Gần 30 tài xế, tiếp viên bị kẹt tại bến xe Đại học Quốc gia

20:17 13/12/2021

Từ khi dịch bắt đầu nghiêm trọng, ai cũng ồ ạt rời Sài Gòn bỏ về quê, ở bến xe buýt này đã hơn 5 tháng rơi vào im lặng. Anh Quy là tài xế xe số 8 vì không đủ tiền đóng tiền trọ, anh quyết định trả phòng và xin được ở nhờ trên xe cầm cự qua ngày.

Vợ anh đi làm bị giữ lại công ty, một thân anh phải chăm sóc và lo từng bữa ăn cho hai cha con. Anh chia sẻ: "Nhiều lúc con nó đòi đi chơi mà mình không đưa con đi được cũng tội thằng nhỏ, mà kiểu dịch vậy nên chỉ biết dắt con đi vòng vòng bến xe”.

 
Xe bus là mái nhà của 2 cha con anh Quy suốt 5 tháng dịch.
Xe bus là mái nhà của 2 cha con anh Quy suốt 5 tháng dịch.

 
Tài xế, tiếp viên ở bến xe phải tìm việc làm thêm để có thu nhập.
Tài xế, tiếp viên ở bến xe phải tìm việc làm thêm để có thu nhập.

Ông Nguyễn Vĩnh Tùng (Quản lý bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết đầu mùa dịch, hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng hỗ trợ cho mỗi tài xế, tiếp viên 1 triệu đồng. "Tuy nhiên, suốt nhiều tháng xe không chạy được, mọi người mất thu nhập nên rất khó khăn. Sau khi địa phương dần mở cửa trở lại, một số anh em bắt đầu kiếm được việc làm trái nghề, công việc thời vụ”.

 Để có tiền mua đồ ăn sống qua ngày họ đã phải xin đi làm thêm bên ngoài, có người thì phụ hồ, có người thì đi chạy xe. Đối với các tài xế, tiếp viên bây giờ chỉ cần có cái để làm, có tiền để chi trả mỗi ngày đã là may mắn lắm rồi.

 
"Giờ mình không hoạt động được thì anh em ở đây, tại vì mình ở đây là cái đuôi của Bình Dương nên người ta ít biết đến mà giúp đỡ"- Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ
"Giờ mình không hoạt động được thì anh em ở đây, tại vì mình ở đây là cái đuôi của Bình Dương nên người ta ít biết đến mà giúp đỡ"- Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ

Ngày 1/10, anh Nguyễn Thành Trung (46 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) về lại bãi để xem xét, bảo dưỡng xe. Với những chủ xe, tài xế góp tiền để mua xe của hợp tác xã như anh Trung, chi phí sửa xe sau dịch là một gánh nặng rất hơn. “Chưa được chạy lại nhưng tôi tính sơ một cặp bình cũng hết 4-5 triệu, thay luôn vỏ xe thì cũng hơn 15 triệu đồng”. Tài xế 46 tuổi bắt đầu chạy xe buýt từ năm 2010. Trong suốt thời gian theo nghề, anh chưa bao giờ trải qua giai đoạn khó khăn như hiện tại. Anh Trung cho hay gia đình mình có 9 người, gồm cha mẹ nội ngoại, vợ chồng anh và 3 đứa con. Sau khi bãi xe phát hiện có 4 F0, anh Trung cũng bị kẹt lại đây. “Vì nhà có người già và trẻ nhỏ nên tôi không dám về, phải ở đây tự cách ly trên xe hơn 2 tuần nay để theo dõi sức khỏe và chờ kết quả xét nghiệm lần 3”.

“Nếu so với anh em tài xế, lơ xe thuê, tôi không khổ bằng đâu. Nhưng là lao động chính trong nhà mà đợt này không đi làm được, kinh tế gia đình cũng lao đao theo. Chúng tôi sống bằng khoản tiền dành dụm trước dịch nhưng giờ cũng không cầm cự thêm được nữa, chỉ mong xe buýt sớm được hoạt động trở lại”.

Hy vọng dịch sẽ nhanh chóng qua đi và một ngày “bình thường mới” sẽ lại bắt đầu với bến xe cũng như những con người khốn khổ mắc kẹt lại tại nơi này.

NHỮNG CHIẾC XE BUÝT TRỞ THÀNH MÁI NHÀ

“Cả đời đi làm, lần đầu tiên tôi thấy bến xe mà như một xóm nhà trọ như vầy“. Câu nói vui của một cô tiếp viên khiến tôi cũng thấy nghẹn ngào. Có lẽ giờ đây với họ lạc quan là thứ cần nhất. Lạc quan mong chờ một ngày tươi đẹp hơn sẽ tới, ngày Sài Gòn thay áo, họ sẽ lại trở về với những bận rộn vốn có của cái gọi là bến xe. Sài Gòn ơi cố lên nhé !