Trong thế giới côn trùng hiện nay, chỉ có khoảng 100 loài là có hút máu động vật, điển hình nhất là muỗi. Thông thường, chỉ muỗi cái mới hút máu trong khi muỗi đực chủ yếu hút nhựa cây. Mới đây, khoa học vừa phát hiện ra gen tác động khiến muỗi trở thành kẻ hút máu đáng sợ giết chết hàng triệu người trên thế giới.

Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Princeton đã tiến hành nghiên cứu về loài muỗi nhằm mục đích ngăn chặn sự nguy hiểm của chúng. Theo báo cáo trên tạp chí khoa học Nature, nhóm nghiên cứu sử dụng muỗi Aedes aegypti – hay còn gọi là muỗi vằn, một loài cực kì phổ biến và gây ra hàng loạt các căn bệnh trên thế giới hiện nay như sốt xuất huyết, sốt rét…
Để thực hiện, các nhà khoa học chia muỗi Aedes aegypti ra thành hai môi trường sống: một ở trong rừng vắng (cách li với con người) và một sống ở môi trường nhà ở. Hai môi trường nằm khá xa nhau nhằm hạn chế sự giao phối giữa chúng.

Sau một thời gian nhất định, nhóm đã thu thập các mẫu vật và qua phân tích, nhóm phát hiện ra rằng muỗi rừng thích hút máu các động vật rừng trong khi muỗi nhà lại “thích” hút máu ở người.
Tiếp tục phân tích, nhóm phát hiện một gen chi phối khả năng hút máu ở người trên muỗi mang tên Or4. Or4 chính là gen giúp muỗi biết mùi để hút máu. Hơn thế, Or4 phản ứng mạnh với sulcatone – chất gây bốc mùi trên cơ thể chúng ta. Nghiên cứu sâu hơn, nhóm cũng phát hiện được gen này có tới 7 “phiên bản” khác nhau và 3 trong số đó rất nhạy cảm và phát triển mạnh hơn khi ở gần con người.
Cuối cùng, nhóm kết luận rằng chính Or4 là nguyên nhân khiến muỗi nhà thích hút máu người hơn là muỗi rừng.

Các nhà khoa học kì vọng, nghiên cứu này sẽ giúp con người có thể “kiểm soát” tốt hơn về loài muỗi, đặc biệt là chế tạo các loại thuốc ngăn chặn sự sinh sôi của loài độc hại này. Theo thống kê, hàng năm có hàng chục triệu người ở châu Phi, Nam Mỹ… và phần lớn châu Á bị chết hoặc nhiễm bệnh bởi loài muỗi.