Sau một thời gian dài nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã dần kiểm soát được Covid-19, đồng thời triển khai nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại một số hoạt động thiết yếu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ lại có chiều hướng gia tăng số ca mắc mới được ghi nhận theo tuần. Điều này đã làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Công tác phòng ngừa dịch bệnh tại một địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ. (Ảnh: TTXVN)
Tây Nam Bộ có nguy cơ bùng phát dịch
Tuổi Trẻ đăng tải, dựa theo thống kê từ Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 mới trên cả nước 2 tuần gần đây đã có xu hướng giảm so với 2 tuần trước (khoảng 48%). Tuy nhiên, nếu tính riêng từng tuần thì số F0 ghi nhận ở tuần sau lại nhiều hơn tuần trước, 2 tuần gần nhất có sự chênh lệch 14,4%.
Tính từ ngày 19/10 đến 25/10 vừa qua, 17/19 tỉnh thành phố miền Đông, Tây Nam Bộ đã gia tăng số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đặc biệt, thời điểm này, nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ rất cao. Vì vậy, hầu hết các địa phương trong khu vực đều đang gấp rút đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 và nâng cao mức độ cảnh giác.
F0 khỏi bệnh vẫn nên tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Tây Nam Bộ đã đón số lượng lớn bà con trở về từ các địa phương từng được xem là vùng dịch như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Đáng nói, tỉ lệ lây nhiễm/số người về khoảng 1,6%, nguy cơ lan ra cộng đồng rất lớn, nhất là với những nơi chưa kịp tiêm bao phủ vaccine mũi 1 như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang (chưa đạt 70% người trên 18 tuổi tiêm vaccine mũi 1).
Nhân viên y tế tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho bà con. (Ảnh: Sở Y tế)
>>Xem thêm: Sau TP.HCM đến một tỉnh công nghiệp chuẩn bị kịch bản dịch bùng lại
Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phía Nam nâng cao cảnh giác
Trước tình hình này, chiều ngày 26/10 vừa qua, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh vai trò của công tác phòng, chống dịch đối với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19 cũng đưa ra nhận định, số lượng ca nhiễm tại các tỉnh Tây Nam Bộ tăng chủ yếu do người về từ vùng dịch.
Ông cho rằng các tỉnh Tây Nam Bộ cần tăng cường xét nghiệm tầm soát, truy vết F0 ngoài cộng đồng, nhất là khi tỉ lệ người được tiêm vaccine còn thấp, năng lực hệ thống y tế yếu. Đặc biệt, trong thời gian này, các địa phương trên cả nước phải tăng cường hoạt động giám sát ca nhiễm từ những người về từ vùng dịch, nhất là khu vực phía nam.
Bà con từ các tỉnh khu vực miền Nam về quê được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Công An TP.HCM)
>>Có thể bạn quan tâm: Một tỉnh phát hiện nhiều trẻ đã tiêm vaccine dù chưa được phép
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, tất cả bà con nên chủ động nâng cao sức khoẻ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng chống Covid-19 do địa phương và Bộ Y tế đề ra, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
TỪ HÀNG TRĂM NGHÌN NGƯỜI VỀ TỪ VÙNG DỊCH, PHÁT HIỆN HƠN 6.000 F0
Thời gian vừa qua, số lượng người di chuyển từ các tỉnh phía Nam đến các địa phương khác đã tăng lên 381.000 người. Tuy nhiên, trong số đó, đã có 6.222 ca dương tính với nCoV được phát hiện thông qua công tác test nhanh. Nhiều người còn thuộc diện đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Thông tin này do Bộ Y tế báo cáo mới đây.
Trong khi tình hình dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, các địa phương lại gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý người trở về từ tỉnh có nguy cơ dịch cấp 1 (xanh), cấp 2 (vàng) nhưng cư trú ở xã, phường có nguy cơ dịch cấp 3 (cam), cấp 4 (đỏ).
Để tránh tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, một số tỉnh đã đưa ra đề nghị hoặc tự ý áp dụng các biện pháp chặt hơn, vượt quy định chung của Bộ Y tế và nghị quyết 128 của Chính phủ.