Trần Mạnh Tùng - GV Toán THPT Lương Thế Vinh: "Đề Toán quá khó - Chúng ta đã đi quá xa rồi"

17:10 29/06/2018

Chia sẻ về đề thi Toán năm nay, thầy Trần Mạnh Tùng cho biết: "Có những câu khi đọc lời giải chi tiết, cả tôi cũng không hiểu. Đáng tiếc, đề của Bộ GD&ĐT lại dựa trên những "tinh túy" ấy ".


Chia sẻ của thầy Trần Mạnh Tùng về đề Toán năm nay.
Chia sẻ của thầy Trần Mạnh Tùng về đề Toán năm nay.

Chia sẻ về đề thi Toán của thầy Tùng đang thu hút đông đảo cộng đồng mạng đặc biệt là các em thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia. Với gần 21 nghìn lượt chia sẻ, chiều nay chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên bộ môn Toán trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội.

 Vì sao đề bị coi là khó?

"Khó chung, dễ chung" là tâm lý của đại đa số thí sinh và cả các bậc phụ huynh và giáo viên. Nên việc đề thi toán có "khó" thì có lẽ cũng chẳng ai quan tâm cái sự "khó" ấy nó bất hợp lý ở đâu. Khi được hỏi về một số ý kiến cho rằng đề dễ, vừa sức, thầy Trần Mạnh Tùng thẳng thắn:

"Tôi cho rằng, đây là những nhận xét chủ quan, không loại trừ hiện tượng nhận xét để tự nâng mình lên. Nhận xét như thế là chưa đóng vai người đi thi. Đây là đề dành cho học sinh 12 chứ không phải dành cho giáo viên. Hầu hết các thầy cô nhận xét thế là "phong trào", chưa thực sự xắn tay lên làm".

Thầy Trần Mạnh Tùng cho biết :

"Tôi đã theo dõi các kì thi Đại học hơn chục năm, chưa năm nào tôi thấy thí sinh thi xong buồn và thất vọng như năm nay. Có nhiều em, thi Toán xong, ra cổng trường chỉ kịp sà vào bố mẹ và khóc. Là người trực tiếp giải để Toán trong 90 phút, bản thân tôi cũng thấy đề dài và khó. Chúng tôi có một diễn đàn giáo viên Toán, hơn chục nghìn người. Tuyệt đối đa số đều cho rằng đề rất khó. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia Toán cũng thấy đề thi năm nay không phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia".

"Đề Toán có 50 câu, làm trong 90 phút (trung bình 1.8 phút/ 1 câu ? ). Có quá nhiều câu khó dường như gần 50% câu khó. Từ câu 26 đề bắt đầu khó, đến câu 36 trở đi đề rất khó, học sinh giỏi ở THPT cũng khó mà làm được. Thứ hai, đề quá dài, hơn 10 câu cuối đề nhiều câu mất 10 - 15 phút. Đề đã trắc nghiệm hóa tự luận là vượt sức của thí sinh" - thầy Tùng, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh phân tích. 

Theo thầy, việc ra đề thi khác với quan điểm ban đầu của Bộ còn tạo hiệu ứng xã hội không tốt, đi ngược lại với chủ trương giảm tải, giảm áp lực thi cử, khác với nghị quyết 29 Quốc hội đưa ra trước đó.


Một số ý kiến xoay quanh chia sẻ của thầy Tùng về đề thi Toán.
Một số ý kiến xoay quanh chia sẻ của thầy Tùng về đề thi Toán.

Xa rời mục tiêu đào tạo môn Toán

Ở kỳ thi THPT quốc gia, các em phải làm ít nhất 6 môn thi. Kỳ thi năm 2019 dự kiến có thêm kiến thức lớp 10. Nếu đề thi 2019 dựa vào đề năm nay, chắc chắn một điều các em thí sinh sẽ bị quá tải về kiến thức và nội dung, điểm 7-8 phải trả giá mà có chứ không còn là vì năng lực mà có nữa. Đặc biệt, ở bộ môn Toán, theo quy chuẩn ban đầu mà Bộ đưa ra để cải cách, giảm tự luận Toán, để cuối cùng biến Toán trở thành "ám ảnh" của thí sinh.

Đề thi cổ súy, cổ súy cho việc học thêm, học phụ đạo, cổ súy cho việc nâng cấp tư duy với sức chứa của một "thư viện bách khoa". Điều này cả xã hội không ai mong muốn, đi ngược với tinh thần Bộ đề ra ban đầu là giảm áp lực thi cử nhưng cuối cùng lại nâng nội dung thi cử trong chính đề bài ? Đề thi "hai trong một" nhưng trong "một" là " hai, ba, bốn có khi cả năm" vấn đề. 


Thu hút hơn 20.000 lượt chia sẻ, bài viết của thầy Trần Mạnh Tùng nhận được nhiều sự đồng tình.
Thu hút hơn 20.000 lượt chia sẻ, bài viết của thầy Trần Mạnh Tùng nhận được nhiều sự đồng tình.

Nói nội dung đề thi nằm trong SGK là không có cơ sở 

Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận đề thi năm nay rất khó và nên giảm độ khó, chứ không phải cách nói "khó là chuyện đương nhiên" như trong buổi họp báo vừa rồi. 

Năm trước, một thứ trưởng thuộc Bộ GD-ĐT nói "Thí sinh chỉ cần học trong sách giáo khoa là làm được bài". Theo lời thầy Tùng, thực chất nếu đúng như thế, thầy Tùng cho rằng học sinh sẽ không vượt qua điểm 3 với đề thi năm nay. Thậm chí, Bộ còn thẳng tay để nhận định một trời còn đề thì một vực. 

Ngày 24/1, Bộ GD&ĐT đưa ra đề minh họa ở mức độ rất khó. Các trường, trung tâm đua nhau ra đề khó để phù hợp với thí sinh và để thí sinh có thể quen đề. "Có những câu khi đọc lời giải chi tiết, cả thầy cũng không hiểu. Đáng tiếc, đề của Bộ GD&ĐT lại dựa trên những "tinh túy" ấy " - Giáo viên Toán này cho biết.


Thầy Tùng: " Việc ra đề thi khác với quan điểm ban đầu của Bộ đi ngược lại với chủ trương giảm tải, giảm áp lực thi cử, khác với nghị quyết được đưa ra trước đó".
Thầy Tùng: " Việc ra đề thi khác với quan điểm ban đầu của Bộ đi ngược lại với chủ trương giảm tải, giảm áp lực thi cử, khác với nghị quyết được đưa ra trước đó".

Ngày 27/4, đại diện Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu đề thi chính thức sẽ được điều chỉnh độ khó so với đề tham khảo để sát với năng lực học sinh. Nhưng thực tế, đề thi thật lại khó hơn đề minh họa. Nói nội dung đề thi nằm trong SGK là ngụy biện. 

Ngoài ra, theo các thầy cô, Bộ GD&ĐT cần công bố đề thi minh họa sớm cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 ngay từ bây giờ để "công tác giáo dục" không còn bị áp lực. Năm trước, Bộ giới thiệu 3 bộ đề thi thử, học sinh và giáo viên rất thuận lợi ôn tập. Năm 2018, Bộ rút xuống giới thiệu chỉ một đề thi, điều này khiến giáo viên và học trò vừa lúng túng vừa ngờ vực.

Chân dung thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh.Chân dung thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh.

Qua đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần công bố rõ cấu trúc của đề thi, bởi nếu học mà không có cấu trúc sẽ gian nan vô cùng. Ngoài ra khi quyết định gộp đề, Bộ chỉ nên lựa chọn nội dung đề cố định trong năm học lớp 11 hoặc lớp 12.

Theo dự tính, trong năm 2019, Bộ sẽ thêm kiến thức cả năm lớp 10 vào đề thi THPT quốc gia. Điều này cảnh báo, tầm đề thi "quá trớn" với thí sinh là điều hoàn toàn có thể diễn ra. Các thầy cô cho rằng nếu Bộ vẫn giữ quan điểm của năm nay vào năm học tới, thầy và trò lứa 2001 sẽ "bục mặt" ngay từ đầu năm học. Điều ấy chẳng khác nào, đi học như "đi cày".