Theo tình hình này thì mặt hàng trên 1 triệu đồng có thể bị đánh thuế, mặt hàng dưới 1 triệu đồng cũng "chạy không thoát".
Thông tin nhà nước sẽ đánh thuế các hoạt động thương mại điện tử theo mức doanh thu, điển hình nhất là các hình thức bán hàng qua facebook đã rầm rộ từ đầu năm nay. Thế nhưng có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Bởi làm sao để rà soát được hết các cửa hàng đang hoạt động trên facebook hoặc làm sao để biết được doanh thu mỗi cửa hàng là bao nhiêu để mà đánh thuế? Đó là lý do nhiều chủ shop vẫn đang dửng dưng trước quy định mới này.
Thế nhưng, để thể hiện quyết tâm triển khai việc đánh thuế các hoạt động thương mại điện tử, các chi cục thuế ở Tp HCM và cả Hà Nội đều đã có động thái thực hiện khá tích cực và nhanh chóng. Cụ thể là vào đầu tháng 6, các chi cục thuế tại Tp HCM cũng đã gửi thư mời nhiều chủ cơ sở kinh doanh trên facebook (cụ thể là khoảng 13.500 tài khoản) đến làm việc để thực hiện kê khai nộp thuế. Ở Hà Nội, tình hình cũng diễn ra tương tự khi có 13.400 người kinh doanh trên facebook nhận được tin nhắn hướng dẫn nghĩa vụ đăng ký và kê khai thuế.
Chi cục thuế TpHCM và Hà Nội đã "sờ gáy" gần 30.000 chủ shop online.
Đặc biệt, mới đây Bộ Tài Chính vừa lấy ý kiến Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi và có nhiều đề xuất mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đã được đề ra.
Trong đó, điểm nhiều người quan tâm nhất và có lẽ cũng là tin buồn cho các chủ shop online đó là Bộ Tài chính cho biết có thể sẽ nghiên cứu bổ sung thêm quy định đánh thuế đối với hàng hóa mua bán qua mạng tương tự như phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới.
Trong đó, mỗi sản phẩm có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên sẽ bị thu Thuế Giá trị gia tăng (VAT) và Thuế Thu nhập cá nhân theo một tỉ lệ %. Còn với những mặt hàng có giá dưới 1 triệu đồng nhưng nếu giao dịch từ 2 lần/ ngày vẫn bị đánh thuế theo quy định riêng.
Mặt hàng trên và dưới 1 triệu đồng đều có quy định thu thuế riêng.
Tuy nhiên, phản hồi lại điểm mới trong dự thảo lần này, nhiều người đã mở ra tình huống khá éo le là làm sao để biết được món hàng của shop đó trên hay dưới 1 triệu đồng nếu người bán không ghi rõ thông tin giá hoặc chỉ ghi cho có lệ rồi trao đổi sau với người mua.
Như dự đoán trước tình hình này, Bộ Tài Chính đã yêu cầu sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để khả năng thực thi việc đánh thuế sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn. Đồng thời Bộ Thông tin truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, Apple,.... khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Quản lý và quy định ngày càng chặt chẽ thế này thì các chủ shop buộc lòng phải thực thi nghĩa vụ không sớm thì muộn thôi.
Ngoài ra, trong dự thảo cũng đưa ra đề nghị cơ quan quản lý phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT, Mobifone, Vinaphone, Viettel,…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử cũng như về việc thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch.
Thế nhưng, như chúng ta biết thì phần lớn các hoạt động kinh doanh qua mạng ở Việt Nam hầu như đều được chi trả bằng tiền mặt nên việc mỗi ngày cửa hàng này bán được bao nhiêu hàng, cho những ai và doanh thu bao nhiêu thì không phải là điều dễ lấy được thông tin. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thừa nhận một điểm khó khăn khác là rất khó xác định chính xác những ai cần nộp thuế, doanh thu phát sinh là bao nhiêu, quy mô hoạt động kinh doanh cũng như quá trình giao dịch của mỗi shop như thế nào...
Tuy nhiên, theo tình hình hiện tại thì hiện nay rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công việc thu thuế các hình thức kinh doanh online thì các chủ shop online ở Việt Nam trong tương lai "có chạy đằng trời cũng không khỏi nắng".
(Ảnh: Internet)
* Cùng nhau cập nhật liên tục những tin tức công nghệ mới nhất tại YAN nhé!