Trong những ngày vừa qua, rô-bốt thám hiểm tự hành mang tên Curiosity do NASA chế tạo đã liên tục gửi về những hình ảnh quý giá, trong đó có cả các “sinh vật lạ ngoài hành tinh”. Vậy thực chất chúng là gì?
Hình ảnh được cho là "kim tự tháp" trên sao Hỏa.
Những ngày qua, rất nhiều người đã phấn khích trước những “người phụ nữ bí ẩn”, “sinh vật lạ”, “bộ xương”… được tìm thấy trên sao Hỏa. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã giải thích rằng "đây thực chất do hiện tượng mang tên pareidolia gây ra".
Theo đó, thuật ngữ pareidolia xuất phát từ cụm từ ghép của tiếng Hy Lạp gồm para (có ý nghĩa “lầm tưởng”) và eidolon (mang nghĩa “hình ảnh, hình dạng”). Không chỉ cảm nhận được hình ảnh, pareidolia còn có thể cảm nhận được âm thanh.
Một số hình ảnh "sinh vật ngoài hành tinh" mới nhất được phát hiện trên sao Hỏa.
Các nhà khoa học cho biết, pareidolia có thể hiểu một cách đơn giản là hiện tượng xuất hiện khi ta nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe được âm thanh, khi đó trí não sẽ sự quen thuộc và liên tưởng đến sự vật, âm thanh khác trong khi thực tế không hề có.
Đã có rất nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu hiện tượng pareidolia, từ đó, nhiều giả thuyết cũng được đưa ra. Tuy nhiên, chỉ số ít được chấp nhận và trong số đó có giả thuyết của Carl Sagan – nhà vật lí, thiên văn học người Mỹ.
Theo Sagan viết trong cuốn sách của mình: “Từ rất xưa, con người đã biết xác định nguy hiểm ở khoảng cách xa, hoặc trong điều kiện tầm nhìn hạn chế. Đây là điều kiện sống còn, và nếu không làm điều đó, họ sẽ bị tấn công, bị sự nguy hiểm đe dọa”. Và đôi khi, họ “bỏ chạy không lí do để bảo toàn mạng sống dù thực tế không có nguy hiểm”.
Sagan nhấn mạnh rằng khi đó, một gen quy định khả năng đề phòng nguy hiểm trên được sinh ra và duy trì cho các thế hệ người tiếp theo đến ngày nay. Từ đó, có nhiều hình ảnh, sự vật trừu tượng sẽ bị gen chi phối, từ đó “tưởng tượng” ra một sự vật khác không có thực.
Một đám mây có hình mặt người.
Để dễ hiểu hơn, ta lấy việc ngắm mây làm ví dụ. Trên bầu trời, mây chỉ là hơi nước, nhưng khi nhìn lên, đôi khi trí tưởng tượng của trí não sẽ khiến bạn nhìn thấy mặt người, sư tử… và các hình dạng lạ khác. Nhưng thực chất, hơi nước vẫn là hơi nước và không có gì thay đổi.
Thực chất, sao Hỏa chỉ có đất đá.
Áp dụng giả thuyết của Carl Sagan, ta có thể tạm kết rằng: trên sao Hỏa chỉ có đất đá và các hình thù kì dị mà thực chất đều do chính chúng ta “tưởng tượng” ra. Dù vậy, để có thể kết luận chính xác cần phải đợi những hình ảnh rõ nét hơn, hoặc có một ai đó đặt chân lên sao Hỏa để kiểm chứng.
Mars Science Laboratory (MSL) là một sứ mạng thăm dò sao Hỏa bằng rô-bốt do cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA phát động vào ngày 26 tháng 11 năm 2011. Nhiệm vụ của MSL là đưa phương tiện thăm dò Curiosity lên bề mặt hành tinh đỏ vào ngày 6/8/2012. Curiosity sẽ đáp lên lòng hố tròn Gale Crater vào khoảng thời gian 5g31 giờ UTC (12:31 giờ Việt Nam). Mục tiêu của Curiosity bao gồm kiểm định sự sống trên sao Hỏa, nghiên cứu về khí hậu, địa chất học vũ trụ và thu thập dữ liệu dành cho các sứ mạng thăm dò có con người trong tương lai. Từ năm 2012 đến nay, Curiosity đã gửi về Trái đất rất nhiều hình ảnh quý giá về bề mặt sao Hỏa, trong đó có cả những hình ảnh “gây hiểu lầm” như đã đề cập. |