GATO đã bắt đầu được sử dụng từ năm 2009-2010 và ngày nay nó được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng mạng, vậy nguồn gốc của nó là từ đâu?
Ngày nay, đời sống Internet ngày càng phát triển mạnh mẽ và sống động hơn bao giờ hết và cư dân mạng hay cộng đồng mạng cũng từ đó mà hình thành, bàn phím chính là công cụ để mọi người giao tiếp với nhau. Từ đây các “anh hùng bàn phím” vô tư “chém gió” với nhau và họ đã sáng tạo ra rất nhiều từ ngữ mới mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu, không hề có mặt trong từ điển Việt Nam.
Điển hình và nổi tiếng nhất có lẽ là từ GATO, ban đầu, nhiều người không rõ ý nghĩa và phải nhờ đến “anh Google”, nhưng sau này nhờ sự phổ biến rộng rãi mọi người đã ngầm hiểu, GATO hiểu nôm na là sự ghen tị, ghen tức không bao giờ công nhận tài năng người khác, không công nhận cái của người khác là tốt, đẹp hơn của mình. Ngoài ra, GATO còn có nghĩa là không đồng ý, tán đồng với hành động hay việc làm của một ai đó.
Nhiều người đồng ý và cho rằng GATO là viết tắt của “Ghen ăn tức ở”, một số ý kiến còn nói GATO là “Gà Tồ”: một giống gà to cao nhưng rất ít lông và chậm chạp, mang một ý nghĩa không mấy tốt đẹp.
Ai là người nghĩ ra từ GATO? Khó mà xác định ai là người sử dụng từ này đầu tiên. Do muốn gõ nhanh nên một cư dân mạng đã gõ tắt và vô tình được một từ khá thuận tai và còn mang một ý nghĩa khác, GATO là tên gọi của loại bánh của Pháp, thường được gọi là bánh kem, bánh sinh nhật, có lẽ vì vậy mà GATO ngày càng được sử dụng rộng rãi.
“Văn hóa” GATO
Nếu trong xã hội hiện đại có văn hóa ứng xử thì trong đời sống online lại có “văn hóa GATO”, bất kể vấn đề nào đều có thể được đem ra bàn luận, mổ xẻ, điều đáng nói ở đây là những cuộc bàn luận không hồi kết này diễn ra một cách bất kiểm soát, đỉnh điểm là những vụ “ném đá” tập thể cho những cá nhân nào bốc đồng, thích thể hiện thái quá.
Đã gọi là “văn hóa GATO’’ thì mọi thứ chỉ nên diễn ra trong khuôn khổ bàn luận, đánh giá để “rút kinh nghiệm lần sau’’, sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai thích thể hiện một cách thái quá, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội khi mình đang là một phần tử trong cộng đồng đó.
Nhưng, người ta thường có câu “Trời không bao giờ phụ lòng người” vậy cớ sao người với người lại phụ lòng nhau, GATO chắc chắn ít nhiều gây tổn hại đến tinh thần của con người, khiến con người ngày càng sống thu mình, xa rời với cộng đồng, ảnh hưởng không tốt đến đời sống và xã hội.