Hãi hùng bé gái 9 tuổi bị đôi đũa cắm xuyên qua lưỡi

11:00 25/02/2016

Cô bé đang ngồi ăn cơm trước nhà thì một thanh niên đá banh gần đó va phải khiến đôi đũa bé cầm trên tay lập tức đâm thủng lưỡi.

Câu chuyện thương tâm diễn ra vào tối thứ Hai, ngày 22/2 lúc bé T.T.N.A (9 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) đang ngồi ăn cơm trước sân nhà vào khoảng 19 giờ. Lúc đó một số thanh niên trong xóm cũng đang tụ tập đá bóng thì bất ngờ một người va phải bé N.A trong lúc mải mê tranh bóng. Cả nhà nghe tiếng bé thét lớn, chạy ra thì thấy đôi đũa bé dùng ăn cơm đã cắm xuyên qua lưỡi. Gia đình lập tức đưa bé đi cấp cứu.


Đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi bé N.A. (Ảnh: Nguyễn Thế Huy)
Đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi bé N.A. (Ảnh: Nguyễn Thế Huy)

Người tiếp nhận bé N.A là bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ông cho biết bé nhập viện lúc 21 giờ 30 cùng ngày trong tình trạng đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi đến sàn miệng. Nhìn bên ngoài có thể thấy đầu đũa ló ra ở phần hàm bên phải của bé.

Dù cảnh tượng trông khá kinh hoàng nhưng theo bác sĩ Huy, "tổng trạng bệnh nhân khá, tỉnh, không có dấu hiệu mất máu, sàn miệng không phù nề" chứng tỏ đôi đũa không gây tổn thương các động mạch lớn và quan trọng. Bên cạnh đó, nhờ bé được đưa ngay đến bệnh viện nên tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt và bác sĩ cũng quyết định mổ cấp cứu để lấy đũa ra ngay trong đêm.


Bé N.A sau khi đã được phẫu thuật rút đũa ra khỏi miệng. (Ảnh: Quốc Ngọc)
N.A sau khi đã được phẫu thuật rút đũa ra khỏi miệng. (Ảnh: Quốc Ngọc)

Một điểm may mắn nữa cho bé N.A là đôi đũa bé dùng có bề mặt trơn láng, khác hẳn những loại đũa tre dùng một lần có rất nhiều dằm có thể gây thêm các vết xước bên trong.

Được biết ca phẫu thuật diễn ra khá suôn sẻ. Các bác sĩ dùng kéo tỉa cây cắt ngắn phần cán đũa rồi gây mê cho bé N.A, đặt nội khí quản và tránh làm đũa bị xê dịch. Sau đó từng chiếc đũa lần lượt được rút ra và không xảy ra hiện tượng xuất huyết ào ạt.

Hiện bé gái đã hồi phục tốt sau khi vết thương được bơm rửa và khâu lại. Bé N.A cũng đã được đặt ống thông dạ dày.


Bác sĩ Huy khám cho bé N.A trước khi cho bé xuất viện. (Ảnh: Quốc Ngọc)
Bác sĩ Huy khám cho bé N.A trước khi cho bé xuất viện. (Ảnh: Quốc Ngọc)

Theo bác sĩ Huy, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 10 trường hợp trẻ bị đũa đâm vào miệng, nhưng đa số chỉ bị 1 chiếc đâm thủng vòm họng hoặc một bên thành họng. Do đó trường hợp của bé N.A là rất hiếm.

Không chỉ ở Việt Nam, ở Trung Quốc trước đây cũng từng có nhiều trường hợp trẻ bị đũa đâm vào miệng rất thương tâm, đặc biệt là tháng 12/2015 ở Phúc Kiến, một bé gái 1 tuổi gặp nạn trong lúc bà ngoại đang lúi húi làm bếp.


Bé gái 1 tuổi bị đũa đâm vào miệng. (Ảnh: Internet)
Bé gái 1 tuổi bị đũa đâm vào miệng. (Ảnh: Internet)

Kết quả chụp CT cho thấy chiếc đũa đâm vào khoang miệng của bé khoảng 2cm và bị kẹt lại, dù chưa cắm vào não nhưng đã chạm đến hộp sọ. Vết thương của bé vô cùng nguy kịch, máu chảy ồ ạt từ miệng và khoang mũi. May thay ca phẫu thuật rút đũa ra cho bé đã thành công tốt đẹp.


Bé lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu và may mắn được cứu sống. (Ảnh: Internet)
Bé lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu và may mắn được cứu sống. (Ảnh: Internet)

Trước đó cũng có nhiều trường hợp các bé bị tai nạn khi nghịch đũa như một bé trai tầm 1 tuổi ở Thẩm Dương bị một chiếc đũa dài 6cm đâm qua lỗ mũi, và một cậu bé 2 tuổi ở Quý Châu bị té ngã, chiếc đũa trên tay liền đâm thọt vào họng bé gần động mạch cổ.

Dù những em bé trên đã may mắn được cấp cứu kịp thời và không gặp phải biến chứng gì, nhưng các bác sĩ cũng luôn khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ngậm bất cứ vật gì trong miệng, đặc biệt là đũa và tăm. Bên cạnh đó cũng không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi một mình mà không để mắt tới.

Nếu lỡ như các bé có gặp nạn thì phụ huynh cũng đừng nên làm gì khác, nhất là động vào dị vật, mà phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.