinh phục khán giả bằng cách kể chuyện chân thành qua từng sáng tác của mình.
Anh hiện sở hữu hàng trăm ngàn người theo dõi trên các nền tảng MXH và có hơn 2,2 triệu lượt nghe trên Spotify. Keshi cũng vinh dự nhiều lần góp mặt trong BXH Billboard danh giá. Với những thành tích đó, anh được công chúng ưu ái gọi là "Hoàng tử Lo-Fi" gốc Việt.
Casey Luong đã quyết định học nhạc cụ từ năm 12 tuổi vì tình yêu với âm nhạc, điều này có lẽ được thừa hưởng từ người ông của anh. Keshi tiếp cận với âm nhạc từ ông mình cùng chiếc guitar cổ điển to kềnh và một cuốn sách dạy thanh nhạc bằng tiếng Việt. Rồi cậu bé Casey cứ thế tự mày mò học hỏi, dần dần lớn lên trong tim một niềm đam mê bỏng cháy với âm nhạc.
>> Đọc thêm: ILY của Surf Mesa đang tạo được ấn tượng mạnh trên đấu trường âm nhạc
Sau khi tốt nghiệp đại học, Keshi trở thành y tá và chăm sóc cho những bệnh nhân ung thư. Công việc giúp anh rèn giũa sự đồng cảm sâu sắc với người bệnh lẫn trực giác nhạy bén. Trong một lần nghỉ giữa ca trực, chàng y tá đã đăng tải lên MXH một sáng tác đầu tay của mình khi đang mệt rã rời.
Dù bận rộn với công việc y tá, nhưng tình yêu âm nhạc vẫn luôn đồng hành cùng Keshi những khi anh cần một nơi để giải toả. Ca khúc If You're Not The One For Me, Who Is của anh sau đó còn tham gia một cuộc thi nhỏ và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Như đã nhắc ở trên, sáng tác vốn không phải công việc đầu tiên Keshi làm, anh đã có 2 năm trong nghề y tá trước khi dũng cảm đi theo đam mê của mình. "Tôi vẫn nhớ cảm giác khi ấy, mỗi sáng thức giấc đều thấy căng thẳng vì công việc. Lúc ở bệnh viện tôi chỉ mong nhanh chóng hết ca." Keshi nói, "Lúc ấy tôi chỉ nghĩ trong đầu là 'Đáng lẽ mình phải viết nhạc chứ không phải làm y tá'".
Sau đó, Keshi tự làm một studio riêng trong phòng, bắt đầu chú tâm vào âm nhạc và nhờ vậy chúng ta có được một chàng nghệ sĩ tài năng như hôm nay. Tất cả những tâm tư khi còn làm y tá đó đã được Keshi bày tỏ qua ca khúc Skeletons trong album cùng tên.
Cảm thấy được ủng hộ từ cư dân mạng, Keshi càng có thêm động lực để chia sẻ các bài hát do mình sáng tác. Bài hát Over U của anh có mặt trên nền tảng nhạc Spotify và nhận về hơn 7 triệu lượt stream. Một ca khúc khác của Keshi là Just Friends vượt mốc 9 triệu lượt stream. Những con số ấn tượng này chính là một phần động lực giúp Keshi tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc.
Keshi - Bandaids.
Keshi chịu ảnh hưởng từ All Time Low, John Mayer cho tới Frank Ocean, The 1975, Drake và Bryson Tiller. Nhờ lợi thế chơi được nhiều nhạc cụ, lại có giọng hát và khả năng sáng tác, sản xuất được phát triển theo năm tháng từ quá trình học hỏi, mày mò mà Keshi dần dần tạo được dấu ấn riêng. Chàng trai sinh năm 1994 khiến khán giả nhớ đến nhờ phong cách R&B, Lo-Fi Hip-hop kết hợp với chất Pop một cách khéo léo.
>> Có thể bạn quan tâm: Hailee Steinfeld - Nữ ca sĩ chứng minh diễn viên vẫn có thể tay ngang
Trước khi ký hợp đồng với hãng Island Records, Keshi đã tự phát hành sản phẩm âm nhạc và thu về hơn 40 triệu lượt stream - con số khiến nhiều người phải thán phục. Trong mỗi ca khúc, anh từng chút một bóc tách chính bản thân mình và biến nó thành những nốt nhạc, lời ca.
Anh cho biết Keshi chính là bản thể nguyên mẫu của mình, "Tôi không sao chép mà tự làm, tự sáng tỏ và khám phá dòng nhạc R&B. Tôi sáng tác theo kiểu old school, cảm thấu độ nhạy của âm thanh khi học chơi guitar. Mọi thứ đều nói lên tôi là ai giữa cuộc đời này".
Cách khai thác đề tài chân thực có lẽ là một phần giúp những ca khúc Keshi sáng tác đều dễ dàng chạm đến trái tim của công chúng. Những câu chuyện được anh gửi gắm qua từng sản phẩm cũng là câu chuyện mà chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày, hoặc bản thân người nghe tự thấy được chính mình trong bài hát. Đó là câu chuyện về tình bạn, về tình yêu và cả "friendzone".
Có thể kể đến The Reaper, ca khúc là tâm trạng của chàng trai biết mình đang trong mối quan hệ "độc hại" nhưng không thể nào dứt ra được. Hay như Like I Need U, Keshi kể về tình huống mình bị "friendzone" và đi nhậu với bạn bè, sau đó đã không đủ tỉnh táo để rồi gọi cho cô gái kia xin một cơ hội nữa. Còn ở Blue, ca khúc là nỗi buồn về những người bạn ngày càng có khoảng cách chỉ vì ai cũng cố gắng sống cuộc đời riêng.
Năm 2018, bản CD mở rộng THE REAPER giúp Keshi bật lên và gây được tiếng vang với ca khúc Like I Need U. Anh phát hành thêm EP SKELETONS dưới trướng Island Records, là EP đưa tên tuổi anh xuất hiện trên BXH Billboard ở các hạng mục như: Top Album Sales (hạng 59), Heatseekers Albums (Hạng 5), Top Current Album Sales (Hạng 50) và Emerging Artists.
Có lẽ điều khiến Keshi được nhiều người hâm mộ đó chính là giọng hát tình cảm, trầm ấm và rất "hợp rơ" với dòng nhạc Lo-Fi Hip-hop. Ngoài ra, những sản phẩm âm nhạc của Keshi luôn khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu, thoải mái, đủ "liều" để chúng ta có thể lắc lư theo mà vẫn đảm bảo được việc "thẩm thấu" ca từ, giai điệu. Một khi bạn đã tiếp xúc với âm nhạc của Keshi rồi thì sẽ rất khó để có thể dứt ra được.
Keshi - Blue.
>> Đừng bỏ lỡ: Chàng lãng tử trẻ tuổi Conan Gray tung album đầu tay Kid Krow
Năm 2020, Keshi có tham vọng sẽ tấn công vào thị trường với hàng loạt hoạt động âm nhạc. Trong tháng 3, Keshi đã phát hành single Blue và album Bandaids, hiện đang nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ công chúng. Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc, Keshi còn chuẩn bị loạt promo tour hấp dẫn để phục vụ người hâm mộ của mình. Chắc chắn cùng tài năng và sự nghiêm túc với nghề, Keshi sẽ không làm khán giả phải thất vọng.
Cùng đón xem những tin tức mới nhất tại YAN!
VỀ DÒNG NHẠC LO-FI ĐANG THỊNH HÀNH
Lo-Fi (viết tắt của low fidelity) là dòng nhạc mà sản phẩm có có yếu tố mang tính không hoàn hảo trong quá trình ghi âm, trình diễn.
Tính thẩm mỹ của Lo-Fi được định nghĩa qua các yếu tố thiếu chuyên nghiệp một các chân thực như nốt bị đánh sai, tạp âm, lệch tần số âm thanh, rối băng...
Những cái tên đầu tiên gắn liền với Lo-Fi có thể kể tới The Beach Boys (Smiley Smile), R. Stevie Moore (hay còn được gọi là "cha già của làng ghi âm"), Paul McCartney (McCartney), Todd Rundgren..
Thuật ngữ Lo-Fi được phổ biến vào năm 1986 và là tiền đề cho các thể loại như punk rock, indie rock, âm nhạc ngoại vi và văn hoá hoài niệm.
Cuối những năm 2000, Lo-Fi cũng góp một phần không nhỏ trong việc "khai sinh" ra hai thể loại chillwave và hypnagogic pop.