Càng về cuối năm, giá thịt lợn trong nước càng có xu hướng tăng mạnh chóng mặt. Kể từ tháng 11 đến nay, ngày nào người dân cũng chứng kiến cảnh biến động của giá thịt lợn, không tăng ít thì cũng tăng nhiều làm nhiều người thực sự quan ngại.
Các cửa hàng vỉa hè đồng loạt tăng giá.
Phải tăng giá thì mới có thể hoạt động được
Từ hồi đầu tháng 11 đến nay, giá thịt lợn tại các khu chợ dao động từ 150.000 đồng - 160.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước. Đáng nói hơn cả là thịt ba chỉ lên đến 230.000 đồng/kg và sườn non là 280.000 đồng/kg. Mức giá kỷ lục, chạm đỉnh trong suốt 5 năm qua khiến nhiều người dân không khỏi bàng hoàng và nhạy cảm với giá cả hơn, trong đó có cả những chủ hàng ăn.
Trước bài toán giá thịt lợn tăng, những người mở quán ăn phải cân nhắc làm sao để cân đối, nếu bớt thịt thì sẽ giảm chất lượng mà tăng giá quá cao thì mất khách. Trong khi thịt thì khan hiếm, giá mỗi ngày leo thang nên những người chủ quán ăn đành phải treo biển thông báo “tăng giá thực đơn”. Phần là vì để khách hàng thích nghi dần, phần vì muốn mọi người có thể thông cảm vì tăng cùng lúc 5.000 - 10.000 đồng/suất cho sinh viên và dân văn phòng là điều không hề dễ dàng.
>>> Xem thêm: Hết thịt lợn đến thịt bò, tôm cá "dắt tay nhau" tăng giá
Chủ quán chia sẻ phải tăng giá thì cửa hàng mới sống được.
Nhiều cửa hàng ở Hà Nội phải đưa ra thông báo tăng giá "để cửa hàng có thể tiếp tục hoạt động". Đại diện của quán nói: "Thịt lợn tăng giá quá cao, cộng thêm một số chi phí cũng tăng theo dịp cuối năm nên ít người ăn hơn trước. Mọi khi một suất bún chả đầy đủ chỉ bán từ 30.000 đồng, nhưng nay phải tăng thêm 5.000 đồng. Chúng tôi đã có thông báo dán ngay trên tường để khách hàng nắm được và thông cảm cho chúng tôi".
Những người chủ tiệm bánh mì, nơi có nguyên liệu chính từ lợn như pate, thịt, chả giò,... thì như ngồi trên đống lửa. Mặc dù đã tăng giá bánh lên 5.000 đồng nhưng chủ quán cho biết giá đó chưa ăn thua so với mức tăng chóng mặt của thịt lợn hiện nay.
>>> Xem thêm: Hủ tiếu, cơm tấm ào ạt tăng giá theo thịt heo, người dân ngao ngán
Việc tăng giá có thể khiến khách hàng, chủ yếu là các bạn sinh viên khó lòng chấp nhận được.
Sinh viên, dân văn phòng điêu đứng trước bão giá
Không chỉ những người chủ quán mà các bạn sinh viên, dân văn phòng cũng là người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá thịt lợn tăng. Trước cổng trường đại học, 1 quán ăn đã phải treo biển "Do giá thịt lợn tăng quá cao, từ 14/11 quán bắt đầu bán 25.000 đồng/suất". Chủ quán chia sẻ chị cũng đắn đo trước quyết định này vì khách chủ yếu là sinh viên.
“Từ giữa tháng 11, giá thịt tăng quá cao, chúng tôi không thể "cầm cự" hơn nữa nên buộc phải tăng. Mỗi ngày, hầu hết khách hàng đều là sinh viên tìm đến quán, chúng tôi tăng giá bún nhưng miễn phí nước uống để "xoa dịu" phần nào thực trạng này", chủ quán chia sẻ.
Người bị ảnh hưởng trực tiếp là các bạn sinh viên, vốn là những người rất nhạy cảm với giá cả.
Trước bão giá, các bạn sinh viên cũng phải có diệu kế để cứu lấy chính mình:
“Giá cứ tăng như thế này thì có lẽ em sẽ chuyển qua thực phẩm nào giá tốt hơn như trứng, thịt gà thay vì ăn bún hoặc bánh mì như bây giờ.”
“Sinh viên tụi mình thì kinh tế vẫn đang phụ thuộc gia đình nên không thể tiêu quá đắt đỏ, mà giá thịt lợn tăng chóng mặt như vậy thì có lẽ phải đi tìm thứ khác thay thế thôi. Cũng có nhiều đồ ăn không có thịt lợn mà, nên mình nghĩ sẽ không khó khăn lắm.”
Còn dân văn phòng và các bà nội trợ cũng chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ của việc bão giá.
“Hôm qua tôi đi ăn bánh mì, giá tăng 5.000 đồng mà chất lượng chỉ lèo tèo vài miếng thịt nên khá thất vọng và cũng sốc nữa.”
“Mình làm từ sáng đến chiều không về nhà nên chủ yếu phải ăn cơm bụi. Dạo gần đây đọc báo thì mình thấy giá cả tăng chóng mặt, phần ăn của mình cũng lên 35.000 - 40.000 đồng/ suất nhưng cũng hợp lý thôi."
“Ngày trước đi chợ, gia đình mình thường ăn 400 - 500g thịt/ngày thì nay mình giảm xuống 200 - 300g là đủ rồi, bớt thịt 1 chút thì sẽ tăng trứng hay thực phẩm khác để cân đối. Vì chi tiêu gia đình cố định nên không thể giá tăng mà vẫn mua nhiều được.”
>>> Xem thêm: Giá lợn tại miền Bắc tăng chóng mặt, thịt gà "hùa theo" leo thang
Những người nội trợ và dân văn phòng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Giá thịt lợn những tháng qua đang khiến cho nhiều người điêu đứng, choáng váng. Nhiều người đã phải thay đổi nhu cầu, thói quen để thích nghi trước tình trạng bão giá. Dự báo, giá thịt lợn vẫn sẽ còn tiếp tục điều chỉnh từ giờ đến Tết Nguyên Đán.
Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn về bài viết cho YAN nhé!
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Giữa thời điểm bão giá thịt lợn, làm thế nào để cân bằng chi tiêu mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng của bữa ăn?
Giảm lượng thịt lợn: Nếu trước đây gia đình bạn tiêu thụ khoảng 500g thịt/ngày thì bạn có thể giảm khối lượng ấy xuống để có thể đảm bảo phần chi tiêu cố định cho thực phẩm cho gia đình không bị thay đổi hay thiếu hụt.
Tìm các thực phẩm thay thế: Ngoài thịt lợn bạn vẫn có thể tìm các thực phẩm thay thế như thịt gà có giá 100.000 - 120.000 đồng/kg hay các loại cá. Bên cạnh đó bạn có thể đổi món với thịt bò và tăng lượng rau xanh trong bữa ăn. Việc này sẽ giúp bữa ăn của bạn được thay đổi không gây nhàm chán mà vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng.
Chọn địa điểm bán uy tín: Vì thịt lợn đang khan hiếm và giá cả tăng cao, bạn nên chọn những địa điểm mua hàng bình ổn giá, uy tín và đảm bảo chất lượng để tránh mua phải thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc mà giá vẫn cao ngất ngưởng.
Cùng khám phá thêm những bí kíp khác để trở thành những người tiêu dùng thông minh >>> TẠI ĐÂY