Có khoảng 20 triệu người bị dịch Covid-19 ảnh hưởng sẽ được nhận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, đó là ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Để sớm triển khai ngay khi có hướng dẫn sử dụng gói hỗ trợ 62.000 tỉ này, nhiều địa phương đã nhanh chóng chủ động, rà soát, thống kê đối tượng được thụ hưởng.
Gói hỗ trợ 62.000 tỉ sẽ sớm đến tay người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (Ảnh: Thanh niên)
>>Xem thêm: TP.HCM kiến nghị thực hiện chỉ thị 16 đến 22/4
Những nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có 7 nhóm được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, bao gồm:
1. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
2. Đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), hộ nghèo, hộ cận nghèo;
3. Người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương;
4. NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp;
5. NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm;
6. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho NLĐ;
7. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020.
Người lao động là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Báo quốc tế)
Hiện nay, dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng. Sau khi xong dự thảo sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
>>Đọc thêm: Sau ngày 22/4, dịch Covid-19 có thể bước vào giai đoạn 3
Thời gian dự kiến triển khai gói hỗ trợ
Một trong những địa phương đầu tiên gửi biểu mẫu rà soát các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội trên địa bàn là Thành phố Hà Nội. Bước đầu, qua thống kê có 50.000 hộ nghèo, cận nghèo; hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn các quận, huyện TP.Hà Nội.
Nhiều cá nhân tổ chức đã đứng lên hỗ trợ những phần quà cho người gặp khó khăn (Ảnh: Thanh niên)
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ kê khai, chi trả BTXH cho đối tượng có công; UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kê khai và chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do; cơ quan BHXH đảm nhận kê khai và chi trả cho đối tượng tạm dừng đóng BHXH.
Đối tượng người có công, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng BTXH và lao động có hợp đồng sẽ được chi trả sớm khi có hướng dẫn do đã có danh sách cụ thể. Trong khi đó, đối tượng thụ hưởng từ chính sách BHXH dự kiến sẽ nhận được hỗ trợ trong tháng 4, người có công, đối tượng BTXH, hộ nghèo, cận nghèo nhận vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020.
Người có hoàn cảnh khó khăn, mất việc do dịch nhận được hỗ trợ bữa ăn sáng tại Bình Dương (Ảnh: Đoàn thanh niên)
Riêng nhóm lao động tự do có thể sẽ nhận muộn hơn do khó xác định. Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội cho biết: "Hiện có 6 nhóm được định danh gồm: người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; tài xế xe ôm, xe xích lô; người bán vé số lưu động và NLĐ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú. Việc rà soát nhóm đối tượng này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và quan trọng nhất là có ứng dụng công nghệ để phân tách, sàng lọc những đối tượng này trên hệ thống dữ liệu quản lý dân cư. Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội đã thiết kế những biểu mẫu và đưa ra những tiêu chí, điều kiện theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các quận, huyện rà soát bảo đảm chính xác, đúng đối tượng lao động tự do được thụ hưởng".
Còn tại TP.Đà Nẵng, tổng kinh phí hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 278,8 tỉ đồng. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng - Nguyễn Văn An cho biết địa phương đang khảo sát 4 nhóm đối tượng bao gồm: NLĐ có HĐLĐ nhưng nghỉ không lương; NLĐ có HĐLĐ nhưng bị mất việc, không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; lao động tự do; hộ kinh doanh cá thể có mức khai thuế dưới 100 triệu đồng. Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 5/2020 có thể triển khai việc hỗ trọ cho người dân. Bên cạnh các nhóm theo quy định, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng cùng đề xuất với HĐND TP bổ sung hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc diện địa phương quyết định như: thân nhân người có công có hoàn cảnh khó khăn.
Một điểm phát gạo miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch (Ảnh: Người lao động)
Công tác triển khai gói hỗ trợ tại TP.HCM
Tại TP.HCM, theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố, ông Lê Minh Tấn, trên địa bàn hiện có khoảng 600.000 công nhân, giáo viên làm việc tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, mầm non ngoài công lập, nhóm mẫu giáo tư thục bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ 1 triệu/tháng trong 3 tháng. Theo ông Tấn, thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh để người lao động được nhận hỗ trợ trước 30/4.
Người bán vé số ở TP.HCM nhận tiền hỗ trợ (Ảnh: Thanh niên)
Ngoài ra, gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cũng đang được TP.HCM triển khai cho những lao động tự do hoặc lao động không có HĐLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi người nhận 1 triệu đồng/tháng trong không quá 3 tháng. Hiện cơ quan chức năng địa phương đang rà soát những đối tượng này. Theo đó, để được nhận hỗ trợ, đối tượng phải cư trú hợp pháp tại địa phương.
Với nhóm đối tượng lao động tự do, hiện nay thành phố đang cố gắng triển khai để họ có thể nhận được hỗ trợ trong tháng 5/2020.
Nhiều cửa hàng tại TP.HCM tổ chức phát đồ ăn cho người dân (Ảnh: Thanh niên)
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết điều quan trọng nhất trong việc thực hiện triển khai gói hỗ trợ là phải minh bạch, công khai, giám sát ngay từ khâu đầu tiên đến cuối cùng. Việc xử lý vi phạm cũng phải thực hiện ở mức nghiêm minh cao nhất. Chỉ khi thực hiện chặt chẽ những điều này thì khoản hỗ trợ mới được triển khai chính xác và hạn chế tối đa việc trục lợi, vi phạm chính sách.
>>Có thể bạn chưa biết: Dịch Covid-19 được kiểm soát, giá vé máy bay rục rịch tăng
Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam
Sáng 21/4 là ngày thứ 5 liên tiếp Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới Covid-19, tổng số bệnh nhân đến thời điểm này vẫn là 268 người.
Ca nhiễm cuối cùng tính đến sáng 21/4 là cô gái ở Hà Giang, sau khi phát hiện trường hợp này, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã ngay lập tức khoanh vùng dịch tễ, cách ly những người tiếp xúc gần để hạn chế lây lan dịch bệnh. Sức khỏe bệnh nhân 268 cũng đang có nhiều tiến triển tốt.
Mặc dù liên tiếp nhiều ngày không có thêm ca nhiễm mới nhưng người dân vẫn không nên chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Người dân tại những tỉnh, thành có nguy cơ cao vẫn cần nghiêm túc chấp hành các quy định giãn cách và khuyến cáo của Bộ Y tế...Xem thêm!
Các diễn biến mới nhất về dịch Covid-19 sẽ liên tục được cập nhật TẠI ĐÂY!