Chỉ 5000 đồng một tô cháo lòng, nhưng quán cháo không tên này đã có hơn 40 năm tuổi, gắn bó với biết bao thế hệ người dân Sài Gòn. Hương vị thơm ngon, thấm đẫm tình người chính là điều khiến tô cháo ấy trở nên gần gũi với người dân.
Hàng cháo "không tên" kéo dài cả 2 thế hệ
Quán cháo 5000 đồng nằm nép mình trên con đường Nguyễn Hữu Hào lúc nào cũng tấp nập người ra vào quán
Quán cháo nằm nép mình khiêm tốn trong con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4, ấy thế mà tính đến nay nó đã trải qua hơn hai thế hệ. Tuy chỉ là một quán cháo nhỏ nằm ven đường, nhưng suốt mấy chục năm qua chính cái hương vị thơm ngon, gần gũi của tô cháo đã khiến biết bao thực khách gần xa lui tới. So với cái giá 5000 đồng, quả thật, tô cháo ấy quá tuyệt vời!
40 năm trước, giá một tô cháo chỉ tầm hai ba trăm đồng. Vẫn chiếc tô đá bình dị, vẫn vị cháo đặc biệt ấy, nay giá của một tô cháo đã lên 5.000 đồng nhưng so với mức sống hiện nay thì đó là một cái giá quá bình dân cho một tô cháo ngon và chất lượng như vậy. Được biết trước đây quán mở ra chủ yếu phục vụ cho những người lao động với ý nghĩa vô cùng tình người là mong họ có được bữa no mà tiếp tục mưu sinh. Giờ đây, trải qua gần nửa thế kỉ, quán cháo cô Hồng vẫn ngày ngày miệt mài phục vụ cho vô số người lao động khó khăn.
Cứ mỗi sáng sớm, con đường nhỏ lại xôn xao tấp nập bởi gánh cháo của cô Thu Hồng (49 tuổi, quê gốc Kiên Giang). Chỉ với vài tấm màng che tạm bợ nhưng ngăn nắp, cái bàn gỗ cũ kĩ cùng tủ kính nhỏ, sát bên cạnh là một nồi cháo cao, đầy ắp cháo bên trong, khói vẫn đang nghi ngút nhưng quán chẳng lúc nào ngớt khách. Cái quán nhỏ, bình dị mà người vào kẻ ra lúc nào cũng nườm nượp, xúm xít, quây quần bên nhau ấm áp như chính tấm lòng của người chủ quán vậy.
Quán tuy nhỏ, nhưng cứ mỗi sáng lại trở thành nơi tập trung của bà con, lối xóm, cả những người ở rất xa tìm đến thưởng thức bát cháo lòng ấm nóng.
Bát cháo thơm ngon, đậm vị với ít huyết và da heo béo ngậy, hoà cùng mùi thơm thoang thoảng của gừng tươi và hành lá.
Nhìn chén cháo đơn giản là vậy nhưng trong đó chứa đựng biết bao công sức và tâm tư của người nấu ra nó.
Cô bảo công thức nấu cháo này được truyền lại từ thời mẹ chồng cô lận, ngày nào cũng nấu 6kg gạo, cũng bấy nhiêu đường, bấy nhiêu muối cùng huyết và da heo. Vị cháo ngọt nhẹ, thơm thơm bởi sự hòa quyện của hành ngò, ớt và ít gừng. Miếng huyết lại mềm mịn ngọt ngào, da heo dai dai vị beo béo ăn kèm với ít giò cháo quẩy nóng thơm mùi bột. Tất cả như tan vào nhau tạo nên tô cháo mà ai đã một lần được thưởng thức sẽ cả đời chẳng quên.
Giò cháo quẩy theo cách gọi của người Nam Bộ ăn kèm với cháo lúc nào cũng nóng hổi, còn thơm vị dầu hoà lẫn với vị bột.
Dù đã có hơn 40 năm "tuổi đời" nhưng vị cháo vẫn như những ngày đầu, cũng cái chén đá truyền thống nhỏ xíu cùng cái muỗng nhôm, bên trong chứa tầm một giá cháo đầy với mấy miếng huyết giòn dai, ít da heo beo béo, cùng quyện với hương thơm nồng nồng của gừng, ít hành ngò, tỏi ớt để tô cháo thêm đậm vị.
Cô Hồng (áo đỏ) là người "nối nghiệp" hàng cháo giá 5.000 đồng tại Sài Gòn.
Tôi hỏi cô rằng ngày nào cô cũng bán thế này có vất vả lắm không và vì sao cô chỉ bán đến tầm 9h thôi thì cô cười hiền bảo: "Cực thì có cực thiệt, nhưng được cái vui con ơi, ngày nào cô không ra đây bán thì thấy trong người buồn lắm, với cũng sợ mấy người lao động qua không có mình lại không biết có gì để "nhét" bụng. Mà tháng cô cũng nghỉ 2 ngày. Giờ cũng có tuổi nên gắng không nổi nữa chỉ bán đến 9h được thôi". Nhìn nụ cười tươi rói tràn ngập hạnh phúc trên gương mặt cô có lẽ ai ghé quán cũng cảm thấy vui lây. Dường như mỗi người đến với quán cháo lòng này cô không chỉ coi là khách mà còn coi họ như người thân trong gia đình, cô quan tâm mọi người từ những điều nhỏ nhặt nhất và đón khách vào ra bằng sự nhiệt tình, trân trọng từ tận đáy lòng.
Cô Thu Hồng lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở nhiệt tình với thực khách
Một gia đình cùng góp "nụ cười" để làm ấm lòng người Sài Gòn
Không chỉ tươi cười niềm nở đón khách, cô Hồng còn nhớ mặt đặt tên hầu hết tất cả khách đến quán mình, cô biết ai không ăn hành, không ăn tiêu, hay người thì thích huyết nhiều không ăn được da heo,... cô nhớ hết thảy. Miệng tươi cười mà tay chân cứ thoăn thoắt, vừa bỏ giá, rồi múc cháo, thêm hành ngò, "điêu luyện" chẳng kém gì "người nghệ sĩ".
Chính vì lúc nào cô cũng nở nụ cười nên cái tên "Gánh cháo nụ cười" cũng từ đó mà ra
Cứ một giá cháo là xấp xỉ đầy chén, cô canh hay lắm, mọi việc như được cô "lập trình" sẵn vậy
Khi được hỏi về những người bán giúp, cô thật thà: "Đều là người trong gia đình cả, chứ nếu mướn người phụ thì đâu lời được bao nhiêu". Hôm trước tôi ghé thì quán có đến 5, 6 người phụ, già trẻ đều có, mỗi người mỗi việc từ dẫn xe, bưng bê, thu tiền rửa bát mỗi khâu đều có một thành viên đảm nhận, ai cũng tay chân thoăn thoắt, không ai bảo ai mà tự hoàn thành tốt công việc của mình. Bận rộn là thế, nhưng trên mặt ai cũng nở nụ cười.
Anh dẫn xe vui tính và hay đùa, phụ trách việc xe cộ và bưng bê ở gánh cháo
Cô con gái xinh đẹp của cô Hồng cũng xuống bán phụ mẹ
Chính vì sự vui vẻ và niềm nở của cô Hồng đã trở thành thứ gì đó rất đặc biệt mỗi khi người ta tìm đến hàng cháo. Ngay cả những người phụ việc xung quanh cô cũng vui vẻ lạ thường
Cậu cháu trai của cô tranh thủ những ngày nghỉ ra phụ bưng bê và các việc vặt
Cô chia sẻ do dịp hè các cháu cô đều rảnh nên phụ cô, đứa việc này đứa việc kia, mọi việc cứ như được cài đặt vào hệ thống, tuy không ai quản ai nhưng công việc luôn diễn ra trôi chảy để mỗi tô cháo nghi ngút khói được trao đến tay thực khách. Bận rộn có, mệt mỏi có nhưng không ai cáu gắt, ai cũng hiền lành, niềm nở.
Tôi hỏi vui cô rằng, cô "chiêu dụ" thế nào mà cả gia đình đều ra phụ, "chắc cô trả công cho mọi người nhiều lắm". Cô cười sảng khoái: "Tiền đâu mà trả công con ơi, người thân thấy cô cực quá nên ra mỗi người một tay một chân để bán cho nhanh, chứ mình cô thì đâu làm xuể. Còn tiền công là hai tô cháo mỗi ngày đó con. Tụi nó thèm cháo cô nấu lắm, ngày nào cũng ăn mà có biết ngán đâu. Đặc biệt là con bé này nè, nó ăn cháo cô từ nhỏ tới lớn mà thân hình ú nu vậy đó, mà nó nhỏ nhưng giỏi lắm, ngày nào cũng thức từ 5h sáng để bưng bê bàn ghế phụ cô".
Chân dung cô cháu gái siêu dễ thương và vô cùng giỏi giang rất thích ăn cháo
Chia sẻ chân chất nhưng bình dị ấm ấp, khiến tôi nôn nao đến khó hiểu. Khó hiểu là vì sao người nhà cô có thể giúp đỡ cô mà không đòi hỏi đồng lương nào. Khó hiểu vì sao học lại có thể cùng nhau chia sẻ mọi vất vả để duy trì gánh cháo này hơn 40 năm qua. Phải chăng mục đích chung cũng chỉ là để có bữa ăn cho người lao động trong lúc vật giá đang leo thang khiến cái no đối với người lao động nghèo lại càng khó khăn hơn. Dường như việc "người ta no" đã trở thành niềm vui trong cuộc sống của họ, để họ có đủ sức lực và ý chí duy trì gánh cháo này.
Quán mở bán từ lúc chạng vạng sáng rồi rất nhanh người tới ngồi ăn và mua về. Chỉ sau khoảng ba giờ đồng hồ là hết sạch, ngày nào cũng thế, người người lũ lượt tìm đến quán cháo của cô Hồng để có thể thưởng thức được những tô cháo chất lượng, thơm ngon, bổ rẻ. Phần đông thực khách của quán đều là những người lao động, họ tìm đến và trở thành khách quen của quán bởi giá cháo phù hợp với túi tiền mà còn no bụng.
Người già, trẻ nhỏ đều không cưỡng lại được vị cháo đặc biệt nơi đây.
Nhưng không chỉ vì tô cháo 5000 đồng mà có nhiều khách đến và trở thành thân quen như thế, nguyên nhân để nhiều người luôn lui tới quán cháo này là còn bởi sự thân thiện, nhiệt tình của cô chủ quán. "Nói cháo ở đây ngon như sơn hào mỹ vị thì cũng không phải, mà tại bà chủ bã dễ thương lắm con à, cô ăn ở đây cùng gần chục năm rồi, cứ ngày nào không qua là thấy nhớ mùi cháo với nhớ bà Hồng nữa. Bà này người miền Tây nên vui tính mà tốt bụng lắm con, nên cô như nghiện cháo đây rồi", một người khách quen của cô Hồng tâm sự.
Thật vậy, tuy chỉ mới tiếp xúc với cô trong vài phút ngắn ngủi, nhưng tôi cũng bị thu hút bởi sự nhiệt tình và nụ cười ấm áp của cô. Những lúc khách đông mệt quá, cô lại buông mấy câu trêu đùa: "Sáng giờ cô chưa ăn gì, giờ khách đông chắc cô tuột huyết áp quá con ơi". Bảo sao mà nhiều khách hàng bị níu chân bởi tô cháo của cô đến thế.
Người lao động xem nơi đây là điểm đến đầu tiên để bắt đầu chuỗi hành trình mưu sinh của mình
Ai nấy đều chăm chú vào tô cháo nóng hổi thơm lừng.
Cả gia đình cùng nhau thưởng thức vị cháo quen thuộc.
Tô cháo 5000 đồng mãi ấm nóng trong lòng người dân Sài Gòn
Không bảng hiệu, không bàn ăn, chỉ vài ba cái ghế bé xíu, liêu xiêu vậy mà hàng cháo ven đường này chưa sáng nào ngớt khách. Khách quen có, lạ có, giàu có, nghèo cũng có, quán cháo dường như không kén khách. Đến với nơi đây, mọi cấp bậc, cương vị đều được bỏ qua khi người ta cùng ngồi xuống thưởng thức cháo cô Hồng nấu, chỉ còn lại duy nhất cái tình - một trong những thứ mỹ vị chứa trong cái chén đá 5000 đồng. Người thì có cái lót dạ để tiếp tục vất vả, còn người có điều kiện tốt hơn thì xem đây là nơi để họ tìm lại khẩu vị bình dị thân thuộc.
Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng "thương hiệu'' cháo cô Hồng vẫn luôn giữ cho mình một dư vị riêng không lẫn vào đâu được. Trong một lần tình cờ ghé quán, bất giác tôi hỏi sao cô không tăng giá cháo lên 8.000 hay 10.000 chứ giá chỉ 5.000 vậy, cô có lời không. Nhưng cô xua tay nhẹ nhàng: "Tăng chi con ơi, bán 5.000 đảm bảo đủ một ngày hai nồi cơm cho gia đình là cô vui rồi, chứ tăng lên rồi thì người lao động lấy chi mà ăn con".
Câu trả lời giản dị ấy khiến tôi thương đến lạ. Không chỉ thương vị cháo ngon ngọt, cái ghế súp, cái bát đá, muỗng nhôm truyền thống mà còn thương vì trong hàng trăm thứ cao lương mỹ vị giữa Sài Gòn, gánh cháo cô Hồng 40 năm nay ở đó chỉ đơn giản là để người ta no lòng ấm bụng mà tiếp tục đứng vững trong cuộc mưu sinh khốc liệt này.
Photo: Mẫn Nghi