Từ một cô giáo dạy Sử mà không học sinh nào dám nhìn mặt đến hành trình thay đổi... đầy nước mắt

13:00 28/11/2017

Vì muốn thay đổi hình ảnh mình trong con mắt của học trò, cô giáo Nga đã đăng ký chương trình thực tế "Thầy cô chúng ta đã thay đổi".

Trong tập phát sóng đặc biệt ngày 18/11 của chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", câu chuyện về hành trình thay đổi của cô giáo Lê Thanh Nga – giáo viên Lịch sử của một trường THPT ở Vĩnh Phúc trong 9 tháng đã được chia sẻ bằng cách phân tích lớp học của cô trên truyền hình.

Đoạn clip cảm động về hành trình thay đổi của cô giáo Nga.

Nói về lý do muốn tham gia chương trình, cô Nga cho biết mình mong muốn được thay đổi bản thân để mỗi giờ lên lớp sẽ không còn là những chán nản, bế tắc, buồn bực và mang đến một bài học với tất cả những ai làm nghề giáo rằng: Trường học là một sự tôn trọng.

Trong suốt hành trình 9 tháng thay đổi mình, cô Nga nhận ra sự tôn trọng không phải xuất phát từ khoảng cách giữa cô và trò, ngược lại nó bắt nguồn từ tình yêu. Bên cạnh học sinh, cô muốn mình là một người bạn để có thể lắng nghe tâm sự của các em.

Cô chia sẻ về quãng thời gian chán nản, mệt mỏi mỗi lần lên lớp, thậm chí từng muốn bỏ nghề nhưng rồi khi nhìn lại sự nghiệp trồng người của mình suốt bao năm qua, cô cảm thấy thật nhạt nhòa và không để lại dẫu ấn gì. Vì vậy, cô cần thay đổi. "Tôi vẫn có thể tiếp tục như thế này, nhưng 20 năm sau khi về hưu, tôi sẽ cực kỳ hối hận vì dấu ấn nghề nghiệp của mình hầu như không có gì ngoài một vài giải thưởng, bằng khen”, cô Nga chia sẻ.


Cô giáo Lê Thanh Nga đã chấp nhận thử thách để thay đổi hình ảnh của mình trong mắt học trò
Cô giáo Lê Thanh Nga đã chấp nhận thử thách để thay đổi hình ảnh của mình trong mắt học trò

Thử thách thay đổi bản thân của cô Nga bắt đầu từ tháng 11/2016, các máy quay được lắp đặt trong lớp học để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cảm xúc, hành động của cô giáo và học sinh. Khi theo dõi những đoạn phim được ghi lại, nhiều người khá bất ngờ với hình ảnh cô giáo bất lực trước các học trò thường xuyên vào học muộn, không tập trung trong giờ học, đùa nghịch,... Không thể làm gì hơn, cô chỉ biết nhăn mặt hoặc hay tỏ ra cáu gắt trước những hành động của học sinh mà cô cảm thấy đó là sự thiếu tôn trọng giáo viên. 

Những bài giảng của cô Nga được đánh giá là chuẩn bị chu đáo, kiến thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự chú ý của học sinh. Khi xem lại những hình ảnh của mình trong lớp học, cô Nga đã nhận xét cách giảng bài và nói chuyện của mình tương đối “mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ngoài những bài giảng sinh động, chất lượng thì hình ảnh thường thấy của cô trong lớp học là khoanh tay. Cô gọi học sinh đứng lên hay ngồi xuống chỉ bằng một cái vẩy tay. Trong những trường hợp không hài lòng với học sinh, cô đã thốt ra những lời gây tổn thương các em.

Cô tâm sự rằng đã rất nhiều lần cảm thấy bất lực, nhất là sự bất lực về chuyên môn, khi mà các em học sinh lắng nghe bài giảng rất chăm chú nhưng đến khi kiểm tra lại nội dung đó thì rất nhiều em không thể trả lời hoặc trả lời "ngớ ngẩn". Giải thích cho thái độ của mình, cô Nga nói: “Khi tiếp xúc với những học sinh mà chữ Quốc ngữ đọc cũng không chuẩn thì cũng tương đối khó để dịu dàng”. Cô cũng thừa nhận đôi lúc vì những bực bội trên lớp mà về nhàu cáu gắt với con cái.


Cô Nga từng thấy chán nản và bất lực khi cảm thấy học trò không tôn trọng mình
Cô Nga từng thấy chán nản và bất lực khi cảm thấy học trò không tôn trọng mình


Cô trải lòng về việc mình có những hành động khiến học sinh không yêu thích
Cô trải lòng về việc mình có những hành động khiến học sinh không yêu thích


Một học sinh từng chia sẻ rằng mình bị tổn thương khi nghe những lời nói của cô
Một học sinh từng chia sẻ rằng mình bị tổn thương khi nghe những lời nói của cô

Trước lớp, có những em học sinh đã cảm thấy tự ti nghiêm trọng và không được tôn trọng bởi chính cô giáo và các bạn. Khi nhìn lại những hành động, cư xử của cô Nga và học trò trong giờ học cũng như những cảm nhận của học sinh về những hành động trên lớp của cô, có thể thấy giữa cô và trò đang có sự mâu thuẫn và nếu không cứu vãn thì mối quan hệ này sẽ bị thả trôi, mất đi những giá trị đẹp đẽ vốn có. 

Nhận xét về hành xử của cô Nga trong lớp học, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Tôi thực sự “sốc”, vì bị bóc mẽ, bị chỉ trích, bị ví von, đôi khi còn cảm thấy mỉa mai. Tôi cảm thấy không được tôn trọng”.

Nhận thử thách từ phía chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" bằng cách mỗi ngày đến lớp, cô Nga sẽ cười nhiều hơn, hỏi thăm từng em học sinh và trở nên dễ gần hơn trong mắt các em. Cô cũng đã dành thời gian lên Hà Nội để tìm hiểu phương pháp dạy và học phù hợp nhất, chuẩn bị những giờ học sôi nổi có sự giao lưu giữa trò và cô thay vì chỉ đơn thuần một chiều như thời gian trước.

Sau hơn 2 tháng thực hiện thử thách của cô Nga đã mang lại kết quả rất khả quan. Cô đã bỏ được thói quen khoanh tay trong giờ giảng và đã có cách hành xử nhẹ nhàng, biết cách khuyến khích, khen ngợi học sinh đúng lúc. Cô Nga đã dần tìm lại được những nụ cười, niềm đam mê mà tưởng như đã mất đi nhiều tháng trước đó.

Các học trò đã nhận xét cô hay cười hơn, biết lắng nghe hơn, và không cáu gắt như trước nữa. Nếu như trước đây cô xây dựng hình ảnh con gà chọi đầy mạnh mẽ thì bây giờ, bên cạnh học sinh cô muốn mình là một người bạn, không nhất thiết là tri kỉ để có thể lắng nghe tâm sự của các em.

Từ một cô giáo dạy Sử mà không học sinh nào dám nhìn mặt đến hành trình thay đổi... đầy nước mắt


Sau hành trình 9 tháng thay đổi, giờ đây cô Nga đã trở thành một giáo viên rất thân thiết với các em học sinh
Sau hành trình 9 tháng thay đổi, giờ đây cô Nga đã trở thành một giáo viên rất thân thiết với các em học sinh

Cô Nga chia sẻ, sau 9 tháng tham gia chương trình và nỗ lực thay đổi, cô đã tìm được những “người bạn học trò” thân thiết mà đôi khi có thể chia sẻ được với các em những điều mà cô không thể chia sẻ được với gia đình mình. Và khi cô nghe được câu nói "Cô Nga là người mẹ thứ 2 của chúng em" từ học trò cũng là lúc niềm hạnh phúc của người làm nghề giáo vỡ òa. Tin rằng, với những nỗ lực đó, bằng tình yêu nghề và thương yêu học trò, cô Nga sẽ luôn mạnh mẽ và sẵn sàng thay đổi bản thân để bước tiếp trên sự nghiệp trồng người.

Nguồn: VTV