Walt Disney - tập đoàn truyền thông đa quốc gia với tổng giá trị tài sản trăm tỷ USD - là cái tên gắn liền với tuổi thơ của hàng tỷ người và cũng là câu chuyện đặc biệt về hành trình tạo dựng một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất lịch sử thế giới.


Không mấy ai biết, cha đẻ của nó là người đàn ông từng phá sản 2 lần và bị từ chối hơn 300 lần vì cho là “thiếu trí tưởng tượng và những ý tưởng hay”.

Đây là câu nói bất hủ của “ông tổ” nhà chuột - doanh nhân Walt Disney - khi tóm tắt sự nghiệp của mình. Ban đầu, đế chế này được ông thành lập cùng người anh trai Roy O. Disney.

Ban đầu, tập đoàn Walt Disneytừ một xưởng ảnh động nhỏ đã trở thành studio lớn nhất Hollywood và có trụ sở chính tên là Walt Disney Studios (Burbank) đặt tại California, Mỹ. Để rồi, năm 1923, ông tưởng như mất trắng sự nghiệp khi kết hợp với công ty Mintz. Ít ai biết rằng trước khi chuột Mickey ra đời thì linh vật đầu tiên của hãng Disney là chú thỏ may mắn Oswald. Tuy nhiên Oswald bị công ty đối tác này dành quyền sở hữu.

Năm 1928, đứng lên từ vết xe đổ, ông xoay sở với đủ mọi loại động vật để biến chúng thành những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh. Nhưng không nhân vật nào khiến Walt Disney cảm thấy ưng ý. Khi nhìn ngắm chú chuột cưng được nuôi trong lồng để trên bàn làm việc của mình, ông đã nảy ra ý tưởng về chuột Mickey. Cho đến mãi sau này ông vẫn thừa nhận định: “Tôi có cảm tình đặc biệt với những chú chuột”. Sau khi được “sinh ra”, cái tên ban đầu ông đặt cho chú chuột là Mortimer, nhưng chính vợ của Walt Disneybà Lillian đã khuyên ông nên thay tên là Mickey và từ đó Mickey ra đời.

Ngày 18/11/1928, chuột Mickey xuất hiện lần đầu tiên trong tập phim hoạt hình Steamboat Willie ở New York và thành công vang dội. Bộ phim khiến cả thế giới khi đó sững sờ, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của phép màu mang tên chú chuột nhỏ. Mickey sau đó gần như thống lĩnh toàn bộ mọi mặt trận khi xuất hiện trong khoảng 130 bộ phim, có mặt trên hàng nghìn sản phẩm từ đồ dùng học tập, đồ chơi, quần áo… Theo thống kê trong 5 năm đầu, Mickey đã mang về 1 triệu USD/năm từ doanh thu hàng hóa (tương đương 19 triệu USD vào năm 2019).

Mickey không phải là nhân vật hoạt hình đầu tiên trong sự nghiệp của Walt Disney nhưng là thành công đầu tiên và vang dội nhất. Mickey đã khơi nguồn cảm hứng để Disney tiếp tục sáng tạo những nhân vật hoạt hình nổi tiếng khác, đặc biệt là nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Dù ít nhiều tạo được chỗ đứng trong làng giải trí sau thành công của Mickey, nhưng với bộ phim nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn có kinh phí lên tới 1,5 triệu USD, cao gấp 3 lần dự kiến vẫn là một ván cược quá lớn. Điều này có thể khiến Disney phá sản, thậm chí có người còn gọi đó là “sự ngông cuồng của Disney” (Disney’s Folly). Nhưng sự ngông cuồng đã mang lại cái giá không tưởng. Đây là bộ phim hoạt hình có tiếng chiếu rạp đầu tiên, mang lại doanh thu cao nhất thời điểm đó, con số được History ước tính là 8 triệu USD, mà sau này lên tới 418 triệu USD.

Thành công của bộ phim đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành sản xuất phim hoạt hình, kéo theo sự ra đời của rất nhiều bộ phim ăn khách khác như Nàng công chúa ngủ trong rừng, Vịt Donald, Chó Goofy - những cái tên đã làm nên tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em.

Sau khi thành công với mảng phim hoạt hình, Disney lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh. Walt Disney đã đầu tư gần 10 triệu USD để xây dựng khu công viên giải trí Disneyland rộng 70ha, được trang trí dựa trên các nhân vật hoạt hình của hãng. Năm 1955, Disneyland - công viên của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng -  ra đời và trở thành địa điểm mơ ước của bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới.

Sau khi thu về nhiều thành công vang dội, vào giai đoạn 1967 – 1988, Disney đã rơi vào thời kỳ khủng hoảng khi “ông tổ” nhà chuột - Walt Disney qua đời vì ung thư phổi năm 1966. Chính điều này đã làm đế chế như mất đi một chân trụ vững. Họ bắt đầu cấp tốc huấn luyện những họa sĩ mới nhưng đều không có kết quả khả quan khi ra mắt 2 tác phẩm không thành công là: The Rescuers (1977) và Pete’s Dragon (1978).

Trước thất bại này, 11 họa sĩ trẻ đã dứt áo ra đi và cho rằng “Disney đã mất chất” và một trong số đó đã thành lập công ty riêng mang tên Don Bluth Productions. Sudio này nhanh chóng trở thành đối thủ chính của Disney trong suốt những năm 1980 cho tới đầu những ănm 1990.

Vào năm 2009, Walt Disney đã gặp đối thủ đáng gờm là DreamWorks, cả hai cạnh tranh dữ dội. Thế mạnh của DreamWorks nằm ở mảng phim hoạt hình, họ gần như là đối thủ duy nhất với Walt Disney ở thị trường này. Nhờ sự ra đời của công nghệ 3D, DreamWorks bắt đầu ngang hàng với Walt Disney và trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực hoạt hình 3D.

Kỹ thuật hoạt hình 3D của DreamWorks bắt đầu thuần thục với tác phẩm Shrek được ra mắt là năm 2001. Đây cũng là bộ phim hoạt hình ăn khách nhất của DreamWorks từ khi ra đời cho đến Shrek 2 ra mắt vào năm 2004 với con số doanh thu vượt trội gấp đôi, khiến “ông lớn” Disney cũng phải lao đao và dè chừng.

Các tác phẩm của Walt Disney và DreamWorks vô tình hay cố ý, thậm chí còn “đụng” nhau chan chát về mặt ý tưởng và có không ít lần so găng với nhau như các trường hợp của Shrek (DreamWorks) và Monster Inc (Walt Disney) năm 2001, Finding Nemo (Walt Disney ) và Shark Tale (DreamWorks) ra mắt năm 2004…

Walt Disney từng nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước, mở ra những cánh cửa mới, bởi chúng ta tò mò và sự tò mò dẫn chúng ta tới những con đường chưa được khám phá”. Nếu những giá trị ban đầu muốn đưa trẻ em đến thế giới mới đầy màu sắc thì nhà chuột hiện tại dường như đang chìm lấp trong núi tiền khổng lồ với tham vọng bành trướng.

Hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập với các gã khổng lồ Pixar, Marvel và 21st Century Fox tạo đòn bẩy giúp hãng phim này phát triển vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng thành công nhất trong lịch sử với loạt phim tỷ đô Avengers: Endgame, Captain Marvel… và những bộ phim bản quyền ăn khách như X-men, Deadpool… mà nhiều nhà đầu tư ước.

Dù những bom tấn đương nhiên là thành công với bất kỳ hãng phim nào, nhưng không ít khán giả trung thành nhận ra rằng các dự án lớn từ Walt Disney hiện nay đa phần đều được làm lại hoặc phát triển thêm từ những bộ phim cũ như Toy Story 4, Aladdin cho tới Star Wars. Thật khó để tìm được một bộ phim gốc sáng tạo thành công nào đến từ đế chế này trong giai đoạn hiện nay. Nhiều bộ phim được Disney làm lại dù là phiên bản 3D hay người đóng cũng không khỏi tạo ra những cái chau mày.

Nhưng, người ta vẫn luôn nhớ điều mà cha đẻ của Disney luôn tâm niệm: “Tôi không vẽ phim hoạt hình cho trẻ thơ, tôi vẽ phim hoạt hình cho đứa trẻ trong mỗi chúng ta. Tôi gọi đứa trẻ đó là sự ngây thơ. Trong cuộc sống, nếu vì bất cứ lý do nào mà để mất đi sự ngây thơ đó thì thật là đáng tiếc.” Bởi thế, không thể phủ nhận rằng nhờ Disney mà trẻ em trên khắp thế giới có được một thế giới rực rỡ sống động hơn.

Đế chế Disney cùng hình ảnh chú chuột nhỏ bé ăn vụn bánh mì ấy đã để lại bài học mà có lẽ ai trong chúng ta cũng cần phải lưu tâm: “Những điều vĩ đại nhất đều khởi đầu từ những thứ nhỏ bé”.