Dịch Covid-19 đã hoành hành trong một thời gian rất dài, gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Gần 1 năm kể từ khi những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên xuất hiện, và nó đã khiến nhiều thứ phải thay đổi.
Covid-19 xuất hiện khiến người dân ở khắp nơi trên thế giới phải quen thuộc hơn với chiếc khẩu trang. (Ảnh: Mirror).
>> Có thể bạn quan tâm: Trong 24h, thế giới ghi nhận có hơn 11.000 người qua đời do Covid-19
Số ca bệnh đã chạm mốc hơn 55 triệu ca
Tại Trung Quốc, thời kỳ đầu bùng dịch, số ca nhiễm tăng lên khá nhanh chóng khi đến ngày 15/12/2019, số ca nhiễm được cho là dừng lại ở 21. Nhưng chỉ 5 ngày sau đó, con số này đã tăng lên tới 60. Ngày 27/12/2019, lượng ca mắc chạm mốc 180 người và những ngày tiếp theo, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã không ngừng tăng.
Nhân viên y tế tại Trung Quốc mặc đồ bảo hộ khi phục vụ người bệnh. (Ảnh: SCMP).
Theo VTC trích dẫn, trong số 9 ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận, không có ai được xác định là “bệnh nhân số 0”. Những người bệnh này nằm trong độ tuổi từ 39-79 và giới chức Trung Quốc cho rằng những ca nhiễm bệnh trước những người này đã không được phát hiện ra.
Hầu hết, các chuyên gia đều nhận định virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Vậy nhưng đến tận bây giờ, người ta vẫn chẳng thể xác định được “bệnh nhân số 0” là ai.
Chợ hải sản ở Vũ Hán được phong tỏa phòng dịch. (Ảnh: China Daily).
Theo số liệu của trang thống kê Worldometers, tính đến hết ngày 17/11/2020, tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 trên thế giới đã chạm mốc 55,6 triệu người. Số ca không qua khỏi vì nhiễm virus SARS-CoV-2 là hơn 1,3 triệu người, còn số bệnh nhân được điều trị khỏi là gần 39 triệu người.
Tại các nước châu Âu, Covid-19 đang dần quay trở lại khiến nhiều quốc gia phải thực hiện lệnh phong tỏa hoặc bán phong tỏa như Pháp, Áo, Đức... Ngay tại trụ sở chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Genave (Thụy Sĩ) cũng đang phải điều tra các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 do chỉ trong 1 tuần qua đã có thêm 5 ca nhiễm mới tại nơi đây.
Nhiều quốc gia trở nên vắng vẻ hơn khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội. (Ảnh: Mirror).
Không riêng gì châu Âu, Mỹ cũng đang vật lộn với Covid-19 do số ca nhiễm mới tại nước này tăng nhanh chóng mặt. Hiện, Mỹ đang là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới, lên tới hơn 11,5 triệu người.
Đối với các nước tại châu Á, công tác phòng dịch vẫn đang được thắt chặt. Một số nước có lượng ca nhiễm tăng nhanh trong tháng 11 vừa qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Còn tại Trung Quốc, nơi bùng phát dịch từ 1 năm trước đến nay đã phần nào khống chế được tình hình, tuy nhiên, những ca nhiễm mới vẫn còn xuất hiện như vào ngày 15/11 vừa qua là 8 ca, trước đó, có ngày còn ghi nhận thêm 21 ca nhiễm mới.
Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm ở Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap).
>>> Xem thêm: Covid-19: Mùa đông năm nay dự báo dịch sẽ rất khốc liệt
Nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện
Sau gần 1 năm Covid-19 xuất hiện, các chuyên gia nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện ra nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2. Theo Viện Nghiên cứu và đổi mới Vương quốc Anh (UKRI), trong một số nghiên cứu hồi đầu dịch đã ước tính có khoảng 30 chủng virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khảo sát trên 30.000 người ở Brazil, các nhà khoa học lại phát hiện hơn 100 biến thể của SARS-CoV-2 khác nhau.
Nhiều biến chủng khác nhau của virus SARS-CoV-2 được phát hiện. (Ảnh: EC).
Trong suốt thời gian qua, nhiều quốc gia đã báo cáo về việc phát hiện chủng mới của virus SARS-CoV-2, đó là Malaysia, Singapore và gần đây nhất là Nga. Theo Straits Times, tại Malaysia đã phát hiện ra biến thể của virus SARS-CoV-2, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với chủng virus bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Tháng 8/2020, các nhà nghiên cứu Singapore cũng phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn.
Mới đây, tại Nga, giới chức y tế nước này cho biết họ đã phát hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Siberia. Chia sẻ thêm về thông tin biến chủng mới này, người đứng đầu cơ quan Giám sát, Bảo vệ sức khỏe và Quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) chỉ cho biết, biến thể mới không làm virus trở nên nguy hiểm hơn.
Nhân viên y tế ở khắp nơi vẫn đang từng ngày nỗ lực cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19. (Ảnh: Reuters).
>>> Xem thêm: Triệu chứng mới của Covid-19: Xuất hiện nốt sưng màu đỏ, trắng
Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng vào cuộc, điều chế vaccine ngừa bệnh và dần có những dấu hiệu khả quan. Hi vọng trong thời gian tới, trước khi vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả thì mọi người vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, ngăn chặn nguy cơ lây lan virus.
VACCINE COVID-19 DO ĐỨC, MỸ SẢN XUẤT ĐẠT HIỆU QUẢ ĐẾN 90%
Mặc dù có nhiều quốc gia và nhà sản xuất dược đầu tư vào việc nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19, song đến nay mới chỉ một vài loại cho kết quả khả quan.
Theo đó, các tập đoàn dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã cho thử nghiệm vaccine trên người ở giai đoạn 3.
Đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc thử nghiệm và mức độ hiệu quả của vaccine này lên tới hơn 90%.
Điều này cũng cho thấy những kết quả khả quan, rằng vaccine của 2 doanh nghiệp này có thể ngăn ngừa được virus gây dịch Covid-19.