Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại nước ta vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là tại Tây Nam Bộ - khu vực đang có số ca mắc mới tăng cao từng ngày, vượt qua Đông Nam Bộ. Đặc biệt, theo báo cáo từ Bộ Y tế, vào ngày 6/12 vừa qua, Cần thơ đã trở thành địa phương có số ca mắc mới dẫn đầu cả nước.
Công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta đang được tăng cường triển khai. (Ảnh: Báo Long An)
Tuổi Trẻ đăng tải, vào ngày 10/9, số ca mắc mới được ghi nhận tại Cần Thơ là 67 ca. Tuy nhiên, đến ngày 3/12, con số này đã tăng lên nhanh chóng, đạt 1.465 ca. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc mới được ghi nhận theo ngày tại TP.Cần Thơ cũng liên tục tăng cao.
Còn tại Tiền Giang, ngày 10/9, số ca nhiễm được ghi nhận trên địa bàn là 156 ca. Đến ngày 16/11 (thời gian cao điểm nhất) lại là 671 ca. Tuy con số này đang có xu hướng giảm nhưng vào ngày 5/12 vừa qua vẫn đạt mức khá cao (257 ca). Tỉnh Đồng Tháp cũng có sự thay đổi về số ca mắc mới: ngày 10/9 là 58 ca nhưng ngày 5/12 là 690 ca.
Ngoài ra, tỉnh An Giang: ngày 10/9 là 108 ca, cao điểm nhất là 13/11 ghi nhận 695 ca, sau đó dần có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tỉnh Sóc Trăng: ngày 10/9 không ghi nhận ca bệnh nào nhưng ngày 5/12 có 789 ca mới, hiện đang là địa phương đứng đầu số ca mắc tại miền Tây.
Lời tâm sự của gia đình có 3 thành viên ra đi vì Covid-19.
Về tình hình Covid-19 tại khu vực Tây Nam Bộ nói chung, hiện nay số ca mắc mới đã vượt Đông Nam Bộ, trở thành vùng dịch nóng nhất nước ta. So với cùng kỳ tháng 11, số ca mắc mới được ghi nhận theo ngày tại đây đã tăng gấp 3 lần. Nhiều địa phương cũng xuất hiện trong danh sách 10 tỉnh, thành có số ca mắc cao nhất cả nước theo ngày.
Những ngày gần đây, các tỉnh Tây Nam Bộ liên tục ghi nhận số ca không qua khỏi cao, cụ thể ngày 4/12 là 83 ca, ngày 6/12 là 76 ca. Trong khi đó, cùng kỳ tháng 11, con số này chỉ bằng 1/5, điển hình như ngày 6/11 là 14 trường hợp.
Một chốt phòng dịch tại khu vực Tây Nam Bộ - nơi đang có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất nước ta. (Ảnh: Bộ Y tế)
Trước tình hình đó, vào ngày 7/12, các bệnh viện như Bạch Mai, Nội tiết trung ương, Việt Đức đã bắt đầu thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhanh chóng điều động nhân lực hỗ trợ các tỉnh đang có số ca mắc và không qua khỏi cao. Hiện tại, đoàn chi viện đã đến Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sớm triển khai nhiều giải pháp khác nhằm hỗ trợ các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khoẻ bà con.
Thời gian tới, các tỉnh Tây Nam Bộ sẽ được chi viện nhiều hơn về nhân lực y tế. (Ảnh: 24h)
Không chỉ tại Tây Nam Bộ, hiện nay tình hình dịch bệnh trên cả nước ta nói chung vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, dù ở khu vực nào, bà con cũng nên chủ động phòng ngừa Covid-19, nâng cao sức khoẻ bản thân, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
BỘ Y TẾ: NGUY CƠ BIẾN CHỦNG OMICRON XÂM NHẬP VIỆT NAM RẤT LỚN
Bên cạnh việc phòng ngừa dịch bệnh trong nước, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập và lây lan. Mới đây, trong công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đưa ra nhận định: "Nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn". Thế nên, ông đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Một trong những việc các tỉnh phải nhanh chóng thực hiện chính là xây dựng kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19. Mỗi địa phương phải có một phương án cụ thể để huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế. Đồng thời tìm mọi cách cải thiện, phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.