F0 thắc mắc: Đang điều trị Covid-19, nên tắm nước lạnh hay nóng

12:30 27/09/2021

Thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ sức khỏe khi mắc Covid-19 được rất nhiều người quan tâm. Bên cạnh dinh dưỡng thì chuyện sinh hoạt cá nhân thường ngày cũng trở thành đề tài được bàn tán khá nhiều.

Một số người còn thắc mắc rằng: "Nếu đang mắc Covid-19 hoặc nghi nhiễm, tôi có nên tắm nước lạnh không?". Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ kiêm cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có đôi lời chia sẻ với Zing News.

 
Việc tắm nước nóng hay nước lạnh khi đang mắc Covid-19 không phải là điều quan trọng. (Ảnh: Tinh tế)
Việc tắm nước nóng hay nước lạnh khi đang mắc Covid-19 không phải là điều quan trọng. (Ảnh: Tinh tế)

Cụ thể, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, một số F0 có triệu chứng sốt, nhiệt độ cơ thể sẽ cao hơn thời điểm bình thường. Vậy nên khi tắm người ở nhiệt độ phòng sẽ tạo ra cảm giác lạnh hơn, vài F0 còn cảm thấy khó chịu. Song, tắm nước nóng hay lạnh không phải vấn đề quá quan trọng.

Theo bác sĩ, bệnh nhân nhiễm Covid-19 có thể tắm nước nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích và thể trạng cơ thể, miễn là bản thân cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, khi tắm nước lạnh mà cảm thấy rùng mình, F0 nên chuyển qua nước ấm nóng để đảm bảo an toàn.


F0 triệu chứng nhẹ đã khỏi có kháng thể không: Hãy nghe chuyên gia giải đáp.

Người bệnh nên tránh việc uống nước đá quá lạnh khi có biểu hiện sốt, ho và đau họng. Việc tập thói quen uống nước ấm trong thời gian điều trị Covid-19 sẽ có lợi hơn, thậm chí còn tăng sức đề kháng. Về vấn đề sử dụng máy lạnh, F0 không nhất thiết phải kiêng cữ. Nhiệt độ điều hòa nên mở vào khoảng từ 26 độ C đến 27 độ C trở lên. 

 
Thăm khám cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà. (Ảnh: Báo Đầu Tư)
Thăm khám cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà. (Ảnh: Báo Đầu Tư)

Trước đó, Cổng thông tin của Sở Y tế TP.HCM cũng đưa tin cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định việc tắm nước nóng không giúp diệt trừ hoặc ngăn chặn Covid-19. Nguyên nhân là do nhiệt độ cơ thể bên trong con người dao động khoảng 36,5 độ C đến 37 độ C, vì vậy sẽ không có nhiều thay đổi từ tác động bên ngoài. Điều quan trọng trong việc phòng ngừa Covid-19 là thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, dung dịch chứa cồn, sử dụng khẩu trang và bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng cần thiết.

Thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, người mắc Covid-19 đã điều trị khỏi cũng phải hạn chế việc để cơ thể quá lạnh hoặc quá nóng. Cụ thể, tắm nước lạnh có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến bệnh nhân mắc một số căn bệnh liên quan tới đường hô hấp cấp tính.

 
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên uống nước ấm. (Ảnh minh họa: Sức khỏe và Đời sống)
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên uống nước ấm. (Ảnh minh họa: Sức khỏe và Đời sống)

Nói như vậy, không có nghĩa rằng việc xông hơi hay tắm nước nóng sẽ tốt hơn. Một số nghiên cứu cho rằng, những hoạt động trên làm gia tăng lượng máu đến các tế bào, hình thành "áp lực" cho tim. Trong trường hợp những F0 vừa hồi phục, sức khỏe còn yếu thì không nên sử dụng nước quá nóng để tắm. Các chuyên gia khuyến cáo, F0 đã điều trị thành công cần ít nhất 1,5 tháng thì mới nên đi xông hơi.

Sau khi điều trị Covid-19 thành công, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số di chứng như cực kỳ mệt mỏi, khó thở, hồi hộp hay giảm trí nhớ. Một số khác thì mất ngủ, trầm cảm, lo âu, chán ăn, thay đổi vị giác,... Bởi vậy, không nên vì đã khỏi bệnh mà chủ quan, buông thả sức khỏe của bản thân. 

Với một số thông tin từ các chuyên gia y khoa, mong rằng mọi người sẽ thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe mùa dịch. Trong thời gian tới, hi vọng sẽ có nhiều điều tốt đẹp về tình hình bệnh dịch được công bố.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

BÁC SĨ KHUYẾN CÁO VỀ VIỆC DÙNG NƯỚC TÍA TÔ ĐỂ GIẢM SỐT SAU TIÊM VACCINE NGỪA COVID-19

Lá tía tô là một trong những loại rau gia vị quen thuộc của người Việt, chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và xem như thuốc dân gian. Tuy nhiên, không phải cách sử dụng nào cũng hoàn toàn đúng.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay chưa có khuyến cáo nào về việc nấu nước lá tía tô hay diếp cá để hạ sốt sau (hoặc trước) khi tiêm vaccine. Đồng thời, sốt sau tiêm vaccine chỉ là phản ứng bình thường, không cần đáng lo ngại. 

"Hiện nay bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành tiêm gần 30.000 người nhưng chỉ có 9 đến 10 trường hợp phản vệ đều được cấp cứu nhanh chóng, kể cả những phản ứng muộn" - bác sĩ chia sẻ.

Xem thêm tại đây!