Theo công bố từ Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) ngày 12/4, có một con rùa Hoàn Kiếm, loài quý hiếm nhất thế giới, sống ở hồ Xuân Khanh, cách hồ Đồng Mô (Sơn Tây) khoảng 10 km. Giới bảo tồn hy vọng sẽ nhân giống được loài này bằng cách ghép đôi hai chú rùa hiếm đang có ở Việt Nam.
Đã tìm được họ hàng "cụ rùa hồ Gươm" ở Sơn Tây?
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu nước trong hồ để đối chiếu và phát hiện ra sự tồn tại của con rùa hiếm này tại hồ Xuân Khanh bằng phương pháp ứng dụng kỹ thuật gene môi trường (eDNA).
Chia sẻ với Vnexpress, ông Vũ Ngọc Thành - một chuyên gia động vật cho biết, đây là một công bố quan trọng có ý nghĩa lớn với giới bảo tồn. Tại Việt Nam hiện nay, đã có 2 chú rùa hiếm này xuất hiện. Một con ở Đồng Mô (Sơn Tây), một con ở hồ Xuân Khanh.
Ông Thành khẳng định: "Nhiều động vật quý hiếm được cảnh báo là sắp tuyệt chủng như gấu trúc còn đến hơn 2.500 con, tê giác một sừng trên 200 con, nhưng rùa Hoàn Kiếm thì chỉ 4 con trên thế giới, trong đó Việt Nam có hai". Tuy nhiên, hiện nay cặp rùa còn lại đang được nuôi ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc) không còn khả năng sinh sản.
Rùa hồ Gươm mới phát hiện ở hồ Xuân Khanh. Ảnh: ATP.
Năm 2008, Trung Quốc từng ghép đôi sinh sản cho rùa nhưng bất thành do rùa đực quá già. Vì vậy, sự phát hiện này ở hồ Xuân Khanh đã mở ra tia hy vọng mới để có thêm cơ hội ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng loài.
"Để làm được điều này, giới chức và tổ chức khoa học cần bảo vệ khẩn cấp nơi rùa sinh sống; xác định số lượng rùa trong hồ, kiểm tra giới tính và tuổi thọ", tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhấn mạnh trên Vnexpress.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Hà (đại diện ATP) cũng cho biết, phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh còn cho thấy dọc các sông hồ, đất ngập nước miền Bắc có thể còn nhiều rùa sinh sống. Thời gian tới, ATP sẽ tiếp tục khảo sát bằng kỹ thuật gene môi trường.
Rùa Hoàn Kiếm có nguy cơ sẽ bị bắt
Phát hiện có dấu hiệu của rùa hiếm vào ngày 12/4 nhưng trước đó 1 ngày, chủ hồ Xuân Khanh đã thuê người quây lưới đánh cá trên diện rộng. Phương thức này khiến rùa gặp rủi ro mắc vào lưới và bị bắt.
Đại diện ATP (áo xanh) và nhóm ngư dân thấy dấu hiệu của rùa Hoàn Kiếm trong khu vực quây lưới nhưng rùa không nổi lên (Ảnh: Vnexpress)
Lo ngại điều này, phía ATP đã bày tỏ mong muốn chủ hồ sẽ giúp đỡ để bảo tồn loài rùa này. Trong trường hợp rùa đã bị vây bắt, rùa có thể được đưa đến khu bán hoang dã an toàn hơn trên hòn đảo ở hồ Đồng Mô - khu vực tiềm năng và có thể phát triển thành sinh cảnh bán hoang dã của rùa Hoàn Kiếm. Còn nếu vẫn ở trong hồ, sẽ bảo vệ rùa tại chỗ giống như từng làm ở hồ Đồng Mô, đồng thời ATP sẽ đánh giá các yếu tố đe dọa đến sinh cảnh sống của hồ và rùa, như xét nghiệm chất lượng nước, giới tính. Nếu cùng giới tính, tổ chức sẽ tiếp tục tìm kiếm các con khác.
Trao đổi với Vnexpress, ông Lê Trung Tuấn - chủ hồ cho hay phía quản lý hồ Xuân Khanh rất ủng hộ việc bảo tồn loài rùa quý hiếm này. "Chúng tôi sẽ cố gắng và có trách nhiệm bảo vệ rùa", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Tuấn, không nên đưa rùa về Đồng Mô bởi ở đó đang bị ô nhiễm, nhưng nếu để trong hồ Xuân Khanh thì cũng lo ngại ảnh hưởng xấu từ bãi rác thải gần đó. Vì vậy, ông cho rằng cần sự vào cuộc của nhà bảo tồn và quản lý.
Loài rùa hiếm và có tập tính bí ẩn
Loài rùa Hoàn Kiếm có tên khoa học là Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) được xem là loài rùa nguy cấp, quý, hiếm nhất thế giới. Đây cũng là loài rùa nổi tiếng nhất Việt Nam. Cá thể rùa vừa được phát hiện đã nâng số lượng rùa Hoàn Kiếm hiện có trên toàn thế giới lên con số 4 ít ỏi.
Loài rùa đặc biệt này đã từng được tìm thấy tại hầu hết các khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các các thể rùa lớn với trọng lượng cơ thể có thể đạt đến trên 150kg đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970 và 1980, cho đến tận những năm cuối của thập niên 1990.
Tháng 1/2016, “cụ” rùa khổng lồ, cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng sống tại hồ, với tuổi thọ ước tính hơn 100 tuổi đã ra đi. Rùa Hoàn Kiếm được tin rằng đã gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Các nhà khoa học cho biết loài rùa này có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường sử dụng phần lớn thời gian của mình ở các vùng nước sâu. Điều này khiến cho việc định dạng các cá thể được ghi nhận, có thể chỉ một cá thể duy nhất, là vô cùng khó khăn và tốn thời gian.
Tổng hợp